Trình bày Báo cáo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả đáng ghi nhận, tính đến hết tháng 8/2023 giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt khoảng 94,7 nghìn tỷ đồng. Một số chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí có kết quả thực hiện cao, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và đã được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện trong năm 2023.
Cụ thể, về Chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí: Nghị quyết số 43/2022/QH15 quy định: Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa. Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.
Chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh: Nghị quyết số 43/2022/QH14 quy định: Hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.
Chính sách cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội: Nghị quyết số 43/2022/QH15 quy định: Tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030…
Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm (sử dụng khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021).
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã quyết tâm, nỗ lực hoàn thiện thủ tục đầu tư cần thiết các dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình trong thời gian ngắn, bao gồm cả các dự án quan trọng quốc gia, dự án quy mô lớn, yêu cầu phức tạp, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, địa phương, nỗ lực triển khai để giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình.
Số vốn của Chương trình được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án trong kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN các năm 2022, 2023 là gần 154 nghìn tỷ đồng.
Đối với việc sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp: Việc báo cáo trích lập, điều chuyển và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp được tổng hợp theo niên độ với độ trễ 1 năm nên hiện nay chưa có số liệu thực hiện.
Đối với việc sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, học sinh đã đi học trực tiếp tại trường, Bộ TT&TT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ máy tính bảng cho học sinh. Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ TT&TT đang triển khai thực hiện các quy định hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet đến các vùng khó khăn được phổ cập dịch vụ viễn thông để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025.