Y nghĩa từ việc trồng và phát triển các vườn dược liệu ở các bản làng vùng cao
Những năm qua, tỉnh Lai Châu xác định phát triển dược liệu là hướng đi phù hợp nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, khai thác tiềm năng thế mạnh từng vùng, đảm bảo thêm thu nhập ổn định và giảm nghèo bền vững cho người dân, nhất là người dân ở các xã biên giới, nơi có điều kiện thuận lợi và có tỷ lệ che phủ rừng lớn.
Tỉnh Lai Châu có tổng diện tích rừng hiện có là 481.261 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 447.005 ha, tỷ lệ che phủ trên 50% diện tích đất tự nhiên là đất rừng và đất lâm nghiệp. Cùng với tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,4% và có trên 70% dân số có cuộc sống liên quan đến rừng.
Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang bảo tồn được nhiều loài dược liệu tự nhiên phong phú, quý hiếm như: Thất diệp Nhất chi hoa (cây bảy lá một hoa), sâm Lai Châu, lan kim tuyến, thảo quả, tam thất hoang... Đây chính là tiềm năng, lợi thế rất lớn để Lai Châu phát triển kinh tế bằng cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là cây sâm Lai Châu với giá trị kinh tế rất cao.
Qua rà soát đánh giá, Lai Châu xác định có hơn 38.000 ha có khả năng phát triển tốt cho cây sâm. Hiện Lai Châu đã bảo tồn, nhân giống và phát triển được trên 100ha sâm tại các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường. Nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, cá nhân đầu tư trồng sâm bước đầu hình thành chuỗi giá trị phát triển dược liệu và bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm theo quy trình, tiêu chuẩn kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Trồng và phát triển các vườn dược liệu ở các bản làng vùng cao, đảm bảo vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, vừa góp phần bảo tồn các giống cây quý, hạn chế khai thác quá mức từ tự nhiên. Đây là quyết tâm của các cấp ngành và người dân Lai Châu. Thời gian qua, tỉnh cũng đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về bảo tồn, đầu tư, phát triển cây dược liệu.
Ngoài kêu gọi đầu tư, mở rộng diện tích, các sở, ngành liên quan đã cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn người dân áp dụng quy trình kỹ thuật mới trong sản xuất, thu hái, bảo quản dược liệu để nâng cao chất lượng, mẫu mã khi tiêu thụ. Các địa phương cũng đã lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình 30a, Chương trình xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ phát triển sản xuất, sự nghiệp khoa học… để giúp bà con phát triển cây dược liệu, mang lại thu nhập cao.
Hiện nay một số vùng phát triển cây dược liệu ở vùng cao, bà con cũng đã hình thành một số sản phẩm để đưa ra thị trường; được đưa vào sản phẩm OCOP đánh giá phân hạng 3 sao, ví dụ như cây Atiso, rồi cây Giảo cổ lam, chè dây, thuốc phong tê thấp... Tỉnh cũng đang hỗ trợ trên tinh thần phát triển các sản phẩm OCOP và hỗ trợ xúc tiến thương mại cho bà con để thúc đẩy sản xuất.
Kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển trồng cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Lai Châu sẽ trồng mới 900ha cây dược liệu, xây dựng 5 cơ sở nhà máy chế biến và sản xuất giống. Đồng thời, xây dựng 1-2 sản phẩm dược liệu mang đậm thương hiệu của Lai Châu. Trong giai đoạn 2026-2030, Lai Châu sẽ kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển trồng cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đối với các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái của Lai Châu.
Hiện nay, Lai Châu đã ban hành các chính sách hỗ trợ giống các loại cây dược liệu quý, hiếm. Hỗ trợ bảo tồn, hoàn thiện quy trình sản xuất nhân giống. Hỗ trợ phát triển trồng dược liệu hàng hóa, chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới và hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết.
Đến nay, toàn tỉnh Lai Châu đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân mạnh dạn đầu tư, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Đây chính là cơ hội giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước giảm nghèo, thoát nghèo bền vững.
Phát triển dược liệu đã và đang được UBND tỉnh Lai Châu quan tâm, xác định là hướng đi phù hợp với tái cơ cấu, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của vùng, mang lại giá trị thu nhập cao; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, tăng thu nhập cho người dân nhất là đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số.