Nhiều chính sách ban hành kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19

19-09-2023 19:02 | Thời sự

SKĐS - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi cho rằng, nhiều chính sách kịp thời đã được ban hành nhằm kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, hỗ trợ người lao động, người nghèo, lao động bị mất việc làm…

Chính sách về BHYT được thực hiện tốt

Trong khuôn khổ Diễn đàn KT-XH năm 2023 chiều 19/9 đã diễn ra phiên tọa đàm cấp cao với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững".

Ông Lê Quang Minh, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam điều phối tọa đàm đã đề nghị ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ chính sách hỗ trợ nào của Nghị quyết 43 có tác động mạnh mẽ nhất tới doanh nghiệp, các địa phương. Chính phủ có dự kiến kéo dài nội dung nào của Nghị quyết này trong thời gian tới hay không?

Nhiều chính sách ban hành kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên tọa đàm cấp cao chiều 19/9.

Liên quan đến câu hỏi của người điều phối, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Nghị quyết 43 của Quốc hội đã được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11, cụ thể các nội dung tại Nghị quyết 43. Đến nay, đã phát huy tích cực, số lượng chính sách của Nghị quyết 43 tập trung vào nhóm chính sách tài khóa, tiền tệ, nhóm chính sách khác; chính sách đảm bảo an sinh xã hội; đầu tư kết cấu hạ tầng.

Các chính sách điều chỉnh khoản nợ, giãn cách thời gian trả nợ; chính sách tài khóa cũng được áp dụng nhanh chóng và dễ đi vào cuộc sống đó là giảm thời gian nộp các loại thuế và phí, giãn, hoãn các khoản thuế và phí… Ngoài ra, các chính sách khác như an sinh xã hội, tạo việc làm cũng giúp doanh nghiệp giữ chân lao động.

Nhiều chính sách ban hành kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tại điểm cầu Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chuyển câu hỏi đến Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi đề nghị cho biết điểm nổi bật nhất trong triển khai chính sách từ đầu năm đến nay liên quan đến vấn đề an sinh và đảm bảo cơ hội việc làm cho người lao động?

Theo ông Nguyễn Văn Hồi, điểm nổi bật nhất trong chính sách về an sinh đó là Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành quan tâm phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, trong đó công tác xây dựng thể chế được Quốc hội, Chính phủ quan tâm.

Nhiều chính sách đã được ban hành nhằm kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, hỗ trợ người lao động, người nghèo, lao động bị mất việc làm, hỗ trợ vốn vay cho khu vực phi kết cấu trong tiếp cận vốn, tín dụng. Cùng với đó, chú trọng phát triển thị trường mới, duy trì tốc độ phát triển GDP và duy trì tỷ lệ thất nghiệp thấp nhờ có các công cụ và giải pháp can thiệp vào thị trường lao động. Đối với lao động di chuyển về khu vực nông thôn cũng có kịp thời các gói tín dụng để phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn

Nhiều chính sách ban hành kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (phải).

Với các chính sách về BHYT cũng được thực hiện tốt, với tỷ lệ tiếp cận 87%; các chính sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo được triển khai từ mầm non tới đại học, đào tạo nghề; hỗ trợ sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được triển khai hiệu quả…

Ông Nguyễn Văn Hồi cho rằng, khó khăn lớn nhất về an sinh xã hội là thiên tai, dịch bệnh bất thường và tốc độ già hóa dân số khá nhanh. Vì vậy, hiện Bộ LĐTB&XH đã đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người cao tuổi có việc làm phù hợp với sức khỏe và kinh nghiệm của từng đối tượng…

Hỗ trợ 1,4 triệu lượt doanh nghiệp, trên 68 triệu lượt người lao động

Tại phiên tọa đàm, các đại biểu đã xem nội dung video "Bức tranh KT-XH Việt Nam nửa nhiệm kỳ 2021-2023). Theo đó, năm 2020 đại dịch COVID-19 bùng phát và hoành hành dữ dội. Ngày 1/6/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 07 về một số nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển KT-XH.

Ngay sau đó, Quốc hội đã cụ thể hóa chỉ đạo của Đảng bằng các sáng kiến lập pháp chưa có tiền lệ. Ngày 28/7/2021, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết 30 - Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19. 1 tuần sau đó, với sự mở đường từ Nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết 86 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Sau đó là nhiều chính sách cụ thể, phân cấp, phân quyền cho các bộ ngành, địa phương nhằm kịp thời chống dịch.

Nhiều chính sách ban hành kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Các đại biểu xem video Bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam nửa nhiệm kỳ (2021-2023).

Ngày 11/1/2022, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội ban hành Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, có quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng; Tháng 9/2021, với Nghị quyết 03 - Lần đầu tiên, UBTVQH quyết định một gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho 13 triệu người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Tiếp theo đó, Chính phủ đã triển khai hàng loạt các chính sách kịp thời, hỗ trợ trên 1,4 triệu lượt doanh nghiệp và trên 68 triệu lượt người lao động với tổng kinh phí trên 120 nghìn tỷ đồng trong 3 năm...

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH: "Rút BHXH một lần là một thực trạng day dứt"Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH: 'Rút BHXH một lần là một thực trạng day dứt'

SKĐS - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi cho rằng, vấn đề rút BHXH một lần là một thực trạng rất day dứt. Trong giai đoạn 2016-2022, số người rút BHXH một lần lên đến 3,5 triệu người…


Lê Bảo
Ý kiến của bạn