Ngày 8/12, thông tin từ Công an tỉnh Nghệ An cho biết, trong năm 2024 đã phát hiện, bắt 1 vụ, 7 đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake và nhiều phần mềm hỗ trợ để mở nhiều tài khoản thanh toán nhằm mục đích chiếm đoạt tiền voucher (là phiếu hoặc mã mua hàng có giá trị tương đương tiền mặt) của các ngân hàng.
Ngoài ra, đã xuất hiện tình trạng các đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake để tạo ra các hình ảnh, video của cán bộ cơ quan nhà nước nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân; nhiều trường hợp bị các đối tượng sử dụng Deepfake để cắt ghép, tạo ra các hình ảnh, video "nhạy cảm" nhằm đe dọa nạn nhân với mục đích bôi nhọ danh dự, xúc phạm nhân phẩm và tống tiền; truyền bá thông tin sai lệch, tin giả nhằm gây ảnh hưởng đến dư luận, bất ổn xã hội.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, cơ quan chức năng đã thông báo các phương thức thủ đoạn phạm tội đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động để nâng cao tinh thần cảnh giác.
Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm trên đến Nhân dân. Trong đó tập trung tuyên truyền cá biệt đối với những người cao tuổi, trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế; những người đầu tư tài chính nhưng hiểu biết về lĩnh vực này còn hạn chế, những người đầu tư mang tính chất "ăn theo"; người thất nghiệp, người muốn tìm kiếm thêm thu nhập thông qua mạng Internet...
Đối với người dân, cơ qua chức năng khuyến cáo, cần cẩn trọng trong bảo vệ dữ liệu cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mã OTP của ngân hàng cho bất kỳ ai nếu chưa rõ lai lịch.
Không bấm vào các đường link trên không gian mạng chưa rõ nguồn gốc; không tham gia giao dịch tại các sàn giao dịch chứng khoán, sàn giao dịch tiền điện tử chưa được Nhà nước bảo hộ. Không đăng tải, chia sẻ các thông tin trên không gian mạng nếu chưa được kiểm chứng. Khi phát hiện, nghi vấn bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì khẩn trương trình báo với cơ quan Công an để được hướng dẫn giải quyết…
Cơ quan chức năng cho biết, tình hình tội phạm công nghệ cao, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ trí tuệ thông minh nhân tạo (AI) đang diễn ra hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi và đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Một số thủ đoạn sử dụng công nghệ AI nhằm mục đích phạm tội xảy ra phổ biến hiện nay, gồm:
Sử dụng công nghệ Deepfake (là kỹ thuật kết hợp giữa các thuật toán học sâu và học máy với mục đích tạo ra những video, hình ảnh hoặc âm thanh giả mạo một cách chân thực) để tạo ra các hình ảnh, video giả mạo chân thực đến mức khó phân biệt được thật giả; thay đổi giọng nói, cắt ghép âm thanh, thay đổi khuôn mặt để giả danh cán bộ cơ quan nhà nước để hăm dọa các bị hại có liên quan đến các vụ án đang điều tra, yêu cầu bị hại chuyển tiền đến các tài khoản do các đối tượng chỉ định.
Ngoài ra, các đối tượng sử dụng Deepfake để cắt ghép hình ảnh, giả giọng nói, tạo ra các hình ảnh, video "nhạy cảm" của nạn nhân, qua đó thao túng tâm lý, đe dọa nạn nhân nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, xúc phạm nhân phẩm và tống tiền; truyền bá thông tin sai lệch, tin giả nhằm gây ảnh hưởng đến dư luận, bất ổn xã hội.
Sử dụng công nghệ AI tạo ra các mã độc, phần mềm độc hại nhằm mục đích tấn công mạng, chiếm quyền điều hành của hệ thống máy chủ, lấy cắp mật khẩu đăng nhập; phát triển các loại virus, malware tinh vi để xâm nhập và phá hoại hệ thống mạng…
So với các loại hình tội phạm truyền thống, tội phạm sử dụng công nghệ AI hoạt động chủ yếu trên không gian mạng, đối tượng rất am hiểu công nghệ thông tin, thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn; gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý do các sản phẩm công nghệ AI tạo ra rất chân thực, khó phân biệt với nội dung thật; khung pháp lý về công nghệ AI còn nhiều lỗ hổng, chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của công nghệ...
Điều tra vụ việc thanh niên hành hung tài xế, đập vỡ kính ô tô sau va chạm giao thông