Hà Nội

Nhiều cây bút nữ tâm huyết với đề tài thiếu nhi

23-10-2012 14:27 | Văn hóa – Giải trí
google news

Văn học cho thiếu nhi được xem là mảnh đất màu mỡ để các cây bút thể hiện, tranh tài. Từ những cây bút mới chập chững vào nghề đến nhiều nhà văn ở độ tuổi cổ lai hy.

(SKDS) - Văn học cho thiếu nhi được xem là mảnh đất màu mỡ để các cây bút thể hiện, tranh tài. Từ những cây bút mới chập chững vào nghề đến nhiều nhà văn ở độ tuổi cổ lai hy. Một điều khá thú vị là gần đây lại xuất hiện thêm những cuốn sách viết cho thiếu nhi của những nữ nhà văn đã và đang ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc. Đây được xem là một trào lưu khá thú vị và chất lượng.

Nữ nhà văn cũng là người mẹ

Lấy cảm hứng từ cô con gái rượu cũng là một nhà thơ nhí - Ngô Gia Thiên An, nhà thơ Trang Thanh đã viết nên 5 tập truyện thú vị xoay quanh nhân vật Tí Chổi đáng yêu. Trước khi bắt tay viết cuốn sách, Trang Thanh đã dắt lưng cuốn truyện ngắn Đá của trăm năm – NXB Phụ nữ 2006 và tập thơ Bay lặng im (Giải thưởng Lá Trầu 2007). Tí Chổi được xem là một bước chuyển mình ngoạn mục trong tư duy sáng tác của nhà thơ Trang Thanh.

 Nhật ký Sẻ Đồngcủa Phong Điệp.

Có đến hai cô con gái đáng yêu, sau những tập truyện ghi dấu ấn sâu đậm, nhà văn Phong Điệp quyết định viết và cho ra mắt bộ sách thiếu nhi có tên Nhật ký Sẻ Đồng để dành tặng cho hai bé. Trong lễ ra mắt của Nhật ký Sẻ Đồng, nội dung hấp dẫn cùng sự xuất hiện hồn nhiên của hai nguyên mẫu đã giúp cuốn sách bán chạy như tôm tươi.

Gây ấn tượng với những trang viết “đặc sản” miền núi, vùng cao với Đỗ Bích Thúy vẫn là chưa đủ. Những ai nghi ngờ sự hài hước và phong phú trong văn phong của chị sẽ đổi ý khi đọc Em Béo và hội Cầu Vồng - xoay quanh đời sống và các mối quan hệ của cô con gái đầu Diệu Huyền. Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai cũng không bỏ lỡ cơ hội “bắt tay hợp tác” cùng cô con gái cưng Mai Clara để cho ra đời Mun ơi chạy đi - một cuốn sách khá thú vị.

Tận dụng lợi thế ngôn ngữ thơ nhẹ nhàng, dễ hiểu, nhà thơ Thụy Anh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách cùng con đã cho ra mắt bộ sách kỹ năng trò chuyện khá độc đáo mang tên Bố ơi, vì sao? Viết tập sách theo yêu cầu của độc giả Tạp chí Mẹ&Bé, Bố ơi, vì sao? cũng thể hiện tâm huyết của tác giả trong việc định hướng các kỹ năng sống cho trẻ - công việc mà nhà thơ, tiến sĩ Thụy Anh nung nấu nhiều năm qua.

Sức lan tỏa từ những cuốn sách

Năm ngoái, nữ nhà văn Di Li gây ấn tượng với báo giới và bạn đọc khi cho ra mắt hồi ký Nhật ký mùa hạ - 51 câu chuyện học đường có thật của tác giả được viết trong nhiều năm. Xác định viết cuốn sách “trước hết cho bản thân, sau đó là cho gia đình, bạn bè” nhưng sức lan tỏa của Nhật ký mùa hạ thực sự mạnh mẽ. Trước hết, đó là một trong những cuốn sách đầu tiên chính thức phát hành sách điện tử tại Việt Nam. Cũng từ tinh thần đẹp của Nhật ký mùa hạ, cuộc thi viết Nhật ký mùa hạ cũng được phát động, phát hiện ra những cây bút tiềm năng thực sự.

 Cuốn sách nằm trong tập Bố ơi, vì sao?của Thụy Anh.

Không dừng lại ở việc chỉ viết về tuổi thơ của hai con gái, nhà văn Phong Điệp dự định sẽ song hành cùng tuổi của các con đến khi trưởng thành bằng những tập sách độc quyền cho hai bé. Nhà văn Đỗ Bích Thúy cũng thể hiện sự trường vốn bằng cách ấp ủ dự định sáng tác những phần tiếp theo của Nhật ký hội Cầu Vồng. Đây thực sự là những cử chỉ hết sức đáng cổ vũ của các nhà văn trong tình trạng khan hiếm những tác phẩm hay và thực tế dành cho thiếu nhi.

Từng gây ngạc nhiên bởi sự đa tài trong nhiều thể loại sáng tác, nhà thơ Trang Thanh tới đây có thể sẽ gây bất ngờ khi chuyển thể thành công bộ truyện Tí Chổi thành kịch bản phim truyền hình. Chị đang rất quan tâm đến việc làm thế nào để đưa lên màn ảnh một cách thuyết phục câu chuyện dài hơi của con gái.

Viết theo kiểu và nhịp đồng dao, Bố ơi, vì sao? của Thụy Anh hấp dẫn cả những em bé còn nhỏ tuổi bằng những câu chuyện nhỏ về chú chuột chũi, anh cá voi, mẹ con nhà chuột túi, cái bếp vui vẻ…Không chỉ mang mục đích phát hành, cuốn sách của chị còn là cẩm nang trò chuyện với con cái của các bậc phụ huynh.

Rõ ràng những cuốn sách có nguồn tư liệu phong phú từ thực tế vẫn có sức hấp dẫn riêng biệt. Gặt hái được thành công trên nhiều lĩnh vực, thể loại khác nhau, nhiều nữ nhà văn vẫn tâm huyết với đề tài thiếu nhi. Họ đã mang đến những món quà thật đáng yêu, hữu ích cho con cái, cho những độc giả nhỏ tuổi khao khát tìm những chân trời mới lạ trong văn học thiếu nhi.    

Ấn Sơn


Ý kiến của bạn