Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội hiện có 70 cầu vượt đi bộ và hơn 20 hầm bộ hành được đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình đưa vào sử dụng lại không nhận được sự quan tâm của người dân như kỳ vọng.
Khảo sát thực tế cho thấy, các cây cầu vượt bộ hành, hầm đường bộ được bố trí tại những địa điểm có mật độ người dân có nhu cầu di chuyển nhiều, tránh xung đột giao thông cũng như bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, thời gian qua các công trình này không được phát huy hết công dụng vốn có.
Ghi nhận tại cầu vượt bộ hành trên đường Nguyễn Chí Thanh (cạnh trường Đại học Luật Hà Nội) vào giờ cao điểm cho thấy, chỉ có số ít người là sinh viên qua đường trên cầu vượt, số còn lại chọn cách băng qua đường với dòng phương tiện ngược xuôi đông đúc.
Sinh viên Thu Uyên đưa ra lý do không sử dụng cầu vượt bộ hành: "Bản thân mình sức khỏe không tốt nên mỗi khi bước lên cầu thang để lên cầu vượt bị hụt hơi, do đó dù biết băng qua đường có thể gặp nguy hiểm nhưng cũng đành tặc lưỡi. Tuy nhiên, khi di chuyển qua đường mình cũng lựa nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ".
Tại khu vực cầu vượt bộ hành trên đường Giảng Võ cũng xảy ra tình trạng như trên bởi qua khảo sát chỉ có khoảng 40% người dân sử dụng, số còn lại lựa cách băng qua đường.
Một cây cầu vượt bộ hành khác nằm cạnh trước cổng Bệnh viện K Trung ương (cơ sở Tân Triều) cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Đây là cây cầu dựng lên với mục đích phục vụ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khi lượng phương tiện lưu thông nhiều, dễ gây ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Tuy nhiên, thay vì di chuyển qua bệnh viện bằng cầu vượt, nhiều người nhà bệnh nhân lại chọn cách băng qua đường.
Đối với hạng mục hầm vượt bộ hành cũng xảy ra tình trạng tương tự. Khảo sát tại một số khu vực như: Hệ thống hầm đường bộ khu vực Ngã Tư Sở, khu vực Bến xe Mỹ Đình, khu vực ngã Tư Phạm Hùng - Đại lộ Thăng Long, trên đường Phạm Văn Đồng... cũng đều xảy ra tình trạng "ế khách".
Một số hầm vượt bộ hành không được cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng dẫn đến nhếch nhác; xảy ra tình trạng bán hàng rong bủa vây quanh các cửa hầm... ảnh hưởng đến người sử dụng. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân không mặn mà sử dụng hầm bộ hành còn vì lo ngại không an toàn.
"Di chuyển vào hầm sâu hun hút vô tình tạo nên tâm lý lo ngại đối với tôi nên băng qua đường cho nhanh, cho tiện", ông Nguyễn Văn Hà (trú tại Cầu Giấy) cho biết.
Để khắc phục tình trạng người dân thờ ơ với cầu vượt, hầm bộ hành, phát huy hiệu quả của các công trình này, thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông; đưa nội dung giáo dục về an toàn giao thông vào các bậc học phổ thông để từng bước tạo ý thức, văn hóa giao thông cho học sinh, sinh viên.
Đồng thời, Sở nghiên cứu, tăng cường các biện pháp kỹ thuật, cưỡng chế người tham gia giao thông sử dụng cầu vượt, hầm bộ hành, như lắp hàng rào, trồng cây xanh tại dải phân cách giữa để ngăn chặn tình trạng người đi bộ cố tình băng qua đường, gây mất an toàn giao thông...
Sở cũng đề nghị với cơ quan chức năng nâng chế tài xử phạt, đồng thời mạnh tay xử lý người đi bộ không đúng nơi quy định.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 15-5- Xé Lòng Cảnh Người Mẹ Lần Lượt Hôn Lên Linh Cữu Tiễn Biệt Con Vụ Cháy 4 Bà Cháu - SKĐS