Thông tin từ bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang điều trị cho bệnh nhân Đinh Văn N. (7 tuổi, ngụ thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) mắc bệnh bệnh bạch hầu.
Trước đó, bệnh nhi đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi và đau họng... Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh bạch hầu, bệnh nhi được chuyển xuống Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi. Hiện bé N. đang được điều trị tích cực ở khu vực cách ly để phòng lây nhiễm cho các bệnh nhi khác.
Bé N. đang được điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi.
Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn truyền nhiễm có khả năng gây tử vong, chủ yếu ảnh hưởng mũi, cổ họng, đôi khi ở da.
Dù bệnh này rất hiếm gặp do đã có vắc xin phòng ngừa nhưng theo thống kê, ở huyện Sơn Hà, từ đầu năm 2019 đến nay, địa phương ghi nhận 8 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại các xã: Sơn Hạ, Sơn Trung, Sơn Thượng, Sơn Bao và thị trấn Di Lăng.
Sau khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh, ngành y tế Quảng Ngãi đã tiến hành kiểm tra và lấy mẫu bệnh phẩm. Ngành y tế địa phương cũng tiến hành phun hóa chất xử lý môi trường và tổ chức khám sàng lọc cho người dân tại những vùng có trường hợp mắc bệnh. Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi cho hay, hiện Viện Pasteur Nha Trang cùng ngành y tế Quảng Ngãi đang triển khai tiêm bổ sung vắc xin Td (vắc xin bạch hầu) cho người từ 5 đến 40 tuổi ở địa phương.
Phòng bệnh phát tán
Khi phát hiện người mắc bệnh bạch hầu, do bệnh dễ lây truyền nên bắt buộc phải khai báo theo quy định của ngành y tế. Đối với bệnh nhân, cần cách ly tại bệnh viện để điều trị, chỉ cho xuất viện về nhà khi khỏi bệnh về mặt lâm sàng và sau 2 lần ngoáy họng lấy bệnh phẩm nuôi cấy tìm vi khuẩn có kết quả âm tính, mỗi lần xét nghiệm cách nhau từ 2 - 7 ngày. Trước khi trở lại sinh hoạt bình thường với cộng đồng, người bệnh phải được lấy bệnh phẩm ở họng nuôi cấy thêm một lần nữa để tìm vi khuẩn và xác định bảo đảm không còn mầm bệnh với kết quả cấy vi khuẩn âm tính.
Đối với những trường hợp người có tiếp xúc với bệnh nhân cũng cần cấy tìm vi khuẩn bạch hầu và thử phản ứng Schick để giúp xác định kháng độc tố trong huyết thanh người. Nếu cấy vi khuẩn với kết quả âm tính và thử phản ứng với kết quả dương tính thì cho tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu. Nếu cấy vi khuẩn với kết quả dương tính và thử phản ứng với kết quả dương tính thì cho tiêm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, sau đó tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu và điều trị bằng kháng sinh phù hợp trong một tuần. Nếu cấy vi khuẩn với kết quả dương tính nhưng thử phản ứng với kết quả âm tính thì dùng kháng sinh phù hợp trong vòng một tuần. Lưu ý nhà cửa của người bệnh cần phải được tiến hành khử trùng, tẩy uế phòng ở và các dụng cụ, đồ dùng, quần áo của bệnh nhân...
Thực tế việc tiêm vắcxin bạch hầu là một biện pháp phòng bệnh có hiệu quả để bảo vệ cộng đồng. Có thể sử dụng loại vắcxin đơn thuần hoặc vắcxin phối hợp với một số bệnh khác như: vắcxin “3 trong 1” để phòng 3 bệnh bạch hầu - uốn ván - ho gà; vắcxin “5 trong 1” để phòng 5 bệnh bạch hầu - uốn ván - ho gà - viêm gan B - viêm não do vi khuẩn Hib hoặc 5 bệnh bạch hầu - uốn ván - ho gà - bại liệt - viêm não do vi khuẩn Hib; vắcxin “6 trong 1” để phòng 6 bệnh bạch hầu - uốn ván - ho gà - viêm gan b - bại liệt - viêm não do vi khuẩn Hib.