Nhiều bước tiến trong nghiên cứu và phòng chống bệnh truyền nhiễm

27-07-2018 15:50 | Tin nóng y tế

SKĐS - Tối ngày 26/7/2018, tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), Hội truyền nhiễm Việt Nam long trọng tổ chức kỷ niệm 40 năm thành lập, Hội nghị thường niêm Ban chấp hành và lễ ký kết thành lập Liên hiệp các Hội truyền nhiễm và Ký sinh trùng Đông Nam Á. GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng Hội y học Việt Nam dự lễ và chúc mừng các thành tựu đã đạt được của Hội truyền nhiễm Việt Nam.

Đến với buổi lễ còn có đại diện lãnh đạo của nhiều Cục, Vụ của Bộ Y tế, các lãnh đạo nhiều bệnh viện, các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực truyền nhiễm, ký sinh trùng trong nước và quốc tế. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Hội truyền nhiễm Việt Nam và mong muốn Hội sẽ tích cực hơn nữa trong việc nghiên cứu ra các biện pháp mới để góp phần ngăn chặn nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm.

GS.TS Nguyễn Văn Kính-Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, GĐ Bệnh viện Nhiệt đới trung ương khẳng định; Hội Truyền nhiễm Việt Nam là thành viên của Tổng hội Y học Việt Nam được thành lập ngày 27/5/1978, là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp phi lợi nhuận với mục đích tập hợp, đoàn kết chặt chẽ các hội viên, cùng nhau học tập, trau dồi kinh nghiệm, đạo đức, nghiên cứu khoa học, góp phần vào việc xây dựng và phát triển Ngành Truyền nhiễm. Hội liên tục có những bước tiến dài trong lĩnh vực truyền nhiễm, có nhiều đóng góp quan trong cho lĩnh vực y học Việt Nam.


Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long tặng bằng khen của Bộ Y tế cho Lãnh đạo Hội truyền nhiễm Việt Nam GS.Nguyễn Văn Kính

 

Tính đến tháng 5/2017, Hội truyền nhiễm Việt Nam đã có 15 Chi hội cấp tỉnh với 2.435 hội viên. Hội đã quy tụ được hầu hết các GS, chuyên gia đầu ngành Truyền nhiễm cùng đông đảo đội ngũ cán bộ khoa học và cán bộ làm việc trên lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, điều trị, dự phòng, quản lý liên quan đến phòng chống bệnh Truyền nhiễm, nhiệt đới. Cùng với Bệnh viện Nhiệt đới trung ương và một số tổ chức, đơn vị liên quan duy trì tổ chức hàng năm “Hội nghị khoa học toàn quốc về bệnh truyền nhiễm HIV/AIDS”. Hội cũng đã phân công cán bộ, hội viên là các chuyên gia tham gia các Hội đồng Chuyên môn của Bộ Y tế. Tham gia góp ý, tư vấn, phản biện các vấn đề y tế có liên quan đến truyền nhiễm. Hội truyền nhiễm cũng thường xuyên cử hội viên tham gia các đoàn công tác của Tổng hội Y học Việt Nam đi các tỉnh thành trình bày về tình hình, xu hướng bệnh truyền nhiễm, cập nhật kiến thức bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi tại Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ngãi...Tích cực trong việc đẩy mạnh phòng, chống dịch SARS, HIV/AIDS, dịch cúm, sởi, sốt xuất huyết, MERS -COV...


Bà Nguyễn Thị Xuyên tuyên dương, khen thưởng có cá nhân, tập thể tích cực trong công tác phòng, chống truyền nhiễm

 

Cùng với các hoạt động trong nước, Hội truyền nhiễm Việt Nam còn tích cực hợp tác quốc tế. Bắt đầu từ năm 2016, Hội phối hợp với Viện Mérieux của Pháp tổ chức “Giải thưởng khoa học trẻ Mérieux-VSID”, giải thưởng có giá trị 10.000 euro nhằm tôn vinh kịp thời các cán bộ khoa học trẻ trong ngành truyền nhiễm. Từ đó thúc đẩy phong trào nghiên cứu, sáng tạo, đề xuất những giải pháp khoa học, công nghệ thiết thực cho cuộc sống.


Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long và bà Nguyễn Thị Xuyên chứng kiến Lễ ký kết thành lập Liên hiệp các Hội bệnh Truyền nhiễm và Ký sinh trùng Đông Nam Á

 

Trải qua 40 năm, ở thời kỳ nào, Hội truyền nhiễm Việt Nam cũng có những sáng tạo, nghiên cứu nổi bật, đóng góp lớn cho nền y học Việt Nam. Điển hình như, giai đoạn 1978-1985 (do GS. Trịnh Ngọc Phan làm Chủ tịch) đã đẩy mạnh phong trào chống dịch hạch ở phía Bắc; Nghiên cứu phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong cả nước; Đào tạo các chuyên gia đi hợp tác quốc tế ở Châu Phi; Thông báo ca nhiễm HIV đầu tiên ở Mỹ (năm 1981) và dự báo bệnh sẽ xuất hiện ở Việt Nam trong tương lai gần...Ở gia đoạn 1986-2010 (do GS.Phạm Song làm Chủ tịch) đã biên soạn Tư điển Bách khoa thư Bệnh học chuyên ngành truyền nhiễm; Triển khai chương trình y tế quốc gia về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Hợp tác quốc tế với NAMRU nghiên cứu về viêm gan vi rút B và nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con; Đưa thuốc Artmisinin chiết suất từ cây thanh hoa vàng vào điều trị thường quy bệnh sốt rét tại Việt Nam; Đã phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên ở TP.Hồ Chí Minh...Ở giai đoạn 2011 đến nay, phát triển mạnh mẽ mạng lưới Chi hội truyền nhiễm ở các địa phương; Thường xuyên tổ chức hội nghị khoa học để đánh giá tiến trình nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm; Tham gia tích cực phòng chống các bệnh mới nổi, tái nổi; Tích cực hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và đào tạo về HIV/AIDS, nghiên cứu điều trị đồng nhiễm HIV/AIDS...


HÀ VĂN ĐẠO
Ý kiến của bạn