Hà Nội

Nhiều biện pháp được triển khai đảm bảo an toàn cho người lao động quay trở lại làm việc

14-02-2022 19:57 | Y tế
google news

SKĐS - Sau Tết, số ca mắc COVID tại nhiều địa phương tăng cao, trong đó có nhiều lao động tại các khu công nghiệp. Để đảm bảo an toàn cho người lao động quay trở lại làm việc, nhiều biện pháp phòng dịch đã được triển khai.

Từ 01/01/2022 đến nay, tỉnh Phú Thọ ghi nhận 1002 ca mắc COVID-19 làm việc tại các khu công nghiệp, cụ thể: Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì có 459 ca bệnh thuộc 24 công ty; Khu công nghiệp Đồng Lạng có 43 ca tại 03 công ty; Khu công nghiệp Phú Hà có 485 ca bệnh tại 13 công ty; Khu công nghiệp Trung Hà có 16 ca bệnh tại 03 công ty…

Những ngày gần đây, số ca mắc ở địa phương này luôn ở con số 700-800 ca mắc mới mỗi ngày, riêng hôm na (14/2) Phú Thọ ghi nhận hơn 1000 ca COVID-19 mới. Trong số các ca bệnh ở tỉnh này có nhiều công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, nguy cơ lây nhiễm trong KCN rất cao. 

Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn cho người lao động quay trở lại làm việc và thực hiện hiệu quả mục tiêu kép "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế", các doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động, linh hoạt thực hiện các biện pháp  vừa khôi phục sản xuất, vừa phòng chống dịch.

Cụ thể: tổ chức test nhanh COVID-19 cho người lao động trước khi quay trở lại làm việc, có phương án bố trí thay thế trong dây chuyền sản xuất kinh doanh nếu chẳng may có F0. Chủ động các phương án phòng chống dịch đồng thời phối hợp với cơ quan y tế cũng như chính quyền địa phương để chủ động xử lý tình huống mỗi khi có ca mắc mới.

Yêu cầu người lao động phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc, không được chủ quan, lơ là cũng như không được hoang mang, không tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng tại công ty, KCN và địa phương… Đồng thời thực hiện biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch bệnh tại khu nhà trọ, xe đưa đón công nhân.

Nhiều biện pháp được triển khai để đảm bảo an toàn cho người lao động quay trở lại làm việc - Ảnh 1.

Nhiều biện pháp phòng dịch được triển khai để đảm bảo an toàn cho người lao động quay trở lại là việc sau Tết.

Trong ngày hôm nay (14/2), tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 922 ca mắc COVID-19, trong đó có 173 ca mắc COVID-19 mới tại các khu công nghiệp. 

Do vậy, để đảm bảo an toàn hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng phương án, bố trí khu vực lưu trú để quản lý, thu dung F0 không có triệu chứng là người lao động của đơn vị; đảm bảo tối thiểu cho 10% tổng số lao động.

Đồng thời lập danh sách, số lượng lao động đủ điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi bổ sung, mũi nhắc lại gửi về Trung tâm Y tế huyện, thành phố nơi doanh nghiệp đóng trên địa bàn để phối hợp triển khai tiêm chủng ngay khi doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến người lao động thực hiện nghiêm 5K tại nơi làm việc cũng như nơi lưu trú đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Các tỉnh Đông Nam bộ như Bình Dương, Đồng Nai là những địa phương tập trung nhiều các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của cả nước, sau Tết lượng lao động từ các địa phương đổ về rất lớn đồng nghĩa với nguy cơ bùng dịch cũng rất cao.

Để đảm bảo an toàn cho người lao động và các hoạt động động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn, Sở Y tế Bình Dương đã có văn bản hướng dẫn phương án xử trí F0 trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, KCN.

Theo đó, khi có ca mắc mới, doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện thực hiện phong tỏa theo quy mô dịch tại dây chuyền, phân xưởng hay toàn bộ cơ sở sản xuất, trong đó khu vực phong tỏa có người lao động mắc hoặc nghi mắc COVID-19, phải tách biệt với các dây chuyền, phân xưởng khác và đảm bảo vệ sinh môi trường, khử khuẩn không để lây nhiễm chéo giữa các dây chuyền, phân xưởng. 

Đảm bảo điều kiện sinh hoạt, ăn uống, thuốc điều trị tại chỗ và được hưởng các chế độ lao động dành cho người mắc, nghi mắc COVID tiếp tục tham gia sản xuất tại khu vực phong tỏa theo quy định.

Thiết lập phòng y tế, khu vực cách ly y tế tại cơ sở sản xuất kinh doanh. Mỗi phòng y tế có ít nhất  01 bác sĩ, y sĩ được tập huấn điều trị  bệnh nhân COVID-19, trang bị đầy đủ bình oxy, máy đo SPO2 và các cơ số thuốc để điều trị, sơ cấp cứu cho người lao động mắc, nghi mắc COVID-19.

Tỉnh Đồng Nai có 1,2 triệu lao động, trong đó có hơn 600.000 công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp. Do vậy để đảm bảo an toàn cho người lao động, địa phương này yêu cầu các doanh nghiệp phải liên kết với các phòng khám, bệnh viện, trạm y tế lưu động trên địa bàn, đảm bảo cán bộ trực 24/7 và có xe cấp cứu để vận chuyển các trường hợp  mắc COVID-19 trở nặng kịp thời đến các cơ sở y tế đủ điều kiện điều trị không để xảy ra các trường hợp tử vong  tại công ty, nhà máy.

Trên địa bàn các khu, cụm công nghiệp phải có tối thiếu 01 trạm y tế lưu động, phòng khám đa khoa trang bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị điều trị người bệnh COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.

Nam Trung Bộ: Lao động hồ hởi trở lại làm việcNam Trung Bộ: Lao động hồ hởi trở lại làm việc

SKĐS - Hàng loạt lao động trong các doanh nghiệp lẫn ngư dân, lao động tự do ở nhiều tỉnh Nam Trung Bộ sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần trở lại làm việc, thích ứng an toàn với COVID-19.


Ngọc Anh
Ý kiến của bạn