Nhiều “bí mật” được hé mở trong ngày thứ 3 phiên xét xử vụ án chạy thận Hòa Bình

17-05-2018 21:15 | Pháp luật
google news

SKĐS - Ngày 17/5, ngày thứ 3 xét xử sơ thẩm vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình. Hội đồng xét xử tiếp tục hỏi các bị cáo, người đại diện có liên quan. Cũng trong ngày hôm nay, các luật sư bào chữa cũng có những ý kiến bảo vệ thân chủ của mình.

 

Hôm nay, đại diện uỷ quyền cho ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BV đa khoa Hòa Bình là luật sư Đỗ Quốc Quyền vắng mặt tại phiên tòa. Vào ngày 16/5, luật sư Đỗ Quốc Quyền cho biết: “Trong những ngày tới, ông Dương chưa có mặt tại Việt Nam, tôi sẽ đại diện để làm việc bình thường”. Tuy nhiên, ngày xét xử thứ 3, vị đại diện này đã vắng mặt.

Cũng trong ngày hôm nay, Ông Hoàng Đình Khiếu, nguyên Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hoà Bình kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực cũng vắng mặt trong ngày xét xử thứ 3.

Đáng chú ý, tại phần xét hỏi của mình, LS. Trần Vũ Hải, người bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc, đã bị HĐXX yêu cầu ngồi xuống với nhiều lý do. Khi vị này tiếp tục đưa ra các câu hỏi, HĐXX đã đề nghị lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp đưa ông Hải ra khỏi phòng xử, vị này mới chịu ngồi xuống.

Trong phần trả lời của mình với câu hỏi của Luật sư Lê Văn Thiệp, một lần nữa, bị cáo Trần Văn Sơn tiếp tục khẳng định lời khai giống ngày làm việc đầu tiên của phiên xử, rằng từ khi được phân công về đơn nguyên thận nhân tạo, chưa một lần nào sửa chữa mà thấy có xét nghiệm AAMI (xét nghiệm nguồn nước có đảm bảo hay không - PV), bị cáo cũng không được cung cấp bất cứ tài liệu và hướng dẫn nào về quy định này. Bị cáo Trần Văn Sơn cũng cho rằng khi việc sửa chữa xong thì phía công ty sẽ bàn giao cho mình, sau đó báo cáo lãnh đạo phòng. Từ trước đến nay, không có cảnh báo nào về việc nếu chưa sửa chữa xong thì không được vào làm việc. Tất cả quy trình này bị cáo đều không biết, bị cáo Sơn nói.

Các bị cáo trong phiên tòa ngày 17/5

Cũng trong ngày 17/5, điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng đã được triệu tập tại tòa, sau 2 ngày vắng mặt, trả lời câu hỏi của Luật sư Nguyễn Tiến Thủy, Văn phòng Luật sư Việt Lý (Đoàn luật sư TP Hà Nội) điều dưỡng Hằng và điều dưỡng Đỗ Thị Điệp đều cho biết, bản thân không được đào tạo chuyên môn có bằng cấp về lọc thận, cũng như không được đào tạo chuyên ngành về việc chạy máy lọc thận nhân tạo. Từ trước đến nay tại BVĐK Hòa Bình tất cả điều dưỡng đều giống như tôi, chỉ được đào tạo theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Phòng Vật tư – Trang thiết bị y tế cũng không có văn bản nào quy định trách nhiệm ai làm việc gì đối với việc chạy máy lọc thận nhân tạo, tất cả đều chỉ đạo và giao nhiệm vụ bằng miệng, đồng thời cũng không được tổ chức cho đào tạo.

Cũng giống như bị cáo Sơn đều cho rằng, mình không được đào tạo về chuyên môn lọc thận mà chỉ học chuyên ngành về Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh y tế. Bị cáo Sơn cho biết thêm từ tháng 6/2015 đến cuối năm 2017, Sở Y tế cho đi học liên thông ngành Kỹ thuật Y sinh do Viện Đào tạo liên tục tổ chức tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, lịch học vào tối thứ 6, ngày thứ 7 và chủ nhật (ngoài giờ hành chính) và việc đi học này được sự đồng ý của Bệnh viện. Tuy nhiên, trong các học trình không có môn dạy nào liên quan đến sử dụng máy lọc thận, cũng như xét ngiệm nước và hóa chất.

Toàn cảnh phiên tòa chiều này 17/5

Trao đổi với SK&ĐS, Luật sư Nguyễn Tiến Thủy, Văn phòng Luật sư Việt Lý (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) chia sẻ, qua nghiên cứu hồ sơ cho thấy, Trần Văn Sơn tốt nghiệp Cao đẳng nghề Kỹ thuật thiết bị y tế, chuyên ngành Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, không có hiểu biết nhiều về chuyên môn máy lọc thận nhân tạo và hệ thống nước RO, cũng như tiêu chuẩn về nước và hóa chất… Vì vậy, không có khả năng kiểm tra mẫu mã, nhiệm vụ được giao nhận bàn giao sau khi Công ty Thiên Sơn hoàn thành công việc lắp đặt bảo dưỡng sữa chữa.

Việc lắp đặt, bảo dưỡng, sữa chữa như thế nào là do công ty Thiên Sơn tư vấn cho Bệnh viện bằng các hợp đồng kinh tế, nên phải có trách nhiệm về toàn bộ hệ thống kỹ thuật cũng như chất lượng nước. Sau khi thay xong, Sơn chỉ là người quản lý trên hồ sơ thiết bị, chịu trách nhiệm theo dõi bão dưỡng sữa chữa. Việc Công ty Thiên Sơn cử người đến sửa chữa như thế nào, có mặt hay không có mặt, cho chất gì để lọc rửa Sơn cũng không thể biết được. Do đó, không phải việc do Sơn làm mà bắt Sơn phải chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ mà đơn vị khác ký hợp đồng cung cấp cho BV là chưa phù hợp. Vì không có chuyên môn!

Điều đáng nói tại phiên tòa này là những người có liên quan được triệu tập tại phiên tòa tất cả đều không biết hợp đồng mà BVĐK tỉnh Hòa Bình đã ký với Công ty Thiên Sơn được lập như thế nào? Ký vào thời điểm nào? Giao cho ai? Những người được biết như ông Trần Văn Thắng (Trưởng phòng Vật tư – Trang thiết bị Y tế) và ông Trương Quý Dương (Giám đốc BVĐK Hòa Bình) mới là người biết thì không có mặt, đến ngay cả ông Hoàng Đình Khiếu là Phó Giám đốc còn không biết, như vậy mọi người đều làm việc mà không có văn bản hay giao việc cụ thể.

Trong khi đó, Luật sư yêu cầu HĐXX cho triệu tập ông Trần Thanh Kiếm là nhân viên cũ phòng vật tư – Trang thiết bị y tế, nay đã về công tác tại Phòng Hành chính là người duy nhất được hãng cung cấp máy chạy thận cho đi đào tạo chính quy về máy chạy thận (năm 2010) nhưng tòa cũng chưa cho triệu tập. Người được đào tạo chính quy về máy lọc thận thì lại ko cho phân công nhiệm vụ. Đó là một bất cập!

Ngày mai, 18/5 phiên tòa tiếp tục làm việc với phần xét hỏi các bị cáo và người đại diện có liên quan.


Trần Lâm
Ý kiến của bạn