Nhiều bí ẩn từ những bài thuốc của người Dao chưa được khám phá

17-09-2022 06:49 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Đồng bào dân tộc Dao đã tích lũy được nhiều vốn y học cổ truyền quý giá từ nhiều thế hệ. Những vị thuốc đó chủ yếu hái lượm ở rừng, ven suối, ít khi trồng sẵn. Nhiều cây thuốc, vị thuốc không có tên gọi mà chỉ gọi chung chung như cây chữa đau xương, cây chữa đau bụng...

Kho tàng y học dân gian phong phú

Không phải ngẫu nhiên mà người Dao lại tích lũy được một kho tàng y học dân gian phong phú đến vậy. Chính điều kiện sống tự nhiên ở vùng sâu từ thuở sơ khai đã "kích hoạt" sự sáng tạo, chủ động trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đa số các gia đình người Dao đều tự chữa những bệnh thông thường cho người nhà theo kinh nghiệm của gia đình, dòng tộc. Mỗi làng, mỗi bản của người Dao đều có những thầy thuốc giỏi bốc thuốc chữa bệnh.

Trải qua nhiều thế hệ với môi trường sống gần núi và núi cao, người Dao đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm y học cổ truyền vô cùng quý giá. Nếu nhắc đến người Dao, phải nhắc đến nghề làm thuốc nam gia truyền từ lâu đời trong cộng đồng, trong đó có người Dao quần chẹt ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn. Cho tới nay, nhiều hộ gia đình người Dao vẫn giữ nghề, bốc thuốc, chữa bệnh cứu người.

Cách chữa bệnh của đồng bào Dao thường phán đoán bệnh dựa vào thực trạng của bệnh, sức khỏe, tuổi tác của bệnh nhân mà cắt thuốc để chữa.

Tùy theo từng loại bệnh mà cách chữa cũng khác nhau. Nếu bị các bệnh liên quan đến nội tạng như sỏi thận, đau tim, hô hấp, nhức xương, viêm gan,… thì chữa bằng cách đun nước uống nhiều ngày hoặc cho các vị thuốc vào nấu với thức ăn để ăn dần.

Người mắc các bệnh ngoài da như ngứa, lở loét, mụn nhọt,… thì đem các vị thuốc đun sôi, chắt lấy nước để rửa, tắm gội hoặc ngâm chỗ vết thương nhiều lần.

Gặp các vết thương ở trên cơ thể hoặc gãy xương thì giã nát thuốc, đem ủ trong bếp cho ấm mới đắp và bó vào vết thương. Để giữ độ ẩm cho thuốc, trước khi ủ hoặc sấy nóng, thuốc được tưới bằng nước vo gạo hoặc rượu nhạt.

Các bệnh đau lưng, đau đầu và mệt mỏi toàn thân thì phải kết hợp vừa uống thuốc vừa trải thuốc giã nhỏ đã hun nóng xuống dưới chiếu hoặc dưới vải để người bệnh nằm lên trên.

Tuy nhiên, thầy thuốc không chỉ đơn giản là cho bệnh nhân uống, đắp hoặc xông bằng nước thuốc mà còn sử dụng các phương pháp tác động trực tiếp vào người bệnh như hỏa châm, đánh gió, xoa bóp, bấm huyệt.

Ngoài ra, cách sử dụng các bộ phận để làm thuốc cũng rất khác nhau, có loại lấy rễ, có loại lấy lá hoặc vỏ, có loại lại lấy quả hoặc hoa... Phương pháp chế biến thuốc cũng tùy từng loại, có vị thuốc sắc uống nhưng có vị giã nhỏ; một số vị đem đun lấy nước tắm gội, rửa như các bệnh ngứa, lở loét, phù thũng...

Nhiều bí ẩn từ những bài thuốc của người Dao chưa được khám phá hết - Ảnh 2.

Đồng bào dân tộc Dao sở hữu nhiều bài thuốc, vị thuốc hay.

Những bài thuốc, cây thuốc chưa được định tên

Qua tìm hiểu cho thấy, phần lớn những cây thuốc quý hiếm của đồng bào thường không có tên. Người ta thường gọi tên các cây đó theo công dụng của nó như "cây thuốc đau bụng", "cây thuốc bong gân",… Khi muốn truyền lại cho nhau, người ta phải chỉ cho nhau tận cây vài lần mới nhớ được, cũng có khi người ta phải nói rõ đặc điểm và nơi mọc của cây thuốc. Vì thế, việc nghiên cứu và liệt kê các loại thuốc của người Dao là một việc làm không dễ dàng mà đòi hỏi công phu. Nhiều loài cây chưa được khoa học nhận diện, định tên nhưng bao thế hệ người Dao quần chẹt ở Cát Thịnh đã sử dụng để chữa bệnh, cứu người.

Một đặc điểm trong việc cắt thuốc của đồng bào Dao quần chẹt ở đây là đồng bào chỉ tiến hành hái thuốc vào những ngày lẻ trong tháng và chỉ hái vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn; kiêng hái thuốc vào buổi trưa, một số loại kiêng hái khi có ánh sáng mặt trời. Người ta cho rằng hái thuốc vào giờ đó sẽ mất tác dụng của thuốc. Đối với những gia đình có truyền thống cắt thuốc chữa bệnh lâu đời, trước khi vào rừng lấy thuốc, người ta còn thắp hương cầu xin tổ tiên phù hộ cho lấy được loại thuốc tốt.

Ông Phùng Chiều Tơ, bản Đá Gân, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn cho biết nghề nấu cao lá của người Dao có từ rất lâu đời; trong đó nhiều phương thuốc gia truyền tốt, có khả năng chữa, bổ trợ và điều trị các bệnh như thấp khớp, kém ăn, mất ngủ, dạ dày, đại tràng,... Nhưng đặc biệt hơn cả vẫn là bài thuốc cổ truyền được nấu bằng 365 loại thảo dược, có tên gọi là cao lá bách thảo. Trước đây, người Dao chỉ biết dùng cây thuốc dưới dạng tươi hoặc khô, khi vận chuyển đường dài gặp nhiều khó khăn. Người ta bắt đầu nghĩ ra cách chế biến thuốc gọn nhẹ hơn mà vẫn giữ được công dụng của thuốc, từ đó cao lá ra đời.

Theo bà Chính ở bản Đá Gân, xã Cát Thịnh, cho biết: “Gia đình tôi ban đầu chỉ đi lấy thuốc “làm nhiều thành quen” giờ đến quy trình nấu cao lá, các con bà đều thành thạo. Hiện nay tôi tuổi đã cao, mắt kém không còn sức tìm và chăm sóc thuốc vườn nhưng đã có các con thay tôi kế nghiệp tổ tiên, chữa bệnh cứu người”.

Công phu để nấu những mẻ cao lá bách thảo

Thật khó nói hết được nỗi gian truân của việc đi tìm dược liệu. Vì phải lặn lội trong rừng sâu núi thẳm, tìm đủ 365 thứ: thân, lá, vỏ cây, củ, rễ cây… theo một tỷ lệ nghiêm ngặt. Đặc biệt, có thứ lá chỉ được hái vào một giờ, một ngày trong một tháng nhất định. Để ra đời sản phẩm cao lá hoàn chỉnh là phải tuân thủ theo trình tự các bước lần lượt sau: giai đoạn chuẩn bị từ khâu đầu tiên lấy thuốc mang về rồi chặt, băm thành từng miếng nhỏ, rửa sạch. Nếu mang từ nhà đi, phải phơi khô để thảo dược không bị mốc và có thể để lâu ngày.

Khi đã đủ số dược liệu cần thiết cho một mẻ cao thì tiến hành cho thuốc và lượng nước vừa đủ (thảo dược cho vào đầy đến miệng nồi, cho nước ngập qua thuốc) vào nồi đun khoảng 6 - 7 tiếng để thuốc vừa ra hết cốt và phần tinh túy của thảo dược. Bước tiếp theo là lọc qua 4 lớp vải trắng và đổ ra một nồi khác rồi tiếp tục cho lên đun “cách thuỷ” khoảng hai ngày hai đêm. Khi thấy nồi cao đặc sánh lại là được. Bước cuối cùng là đổ ra khuôn, đợi cho đến khi nguội thì bỏ ra và cắt thành miếng to, nhỏ tùy theo đơn hàng người mua.

Thời gian cho mỗi lần nấu cao lá phải mất một đến hai tháng, từ công đoạn chuẩn bị thuốc đến khi thu được sản phẩm cao nguyên chất được tinh luyện, chiết suất một cách cầu kỳ, tỉ mỉ từng công đoạn từ các cây thảo dược quý hiếm. Đây chính là loại thuốc quý mà đồng bào đã kế thừa và phát huy được của tổ tiên truyền lại cho con cháu với mục đích ngày càng giúp được nhiều người khỏi bệnh theo lời dạy của các bậc cha ông.

Nhiều bí ẩn từ những bài thuốc của người Dao chưa được khám phá hết - Ảnh 3.

Những mẻ cao lá được đun trong nhiều tiếng đồng hồ. Ảnh: Ngọc Chiến

Trong quá trình nấu nhất thiết phải tỉ mỉ ở từng khâu và từng công đoạn để có nồi cao chất lượng. Lửa phải cho đều, cháy to rồi giảm dần liên tục trong suốt quá trình nấu, tùy từng công đoạn để có thể cho lửa phù hợp. Được vậy cao mới tốt, mới chắt được cái tinh túy từ các loại cây thuốc khi chúng đã nhừ, tan mịn ra thành bột, vậy là hoàn thành một công đoạn. Các công đoạn nấu cao cứ liên tục nên các thành viên trong nhóm phải thay phiên nhau trực và thức đêm cho đến lúc  từng mẻ cao hoàn thành được đổ ra khuôn  mới được nghỉ ngơi.

Những bài thuốc gia truyền là sự tổng hợp của 365 loại thảo dược đó không chỉ tăng sức đề kháng, phòng chống bệnh tật mà còn có thể chữa một số căn bệnh như: Dạ dày (được sử dụng các cây thuốc đốm gai, cỏ ké, cây bét trắng và bét đỏ…); Đại tràng cấp (cây chàm lá nhỏ…); Đau dây thần kinh (cây năm lá, cây biến hoá, gió co, gấu tàu, gừng tía…); Đau bụng đi ngoài, mất ngủ, kém ăn, hoa mắt chóng mặt…

Mỗi năm, số thảo dược quý ngày một ít đi và người Dao ở Cát Thịnh lại phải nhân giống, bảo vệ các cây thuốc bằng cách mang về để trồng ở trong khu vườn của nhà mình. Chị Triệu Thị Cường, người có công trong việc gìn giữ và phát triển nghề cao bách thảo, đưa thương hiệu cao bách thảo nổi tiếng khắp nơi cho biết: “Không được vì lợi ích trước mắt mà quên y đức, sao nhãng trách nhiệm trị bệnh cứu người".

Sâm núi Dành, báu vật của vùng đất Bắc GiangSâm núi Dành, báu vật của vùng đất Bắc Giang

SKĐS - Sâm núi Dành có nguồn gốc từ hai xã Liên Chung và Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Người Việt vẫn có câu: sâm, nhung, quế, phụ là những vị thuốc quý. Trong danh mục thuốc quý, sâm luôn đứng đầu và sâm núi Dành nổi tiếng bởi dược tính của nó.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nhân sâm - vị thuốc bổ nhưng không phải ai cũng dùng được.


Hoàng Nam
(tổng hợp)
Ý kiến của bạn