Nhiều bệnh viện ở Đà Nẵng kết nối dữ liệu, hình thành nền tảng hạ tầng y tế số

27-07-2023 18:11 | Y tế

SKĐS - Ngành y tế Đà Nẵng đặt mục tiêu, đến năm 2025 có 100% các cơ sở y tế triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến;

Thông tin trên vừa được chia sẻ tại hội thảo "Kết nối Vương quốc Anh và Đà Nẵng về số hóa và đổi mới trong y tế" do Sở Y tế TP. Đà Nẵng phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Anh tại TP.HCM tổ chức ngày 27/7 tại Đà Nẵng.

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Bộ Y tế, Hội tin học y tế Việt Nam, lãnh đạo các bệnh viện, đặc biệt là các tổ chức, tập đoàn y tế, các chuyên gia đến từ Vương quốc Anh. Thông qua hội thảo lần này, các đại biểu đã chia sẻ nhiều thông tin về chuyển đổi số, ứng dụng các giải pháp y tế.

Nhiều bệnh viện ở Đà Nẵng kết nối dữ liệu, hình thành nền tảng hạ tầng y tế số - Ảnh 1.

Bác sĩ Trần Thanh Thủy – Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng chia sẻ về quá trình chuyển đổi số của ngành. Ảnh: TT

Theo BS Trần Thanh Thủy – Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng, trên cơ sở định hướng chuyển đổi số của Bộ Y tế, UBND TP, trước yêu cầu thực tiễn của công tác, ngành y tế Đà Nẵng xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Ngành y tế Đà Nẵng đặt mục tiêu, đến năm 2025 có 100% các cơ sở y tế triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; 

50% số bệnh viện trên địa bàn thành phố chuyển đối số thành công triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt; Phấn đấu đạt mức 6 về nhóm tiêu chí hạ tầng công nghệ thông tin theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT của Bộ Y tế ở các bệnh viện, hướng đến bệnh viện thông minh.

Cũng theo BS Thủy, ngành y tế Đà Nẵng cũng đặt ra tầm nhìn của chuyển đổi số ngành tới năm 2030 là việc ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ. Hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính gồm: phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

Thông qua đó, nhà quản lý sẽ điều hành hệ thống hiệu quả; cán bộ y tế được nâng cao trình độ chuyên môn, quản trị công việc hiệu quả; người dân được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế thuận lợi và có chất lượng.

"Trong những năm qua các đơn vị y tế đã từng bước triển khai thành công các ứng dụng như: Ứng dụng khám chữa bệnh tại trạm y tế, lập hồ sơ sức khoẻ công dân, triển khai phần mềm trong quản lý bệnh viện, hệ thống tiêm chủng quốc gia...

Đặc biệt các ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch COVID-19 rất hiệu quả trong giai đoạn vừa qua từ khai báo y tế, truy vết F0, F1, trả kết quả xét nghiệm, quản lý F0 tại nhà, liên thông xác nhận nghỉ ốm hưởng BHXH cho F0, quản lý tiêm chủng vaccine COVID-19, khám chữa bệnh từ xa để quản lý các bệnh không lây nhiễm, hội chẩn giữa các tuyến giữa các cơ sở y tế...", BS Thủy cho hay.

Theo Sở Y tế Đà Nẵng, với 24 đơn vị trực thuộc, 4 bệnh viện ngành đóng trên địa bàn, 7 bệnh viện tư nhân, 21 phòng khám đa khoa tư nhân và hơn 1.900 phòng khám, quầy thuốc, nhà thuốc... thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị đang dần kết nối các dữ liệu y tế, hình thành nền tảng hạ tầng y tế số.

"Tuy có nhiều chuyển biến trong công tác chuyển đổi số, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ thông tin nhưng ngành y tế vẫn còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số. Cụ thể như nhận thức và công tác chỉ đạo điều hành về chuyển đổi số chưa đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị.

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại đơn vị còn nhiều hạn chế; đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị CNTT còn gặp khó khăn, một số hạ tầng được đầu tư đến nay xuống cấp, dữ liệu còn rời rạc, chưa kết nối, liên thông...", BS Thủy nhìn nhận.  


Tấn Tài
Ý kiến của bạn