Chỉ chưa đầy 5 phút, anh Trần Trung Hiếu (52 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) đã hoàn tất các thủ tục thanh toán viện phí tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh (Nghệ An). Tất cả mọi thao tác thanh toán đều được thực hiện ngay trên điện thoại, điều khác xa với trước đây là người nhà bệnh nhân phải vật vã chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để thanh toán vô cùng mệt mỏi.
"Tôi rất bất ngờ với tiện ích này bởi từ nay tôi không còn phải mang quá nhiều tiền mặt trong người, thời gian thanh toán và khám bệnh vì vậy được rút ngắn rất nhiều. Khi kế toán xác nhận và thông báo số tiền cần nộp, bệnh nhân chỉ cần quét mã QR này số tiền hiện lên trong ngay trên điện thoại đỡ phải nhập gây sai sót, có khi chuyển nhầm. Tất cả các thao tác rất nhanh gọn.", anh Hiếu chia sẻ.
Việc bệnh viện triển khai các giải pháp thanh toán dịch vụ khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt rất thuận tiện cho người bệnh. Bệnh nhân không phải cầm theo tiền mặt, tránh nỗi lo rơi mất trong quá trình khi đi khám, chữa bệnh. Với hình thức thanh toán qua mã QR, bệnh nhân chỉ cần mang theo điện thoại thông minh.
Từ năm 2019, Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh đã triển khai thanh toán dịch vụ khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt. Đến nay, Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh đã nâng tỷ lệ thanh toán dịch vụ khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt tại đơn vị lên 24%.
Tuy nhiên, nếu như các hình thức thanh toán POS, VNPAY, chuyển khoản có nhiều hạn chế (mất phí thanh toán; cần phải qua tài khoản trung gian; lỗi khi quẹt thẻ; thời gian chờ đợi lâu do bệnh nhân phải nhập nhiều thông tin thanh toán) thì hình thức thanh toán QR cũng đang bộc lộ một số bất tiện, như: Bệnh nhân không biết sử dụng app chuyển tiền; xuất hiện sai số do bệnh nhân phải tự nhập số tiền cần thanh toán, hệ thống mạng ngân hàng thường bị lỗi vào lúc sau 22 giờ… Chính vì vậy, hiện nay, bệnh viện đang triển khai hình thức thanh toán "QR động".
Hình thức thanh toán "QR động" được xem là tiên tiến, ưu việt nhất hiện nay. Bệnh viện sẽ thông qua phần mềm liên kết với ngân hàng tạo nên một mã QR riêng cho từng bệnh nhân. Mã QR riêng này đã có đầy đủ thông tin số tiền bệnh nhân phải thanh toán, số tài khoản bệnh viện. Mã QR động này được hiển thị trên màn hình. Khi thanh toán bệnh nhân sẽ sử dụng app của ngân hàng quét mã QR này và thực hiện hoàn tất giao dịch.
Hình thức này có ưu điểm không mất phí thanh toán; thực hiện nhanh hơn hình thức QR tĩnh, tránh các rủi ro cho bệnh nhân khi tự nhập số tiền chi trả, bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng – Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh cho biết.
Đến nay, ngoài hình thức thanh toán này, đơn vị cải tiến chức năng lưu trữ những thông tin chi phí của người bệnh vào thẻ thanh toán để in cho người bệnh khi kết thúc đợt khám bệnh hay điều trị nội trú.
Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cũng là đơn vị tiên phong trong việc triển khai thanh toán chi phí dịch vụ khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt. Từ tháng 10/2021 đến nay, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã triển khai các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như chuyển khoản ngân hàng, VNPAY, quẹt thẻ POS. Và từ đầu năm 2023, bệnh viện sử dụng ổn định hình thức thanh toán "QR động". Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh – Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho hay: Sau 3 năm triển khai, bệnh viện đã dần từng bước nâng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt. Nếu năm 2021 đạt 5,2% thì đến năm 2023 đã đạt 31,4%.
Dược sĩ CKII Trần Minh Tuệ - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Thực tế cũng cho thấy, để triển khai hiệu quả thanh toán không dùng tiền mặt trong bệnh viện, ngoài sự đầu tư đồng bộ về trang thiết bị công nghệ thông tin, còn cần có sự áp dụng phương thức phù hợp với từng nhóm đối tượng bệnh nhân, quan trọng nhất là phải thay đổi được thói quen dùng tiền mặt của đại đa số người dân. Để thực hiện mục tiêu đã nêu, thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị khắc phục các khó khăn và tăng cường hơn nữa các biện pháp truyền thông để việc triển khai thanh toán viện phí qua ngân hàng đạt kết quả cao hơn.
"Chỉ cần thao tác đơn giản, người bệnh đã có thể thanh toán ngay viện phí mà không cần phải xếp hàng, giảm thời gian chờ đợi, đơn giản hóa thủ tục, không phải mang theo tiền mặt hoặc thẻ ngân hàng" - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Trần Minh Tuệ nói.
Việc ứng dụng này trước tiên giúp giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, chi phí phát sinh, biên chế nhân viên thu tiền và quản lý dòng tiền mặt của bệnh viện.
Đặc biệt bệnh viện sẽ thông thoáng hơn, từ đó giúp giảm bớt sự không hài lòng của người bệnh dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Trần Minh Tuệ cho biết thêm.
Đến thời điểm hiện nay, Nghệ An có 28/38 đơn vị đã triển khai được việc thanh toán viện phí qua ngân hàng (đạt tỷ lệ 73,6%)… Sở Y tế tỉnh này đã và đang đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ sở y tế triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, đến năm 2030, các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và các cơ sở khám, chữa bệnh khu vực đô thị đạt tối thiểu 50% trên tổng số thanh toán viện phí.