Hà Nội

Bệnh nhi mắc tay chân miệng thể nặng tăng, lưu ý đặc biệt cho cha mẹ

19-07-2023 16:09 | Y tế
google news

SKĐS - Tại Quảng Bình, số lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng không nhiều so với các tỉnh khác, tuy nhiên số bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng tăng cao. Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không chủ quan trong việc theo dõi, điều trị cho trẻ mắc tay chân miệng.

BS. Phạm Thị Ngọc Hân, Trưởng Khoa Nhi, BV Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, lượng bệnh nhi bị tay chân miệng chuyển thể nặng nhập viện điều trị tăng đột biến trong thời gian qua. Cụ thể, trong hơn 1 tuần, Khoa Nhi tiếp nhận điều trị và chuyển tuyến 4 trường hợp bị chân tay miệng ở thể nặng.

Nhiều bệnh nhi tay chân miệng ở Quảng Bình mắc thể nặng, bác sĩ khuyến cáo gì ? - Ảnh 1.

Bệnh nhi tay chân miệng đang điều trị tại BV Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới.

"Tình trạng tay chân miệng nặng từ trước đến nay chủ yếu xuất hiện nhiều ở các tỉnh phía Nam. Năm nay, ở Quảng Bình mới xuất hiện bệnh nhi mắc thể nặng. Bệnh diễn tiến nặng cực kì nhanh, nhiều cháu phải thở máy, dùng các thuốc đặc hiệu...", BS. Hân cho biết.

Bệnh tay chân miệng thường xuất hiện ở trẻ và diễn ra quanh năm, phần lớn trẻ bị ở thể nhẹ. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng ca tay chân miệng tại Quảng Bình diễn tiến nặng được khoa tiếp nhận tăng đột biến. Nguyên nhân được cho là nhiều trẻ không may nhiễm phải các thể virus có độc lực cao.

Các bậc cha mẹ không nên chủ quan, lơ là việc theo dõi khi trẻ bị tay chân miệng. Bởi nếu trẻ không may rơi vào thể nặng không được điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm.

Trẻ bị tay chân miệng ở thể nhẹ thường có các biểu hiện đặc trưng như sốt, loét miệng, nổi ban có bóng nước ở tay, chân.

Khi trẻ có các dấu hiệu sốt cao, quấy khóc, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình, co giật, bỏ bú và ôn ói,... cần đưa ngay đến cơ sở y tế. BS. Phạm Thị Ngọc Hân khuyến cáo.

Nhiều bệnh nhi tay chân miệng ở Quảng Bình mắc thể nặng, bác sĩ khuyến cáo gì ? - Ảnh 2.

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên chủ quan trong việc theo dõi, điều trị cho trẻ bị tay chân miệng.

Được biết, khi tiếp nhận bệnh nhi tay chân miệng ở thể nặng, các bác sĩ Khoa Nhi, BV Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới đã thực hiện theo dõi và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Hầu hết trẻ hồi phục tốt đã được xuất viện.

BS. Huỳnh Công Hùng, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Quảng Bình cho biết, tay chân miệng là bệnh virus không có thuốc điều trị đặc hiệu, có khoảng 95% ca mắc là trẻ em. Bệnh tay chân miệng thường không diễn tiến nặng nên dễ gây chủ quan trong việc theo dõi, điều trị. Nếu bệnh nhân gặp biến chứng thì cực kỳ nguy hiểm.

Nhiều bệnh nhi tay chân miệng ở Quảng Bình mắc thể nặng, bác sĩ khuyến cáo gì ? - Ảnh 3.

BS. Huỳnh Công Hùng, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Quảng Bình.

Trong thời gian qua, khi bệnh tay chân miệng bùng phát, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Quảng Bình phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố xác minh ca bệnh và thực hiện biện pháp phòng, chống. Cùng với đó tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng bệnh, nhận biết bệnh tay chân miệng. Khuyến cáo gia đình có trẻ nhỏ không chủ quan với bệnh tay chân miệng.

"Bệnh tay chân miệng thường xuất hiện ở các nhà trẻ, trường mầm non... nên công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng bệnh cho các đơn vị này rất quan trọng. Khi xuất hiện ca bệnh, đơn vị đã phối hợp, chỉ đạo thực hiện xử lý hóa chất diệt virus, vận động gia đình theo dõi và chuyển trẻ đến cơ sở y tế ngay khi có biểu hiện bất thường. Không vì bệnh thường không diễn tiến nặng mà chủ quan dẫn đến hậu quả khó lường cho trẻ", BS. Huỳnh Công Hùng chia sẻ.

TP.HCM: Bệnh tay chân miệng tiến sát 'đỉnh dịch'TP.HCM: Bệnh tay chân miệng tiến sát "đỉnh dịch"

SKĐS - Chỉ trong một tuần gần đây nhất, TP.HCM đã ghi nhận 1.614 ca bệnh tay chân miệng, tăng gần 2,5 lần so với trung bình tháng trước.

Video: BS. Huỳnh Công Hùng, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Quảng Bình khuyến cáo không chủ quan với bệnh tay chân miệng.


Hùng Trần
Ý kiến của bạn