Hà Nội

Nhiều bệnh nhi “dính” sởi mắc thêm bệnh vì gia đình chăm sóc sai

09-08-2018 08:17 | Đời sống
google news

SKĐS - Gia đình kiêng cữ quá khi trẻ bị sởi dẫn đến trẻ không được vệ sinh răng miệng sạch sẽ, khiến vi khuẩn ăn hết xương hàm, toàn bộ răng của trẻ bị rụng, miệng bốc mùi hôi khó chịu...

PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, trong 7 tháng qua, khoa Nhi của bệnh viện đã tiếp nhận 34 trẻ bệnh sởi. Hầu hết các bé dưới 5 tuổi, 100% chưa được tiêm vắcxin phòng bệnh. Lý do là đến tuổi tiêm thì trẻ ốm hoặc có trường hợp mẹ sợ nguy hiểm nên không cho con tiêm. Đặc biệt, Khoa Nhi  hiện đang điều trị cho hai trường hợp trẻ song sinh 11 tháng bị viêm phổi nặng di biến chứng sởi.

Chia sẻ từ thực tiễn nghề nghiệp, PGS.TS Bùi Vũ Huy cho hay, bản thân ông từng gặp rất nhiều mẹ chăm sóc con bị bệnh sởi một cách phi khoa học như kiêng ăn cho trẻ, kiêng gió và kiêng nước cho trẻ.

Trong khi, theo phân tích của BS Huy thì một đứa trẻ bị sởi là cơ thể mệt mỏi, thiếu sức đề kháng do đó, nếu  mẹ kiêng cho con mắc sởi ăn các chất dinh dưỡng, thay vào đó chỉ ăn cháo trắng vì lo khó tiêu hoá, khiến cơ thể trẻ bị suy nhược, thiếu chất dinh dưỡng trầm trọng. Sức đề kháng của trẻ vì thế mà giảm đi, kéo theo thời gian điều trị kéo dài hơn và dễ lây nhiễm các bệnh khác...

Đối với kiêng gió và nước khi trẻ bị sởi, vị chuyên gia này cho hay, chính việc này dẫn đến trẻ không được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày nên tỷ lệ viêm phổi của trẻ tăng lên. Vì kiêng gió, nên cha mẹ thường ủ kín cho con để tránh gió trong khi trẻ sốt cao, toát mồ hôi tại các vết ban gây ngứa ngáy, gãi trợt da gây nhiễm trùng.

PGS. TS Bùi Vũ Huy cũng kể lại câu chuyện cách đây nhiều năm mà đến giờ ông vẫn “sợ hãi”- đó là khi bản thân ông chứng kiến một trường hợp bệnh nhi mắc sởi và bị "cam tẩu mã”-  rất nặng nề (vi khuẩn ăn hết xương hàm khiến toàn bộ răng của trẻ rụng) do cha mẹ kiêng nước, không vệ sinh răng miệng tốt khi con mắc sởi.

PGS.TS Bùi Vũ Huy: Các bà mẹ có con bị sởi cần chăm sóc trẻ khoa học, tránh kiêng cữ không cần thiết

“Buổi chiều khi vào buồng bệnh thăm bệnh nhi, ngửi thấy mùi rất lạ lan khắp cả phòng, giống như mùi chuột chết, cóc chết nhưng khi tìm theo hướng mùi phát ra từ giường 1 đứa trẻ. Ngay lập tức tôi chỉ định cho đi kiểm tra răng hàm mặt, tai mũi họng. Đến tầm 7h sáng hôm sau khi mở miệng trẻ kiểm tra bác sĩ cứ đụng đến đâu là xương hàm bệnh nhi mủn đến đó, kéo đến tận xương quai hàm, chỉ còn trơ mỗi lưỡi. Lúc này gia đình bệnh nhi mới nhận ra được cách chăm sóc con khi bị sởi sai lầm của mình...”- PGS.TS Bùi Vũ Huy kể lại.

Kết quả thăm khám và xét nghiệm cho thấy bệnh nhi bị “cam tẩu mã” do vi khuẩn fussobacterium, vi khuẩn prevotella và một số vi khuẩn khác gây nên khi cơ thể suy giảm miễn dịch, cộng thêm thiếu dinh dưỡng, vệ sinh răng miệng kém.

Theo PGS.TS Bùi Vũ Huy, “cam tẩu mã” xuất hiện rất đột ngột và diễn biến vô cùng nhanh. Ban đầu, bệnh nhân mắc chứng bệnh này thường có biểu hiện mệt mỏi, suy nhược, sốt cao. Nướu răng chảy máu, viêm loét và có dấu hiệu hoại tử.

Khi nướu và viêm mạc bị viêm loét rộng hơn, hơi thở sẽ có mùi hôi, mô hoại tử chuyển thành màu xám đen xung quanh nướu. Quá trình cuối cùng của bệnh là phá hủy các mô mềm và xương, gây biến dạng và rụng răng.

“Trường hợp của bệnh nhi mắc sởi bị “cam tẩu mã” kể trên lại là con của một bà mẹ sống ở nơi trung tâm hiện đại, trong khi trước đây nhiều năm chuyện này chỉ xảy ra với trẻ bị sởi ở vùng sâu, vùng xa vì không được chăm sóc và vệ sinh cẩn thận”- BS Huy nói

Theo BS Huy, chăm sóc trẻ bị sởi rất cần sự sáng suốt của bà mẹ, tuy nhiên không phải bà mẹ nào cũng làm được điều này, do đó, khi có trẻ vào nhập viện điều trị bệnh sởi, đặc biệt là trường hợp đã biến chứng, ngoài việc thăm khám, điều trị theo phác đồ, chúng tôi còn phải làm cả công tác truyền thông, hướng dẫn bà mẹ chăm sóc trẻ ra sao để trẻ đủ dinh dưỡng, để trẻ được vệ sinh cá nhân sạch sẽ...

Ngoài ra, để phòng bệnh sởi cho trẻ, các gia đình cần đưa con đi tiêm phòng theo đúng độ tuổi, đúng lịch tiêm chủng

PGS. TS Bùi Vũ Huy khuyến cáo: Các trường hợp mắc sởi cần phải được ở phòng thoáng, đủ ánh sáng, nghỉ ngơi, ngủ đủ, vệ sinh răng miệng. Tuyệt đối tránh các tập tục kiêng nước, kiêng gió, kiêng ăn.

Khi trẻ mắc bệnh sẽ chán ăn, vì vậy nên để trẻ ăn đồ ăn lỏng, dễ tiêu, kết hợp tăng cường dinh dưỡng bằng các thức ăn giàu vitamin A.

Nhỏ mũi, mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hoặc dung dịch nhỏ mắt mũi 3-4 lần/ngày.

Trẻ cũng cần uống đủ nước, nước oresil hoặc nước hoa quả. Khi trẻ tiêu chảy còn phải bổ sung nước hoặc cho bú nhiều hơn.

Khi phát hiện các dấu hiệu bệnh nặng như mệt, li bì, kém ăn, khó thở, tiêu chảy, ho nhiều, ban lặn nhưng vẫn sốt... thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.


Thái Bình
Ý kiến của bạn