Ngoài ra, nhiều người vẫn còn thiếu quan tâm đến sức khỏe của mình trong khi việc phát hiện bệnh cũng khá đơn giản như phát hiện tăng huyết áp bằng cách sử dụng máy đo huyết áp, kiểm tra bệnh đái tháo đường bằng các xét nghiệm đường trong máu…
Đi khám định kỳ và làm các xét nghiệm như xét nghiệm máu có thể giúp sớm phát hiện các bệnh mạn tính. Ảnh: A. Quý
Các khuyến cáo trên đã được các chuyên gia Hội Tim mạch học Việt Nam (VNHA) đưa ra tại buổi họp báo về Chương trình Đào tạo Y khoa Liên tục New Concept và những nỗ lực giáo dục truyền thông sức khỏe do VNHA bảo trợ và chịu trách nhiệm về nội dung. Buổi họp báo này do VNHA tổ chức tại TP.HCM vào ngày 28/02/2019.
Hơn thế nữa, theo các chuyên gia, hiện nay, thông tin y khoa ngày càng được cập nhật một cách nhanh chóng và liên tục, nhiều nhân viên y tế trong lĩnh vực điều trị bệnh lý tim mạch gặp nhiều khó khăn, giới hạn trong việc tiếp cận kiến thức.
Chương trình đào tạo y khoa liên tục New Concept từ 2019 - 2021 là sự tiếp nối thành công của chương trình đào tạo y khoa liên tục Concept 2016 – 2018. Mục đích chung mong muốn giúp ngành tim mạch thu hẹp mọi khoảng cách giữa các cơ sở khám chữa bệnh trong thực hành lâm sàng chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý tim mạch thường gặp trong cộng đồng như tăng huyết áp, bệnh động mạch vành và suy tim mạn cũng như góp phần giúp cho cuộc sống người dân ngày càng tốt đẹp hơn.
GS. TS. BS. Nguyễn Lân Việt, Phó chủ tịch Thường trực Hội Tim mạch Việt Nam, chia sẻ “Hội Tim Mạch Việt Nam là Hội đầu tiên được Bộ Y Tế chính thức cấp Mã cơ sở đào tạo liên tục (Mã B68), công nhận chương trình và được cấp giấy chứng nhận đào tạo liên tục cho học viên trên toàn quốc ở nhiều tỉnh thành từ các tỉnh phía Bắc như Nghệ An, Hải Phòng… tới các tỉnh phía Nam như Cần Thơ, An Giang... về lĩnh vực phòng chống các bệnh tim mạch.
Từ đó đến nay, 12 lớp và hơn 2000 học viên đã được đào tạo, giúp nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề khám chữa bệnh đang hoạt động tại các cơ sở y tế của các địa phương trên cả nước có điều trị các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường và bệnh lý tuyến giáp.”
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh truyền thông giáo dục nhận thức cho người dân về cách phòng tránh bệnh tật là một hoạt động cần sự đầu tư lâu dài của toàn xã hội. Chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu hậu quả bệnh tật nếu ý thức sớm về bệnh, học cách tự chăm lo cho sức khỏe của bản thân và tránh xa những thói quen sinh hoạt độc hại.
Biến chứng của bệnh đái tháo đường đang ngày càng phức tạp, nặng nề. Ảnh: A. Quý
Hiện nay ở Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm trong đó có bệnh tim mạch, đái tháo đường, tuyến giáp… đang gia tăng. Tỷ lệ tăng huyết áp (THA) là 25,1% nghĩa là cứ 4 người lớn trưởng thành có 1 người THA. Hiện nay Việt Nam có tới 14 triệu người THA.
Việt Nam có tới 5 triệu người mắc đái tháo đường, ước tính cứ 20 người trưởng thành có 1 người mắc ĐTĐ. Tỷ lệ tăng nhanh gần gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Ước tính năm 2015 ở VN có gần 53.500 trường hợp tử vong có liên quan đến căn bệnh này. Đái tháo đường nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở Việt Nam.
Mặc dù ngành y tế đã có nhiều cố gắng nhưng tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong của các bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp vẫn còn cao. Cụ thể: khoảng 50% bệnh nhân THA không biết mình bị THA; chỉ khoảng 30% người THA được điều trị, trong đó khoảng 10% những người THA được điều trị đạt huyết áp mục tiêu.
Trong khi đó tỷ lệ mắc đái tháo đường chưa được phát hiện năm 2012 là 63,6%. Tuổi mắc bệnh đang ngày càng trẻ hóa. Biến chứng của bệnh đái tháo đường đang ngày càng phức tạp, nặng nề và là nguyên nhân chính gây tử vong ở người bệnh ĐTĐ.
Ngoài ra, tỷ lệ chẩn đoán sớm bệnh lý tuyến giáp mới chỉ khoảng 50%. Tuy nhiên tỷ lệ điều trị rất thấp, chỉ khoảng 10% bệnh nhân suy giáp và 24% bệnh nhân cường giáp trong số những bệnh nhân đã có chẩn đoán được điều trị. Hiện nay theo một con số thống kê chưa đầy đủ, trên toàn nước ta có khoảng trên 3,6 triệu người bị rối loạn chức năng tuyến giáp.