Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện đã nặng, tử vong nhanh chóng

31-08-2022 18:50 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Số ca mắc sốt xuất huyết vào BV Bệnh Nhiệt đới TW đang có chiều hướng gia tăng với nhiều ca bệnh nặng. Tuần vừa qua, đã có 4 trường hợp tử vong mà nguyên nhân chính là do bệnh nhân chủ quan, vào viện muộn khi bệnh diễn biến quá trầm trọng, các biện pháp can thiệp không thể cứu chữa.

Nhiều ca bệnh nặng xuất hiện sớm, vì sao?

Theo các bác sĩ, 4 bệnh nhân đã tử vong đều vào viện trong tình trạng rất nặng, suy gan, suy thận, có bệnh nhân nôn ra máu, chảy máu rất nhiều, xuất huyết trong cơ, xuất huyết tiêu hóa…

BSCKII Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh, sốt xuất huyết là một bệnh cấp tính nên diễn biến nặng rất nhanh chóng. Người bệnh từ khi có dấu hiệu cảnh báo cho đến khi xuất hiện sốc, nếu không được xử lý phù hợp thì có thể chỉ khoảng vài tiếng.

Do vậy, bệnh nhân khi đến bệnh viện, tình trạng bệnh phụ thuộc lớn vào việc xử lý ban đầu có kịp thời hay không. Với những bệnh nhân được xử lý ban đầu tốt thì việc khắc phục các diễn biến nặng tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, nếu xử lý ban đầu không tốt, nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng sốc rất sâu hoặc suy đa phủ tạng khiến việc điều trị cực kỳ khó khăn.

Theo BS. Cấp, nguy cơ diễn biến nặng ở bệnh nhân sốt xuất huyết có thể xảy ra ở mọi đối tượng, tuy nhiên mô hình diễn biến có thể khác nhau.

  • Ở trẻ nhỏ thường gặp tình trạng sốc nhiều hơn, ít có biến chứng chảy máu nghiêm trọng.
  • Ở người già và người có bệnh nền, biến chứng chảy máu nghiêm trọng hơn, nhất là ở người loét dạ dày tá tràng, xơ gan có giãn tĩnh mạch. Nếu như xuất huyết xảy ra trên những bệnh nhân này thì việc xử lý cực kỳ khó khăn.
Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết diễn biến nặng, tử vong nhanh chóng - Ảnh 2.

Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết diễn biến nặng, tử vong nhanh chóng - Ảnh 3.

Gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết gây áp lực lên hệ thống y tế.

Bệnh sốt xuất huyết ở miền Bắc thường bắt đầu từ tháng 7 kéo dài đến tháng 11. Thời điểm tháng 9, tháng 10 sẽ là đỉnh dịch. Tuy nhiên, BS. Cấp nhận định, càng về cuối mùa dịch thì số ca nặng tăng lên mặc dù số ca mắc có giảm đi. Chính vì vậy, tháng 10, tháng 11 vẫn cần phải chuẩn bị đối phó với số ca nặng tăng lên. Năm nay, sốt xuất huyết có diễn biến bất thường khi nhiều ca nặng xuất hiện sớm hơn.

Lý giải điều này, chuyên gia cho rằng, có thể là đặc tính của virus hoặc diễn biến trên quần thể bệnh nhân có thay đổi, đặc biệt là sau một giai đoạn dài chống COVID-19, số người bị nhiễm COVID-19 rất nhiều, miễn dịch của người dân thay đổi, điều đó cũng làm ảnh hưởng đến diễn biến trên bệnh nhân sốt xuất huyết...

Bên cạnh đó là các nguyên nhân về đáp ứng điều trị; cả nhân viên y tế và người dân cũng cần phải chú ý các dấu hiệu chỉ điểm của sốt xuất huyết để làm xét nghiệm khẳng định, tránh nhầm lẫn với một số bệnh như COVID-19 hay sốt virus, sốt phát ban và các bệnh nhiễm trùng khác....

Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết diễn biến nặng, tử vong nhanh chóng - Ảnh 4.

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng thăm khám cho một trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Đặc biệt chú ý khi có sốt, đau mỏi người

TS. BS Thân Mạnh Hùng – Phó trưởng Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, hiện tại bệnh viện đang điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân sốt xuất huyết, mỗi ngày tiếp nhận từ 3-6 ca nặng từ tuyến dưới chuyển lên. Điển hình là trường hợp bệnh nhân nữ 38 tuổi, khi vào viện đã là ngày thứ 4 của bệnh, rất nặng, suy hô hấp, phải đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu.

Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân có tiến triển, qua giai đoạn nguy hiểm, sức khỏe tương đối ổn định, đang dần được cai thở máy, cai thuốc an thần. Nếu tiến triển tốt có thể sớm rút ống nội khí quản cho bệnh nhân.

Trường hợp khác, bệnh nhân nam vào viện trong tình trạng tiểu cầu rất thấp, bệnh đã ở ngày thứ 6, có tràn dịch màng phổi, tràn dịch ổ bụng. Bệnh nhân khó thở, được hỗ trợ thở oxy kính 3 lít/1 phút. Đến nay, dấu hiệu hô hấp tạm ổn, tuy nhiên hiện tượng tràn dịch màng phổi vẫn gây khó chịu cho người bệnh, bệnh nhân chướng bụng và có phản xạ ho.

"Khi vào viện, tiểu cầu của bệnh nhân này giảm mạnh chỉ còn 6 G/L, chúng tôi đã tiến hành truyền tiểu cầu cho bệnh nhân. Hôm nay là ngày thứ 8 của bệnh sốt xuất huyết, tiểu cầu đã dần tăng lên 18 G/L. Thông thường, bắt đầu từ ngày thứ 8, thứ 9 trở đi là giai đoạn tái hấp thu dịch, hi vọng 1 -2 ngày nữa tình trạng người bệnh sẽ cải thiện tốt hơn" – BS. Hùng thông tin.

Bệnh nhân sốt xuất huyết thường diễn biến nặng từ ngày thứ 4 trở đi, khi có hiện tượng thoát dịch ra lòng mạch. Rất nhiều trường hợp vào viện đã là ngày thứ 4, thứ 5, tức là bước vào giai đoạn nặng, họ không được kiểm soát tốt việc truyền dịch, xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm để đánh giá xác định tình trạng bệnh…

BS. Hùng cảnh báo, trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta cùng lúc phải đối mặt với 3 loại dịch bệnh (sốt xuất huyết, cúm A, COVID-19), người dân đôi khi chưa đánh giá đúng đắn về mức độ nguy hiểm của bệnh.

"3 bệnh này đều có đặc điểm chung là sốt, nên khi bị sốt bệnh nhân rất mơ hồ không biết mắc bệnh gì. Với cúm và COVID-19 là bệnh lây qua đường hô hấp, thường bệnh nhân sẽ có triệu chứng ở đường hô hấp như ho, đau họng, chảy mũi, hắt hơi...

Còn với sốt xuất huyết là bệnh lây qua muỗi đốt, lây qua đường máu nên hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng hô hấp trong giai đoạn đầu tiên. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào một yếu tố đó thôi thì không đủ để phân định được 3 bệnh lý đó.

Chúng tôi khuyến cáo người dân khi có triệu chứng sốt, đau mỏi… nên đến cơ sở y tế khám để xác định căn nguyên bệnh, từ đó có theo dõi phù hợp, tránh trường hợp biến chứng nặng, điều trị khó khăn" – chuyên gia cấp cứu tư vấn.

Theo thống kê tổng hợp từ các địa phương cho thấy trong tuần 34/2022 cả nước ghi nhận 8.891 trường hợp mắc sốt xuất huyết. So với tuần trước (10.852 ca mắc, 3 trường hợp tử vong) số mắc sốt xuất huyết tuần này giảm 18,1%. Trong đó, số nhập viện là 6.784 trường hợp, so với tuần trước (8.347 trường hợp nhập viện) số nhập viện giảm 18,7%.

Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 179.011 ca mắc sốt xuất huyết, 70 trường hợp tử vong.

"Kẻ ăn ngày" gây bệnh sốt xuất huyết, bạn đã biết cách phòng tránh?'Kẻ ăn ngày' gây bệnh sốt xuất huyết, bạn đã biết cách phòng tránh?

SKĐS - Virus Dengue lây truyền qua muỗi đốt đó là muỗi cái Aedes aegypti. Muỗi Aedes aegypti được ví như "kẻ ăn ngày" vì thời gian muỗi đi ăn (đốt) sôi động nhất là sáng sớm và buổi chiều tà.


Dương Hải
Ý kiến của bạn