Theo BS. Trần Tuấn Anh - Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn, BV Hữu nghị Việt Đức, chăm sóc điều trị bệnh nhân chấn thương cho thấy không chỉ trong giai đoạn đầu mà cả một quá trình lâu dài giúp cho vết thương nhanh liền, lấy lại thẩm mỹ và chức năng của các bộ phận, giúp cho người bệnh tái nhập lại cuộc sống và công việc nhất là những bệnh nhân còn trẻ.
Thống kê cho thấy mỗi năm BV Hữu Nghị Việt Đức tiếp nhận khám gần 20,000 trường hợp chấn thương, chủ yếu do tai nạn giao thông. Trong số đó có nhiều trường hợp tổn thương chi, các bộ phận khác trên cơ thể như mặt, ngực bụng… có vết thương lớn cần can thiệp phẫu thuật và chăm sóc về sau. Ngoài can thiệp xử lý ban đầu vết thương, đa số các trường hợp vết thương để ngỏ cần được chăm sóc đặc biệt. Khi tiến triển thuận lợi mới tiến hành chuyển vạt, vá da…
Tuy nhiên do bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải nên hầu hết các bệnh nhân tương đối ổn định đã phải chuyển tuyến dưới hoặc bệnh viện khác để xử lý tiếp. Do đó dẫn đến việc chăm sóc và điều trị không toàn diện, bác sĩ cũng không biết kết quả để điều chỉnh phù hợp với các trường hợp khác, bệnh nhân vướng nhiều thủ tục vào ra khi chuyển viện.
Các bác sĩ kiểm tra vết thương nhiễm khuẩn cho người bệnh.
Chăm sóc toàn diện cho người bệnh
GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, BV có định hướng phát triển bệnh viện, mở rộng mô hình chăm sóc người bệnh toàn diện. Qua thực tế tình hình chung cho thấy rõ các bệnh nhân quá đông nhất là các khoa thuộc trung tâm chấn thương và chỉnh hình, trong đó có nhiều bệnh nhân cần chăm sóc về vết thương nên có thể ảnh hưởng chất lượng chăm sóc. Khoa Phẫu thuật Nhiễm Khuẩn thời gian qua đã bố trí khu vực riêng chăm sóc những bệnh nhân có vết thương phức tạp, nhiễm khuẩn có kết quả rất tốt tại khoa và được đánh giá cao.
Theo PGS. Nguyễn Đức Chính - Trưởng khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn, việc chăm sóc vết thương, đặc biệt các vết thương chấn thương, nhiễm khuẩn cần theo đúng quy trình mới mang lại hiệu quả. Các bác sĩ đã tiếp nhận điều trị người bệnh có vết thương nhiễm khuẩn phức tạp ngoài những bệnh lý truyền thống điều trị tại đây như các bệnh lý tiêu hóa: rò, hậu môn nhân tạo, ổ cặn màng phổi, các bệnh lý nhiễm khuẩn khác…
Theo chủ trương của Bộ Y tế, bệnh nhân cần được chăm sóc theo quy trình chuẩn Chăm sóc điều dưỡng theo qui định Bộ Y tế (Chuẩn năng lực điều dưỡng Việt Nam-Quyết định số 1352/QĐ-BYT, ngày 21/04/2012- Bộ trưởng Bộ Y tế) trong đó bao gồm chăm sóc vết thương.
Bệnh nhân Lê Văn C., 25 tuổi, vết thương sau mổ gãy hở cẳng chân do tai nạn xe máy. Sau đó, vết thương đã được vá da liền thương sau 1 tháng.
Để đảm bảo cho người bệnh được chăm sóc tốt, giảm tải người bệnh tại các khoa chấn thương, khoa đề xuất tiếp nhận điều trị những bệnh nhân có vết thương nhiễm khuẩn nặng cần chăm sóc đặc biệt về khoa. Khi tiếp nhận chăm sóc những bệnh nhân có vết thương nặng phức tạp, nhiễm khuẩn các nhân viên y tế phải tăng cường hơn trách nhiệm và vai trò của mình. Bên cạnh đó, làm tốt nhiệm vụ chăm sóc và phục vụ người bệnh, tăng cường liên kết các khoa trong bệnh viện.
Cũng theo PGS. Nguyễn Đức Chính, các bác sĩ, nhân viên của khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn có nhiều kinh nghiệm chăm sóc vết thương phức tạp, nhiễm khuẩn nặng đạt kết quả tốt được Viện Bỏng Quốc gia đánh giá cao và thường xuyên hợp tác trong điều trị bệnh nhân cũng như trao đổi chuyên môn khi chuyển bệnh nhân đi điều trị.
Đánh giá về việc thành lập Đơn vị liền thương tại khoa Phẫu thuật Nhiễm Khuẩn, GS.TS Trần Bình Giang cho biết đây là chủ trương đúng và hy vọng khoa sẽ phát triển thành trung tâm chăm sóc liền thương trong tương lai, trước mắt là đơn vị liền thương tại khoa. Chúng tôi sẽ sớm đưa ra hội đồng khoa học của bệnh viện để phê duyệt cho Khoa được triển khai chính thức sau thời gian thử nghiệm.