Hà Nội

Nhiều bệnh nhân nặng, tiên lượng tử vong được thầy thuốc hồi sức cứu sống

14-04-2017 14:52 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hiện nay, Việt Nam đã ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong hồi sức cấp cứu như công nghệ tim phổi nhân tạo, kỹ thuật lọc máu liên tục, một số kỹ thuật thông khí nhân tạo đặc biệt

Thông tin tại Hội nghị khoa học toàn quốc chuyên ngành cấp cứu hồi sức cấp cứu được tổ chức tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 13-14/4, cho biết, nếu như trước đây bệnh nhân bị ảnh hưởng hô hấp do bại liệt, uốn ván thể nặng, sốc nhiệt, viêm cơ tim, phù phổi cấp tổn thương, hội chứng suy đa phủ tạng hoặc cúm A (H5N1), nguy cơ tử vong rất cao thì ngày nay cơ hội sống của bệnh nhân tăng rất nhiều đó là do Việt Nam đã áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân.

Sau 30 năm xây dựng và phát triển, chuyên ngành hồi sức cấp cứu và chống độc ở Việt Nam ngày càng phát triển với hàng loạt khoa chuyên sâu ra đời, hội nhập nhanh chóng và tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam đã ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong hồi sức cấp cứu như công nghệ tim phổi nhân tạo, kỹ thuật lọc máu liên tục, một số kỹ thuật thông khí nhân tạo đặc biệt, nhờ vậy mà có nhiều bệnh nặng, tiên lượng tử vong cao đã được giảm xuống rất nhiều, như bệnh viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn... tuy nhiên, chi phí cho những hoạt động này hết sức đắt đỏ, nhiều khi vượt quá khả năng chi trả của người bệnh.

Trước thực trạng này, Hội hồi sức và chống độc đang đề xuất với Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thanh toán hoặc chi trả 1 phần đối với các kỹ thuật cao này.

Bên lề Hội nghị, TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai) đưa ra những cảnh báo trong việc cấp cứu người bệnh đột quỵ. Theo TS Chi, một thực tế tồn tại trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là người nhà thường cuống quá nên đã “chạy quanh”. Trong khi đó với đột quỵ, tiếp cận can thiệp càng sớm càng tốt. Chỉ một phút chậm trễ đã có thể khiến hàng triệu tế bào não bị chết, để lại tình trạng di chứng não không phục hồi

“Với cấp cứu đột quỵ, thời gian và não cực kỳ quan trọng. Chậm trễ về thời gian sẽ phải trả giá bằng tổn thương não”- TS Chi nói.

Theo TS Nguyễn Văn Chi, các ca cấp cứu do đột quỵ đang gia tăng trong các năm gần đây, thậm chí có thời điểm, tại đây tiếp nhận 3-5 ca/ngày. Đột quỵ nếu không được xử trí sớm và đúng cách sẽ gây các tai biến nặng nề như: Tổn thương não, liệt… Do vậy, người dân cần nhận biết các triệu chứng của đột quỵ.

Một bệnh nhân mắc bệnh trọng được các bác sĩ của Khoa Cấp cứu- Bệnh viện Bạch Mai nỗ lực cứu sống

(Ảnh BS Lương Quốc Chính)

TS Chi cũng nêu lên một thực trạng là khó phân biệt “trúng gió” và đột quỵ. Hiện  trong dân gian có khái niệm “trúng gió”, “cảm”. Đây là khái niệm chỉ tình trạng bất thường về sức khỏe một cách đột ngột. Mọi vấn đề, từ đau bụng nôn nhiều, sau tắm thấy lạnh, đêm ngủ đi vệ sinh bị yếu nửa người… lâu nay chúng ta nghĩ rằng là cảm, trúng gió. Tuy nhiên, trên thực tế, trong nhóm bệnh nhân này cũng đã có những người là do đột quỵ não. Một người xuất hiện nói khó, nói ngọng, liệt, sau đó trở về bình thường đó là những nghi ngờ của cơn thiếu máu thoáng qua, người dân không thể có kiến thức để khẳng định, giải quyết được vấn đề đó.

Vì vậy khi thấy người có biểu hiện đột cần cho họ nằm ở tư thế đầu cao nghiêng 1 bên để nếu có bị nôn không bị sặc, gây tắc đường thở, sau đó liên hệ với BV. “Đột quỵ nhẹ có thể thoáng qua rồi tự hết khiến người đó có thể chủ quan nhưng hoàn toàn không phải là trúng gió như theo cách gọi trong cộng đồng. Do đó, khi thấy bất thường cần đến ngay cơ sở y tế”, TS Chi khuyến cáo

Cũng theo TS Nguyễn Văn Chi, để chẩn đoán đúng, nhanh tình trạng người bệnh, từ đó cho ra quyết định điều trị hiệu quả đòi hỏi các bác sĩ phải thành thạo, có đủ kiến thức, trang thiết bị tốt. Hiện BV Bạch Mai đã thành lập đội phản ứng nhanh cấp cứu bệnh nhân đột quỵ ngoại viện. Tiêu chí đưa ra là việc tiếp cận, chẩn đoán cho đến khi thực hiện can thiệp điều trị cho bệnh nhân đột quỵ không quá 45 phút. Thế nhưng, tại khoa Cấp cứu A9 đã đạt được tiêu chí tiếp cận, chẩn đoán bệnh nhân trước 45 phút với hầu hết các ca cấp cứu đột quỵ

Hội nghị khoa học toàn quốc chuyên ngành Hồi sức cấp cứu và chống độc được diễn ra trong 2 ngày 13/14-4 với sự tham gia của các bác sỹ chuyên ngành hồi sức cấp cứu và chống độc đến từ các bệnh viện trên cả nước. Hội nghị cũng có sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế đến từ những nước có nền y học phát triển. Đây là dịp để các chuyên gia y tế trong nước tiếp cận với những công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao, cập nhật những thông tin mới, kỹ thuật mới để cứu sống những bệnh nhân nặng.

Thái Bình
Ý kiến của bạn