Nhiều bệnh nhân nặng được hội chẩn trực tuyến hiệu quả

25-09-2020 10:56 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tham gia mô hình khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến trên, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, TTYT huyện Tam Đường (Lai Châu) đã có sự phát triển vượt bậc. Nhiều bệnh nhân nặng điều trị tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh được điều trị hiệu quả mà không phải chuyển lên tuyến trên, các bác sĩ tại cơ sở có cơ hội được nâng cao tay nghề chuyên môn.

BS. Hoàng Quang Trung - Giám đốc BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cho biết, qua 26 lần triển khai hội chẩn trực tuyến với BV Đại học Y Hà Nội, 29 bệnh nhân nặng của BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đã được các chuyên gia đầu ngành phân tích kỹ lưỡng, đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhân. Nhờ đó, các bệnh nhân được điều trị tốt nhất ngay tại chỗ, hạn chế việc chuyển tuyến, tiết kiệm chi phí và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

“Các thầy của BV Đại học Y Hà Nội triển khai rất bài bản và tâm huyết, có kiểm tra kết quả sau mỗi buổi hội chẩn nên bắt buộc các bệnh viện sau khi hội chẩn xong phải tập trung vào điều trị bệnh nhân. Sau 1 tuần, các thầy sẽ hỏi lại kết quả thực hiện. Việc triển khai khám chữa bệnh từ xa với BV Đại học Y Hà Nội không chỉ mang lại lợi ích lớn cho người bệnh mà còn tạo điều kiện cho các bác sĩ tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cơ hội để học hỏi và nâng cao chuyên môn”, BS. Hoàng Quang Trung chia sẻ.

Thông qua hội nghị trực tuyến truyền hình và các công cụ truyền hình ảnh, xem hình ảnh Dicom, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đã chuyển các thông tin liên quan đến 29 ca bệnh điều trị tại bệnh viện cho các BS BV Đại học Y Hà Nội.

Sau khi nghe các bác sĩ thông báo những phương pháp đã điều trị, xem các hình ảnh phim chụp, siêu âm, các bác sĩ BV Đại học Y Hà Nội đã tiến hành hội chẩn và phân tích hình ảnh trực tuyến. Trên cơ sở đó đã đưa ra các chẩn đoán và tư vấn cho bác sĩ tuyến dưới phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.


BS BVĐK tỉnh Hà Tĩnh tham gia hội chẩn từ xa tại hội trường của BV.

Theo đánh giá, các ca bệnh mà các bác sĩ hội chẩn cho BVĐK tỉnh đều là các ca bệnh nặng, khó, có độ phức tạp cao mà các bác sĩ ở tuyến cơ sở gặp nhiều khó khăn trong chẩn đoán, điều trị và khả năng bệnh nhân phải chuyển tuyến cao

BS. Hoàng Quang Trung - Giám đốc BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Qua 8 lần triển khai hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, 29 bệnh nhân nặng của bệnh viện đã được các chuyên gia đầu ngành phân tích kỹ lưỡng, đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân. Nhờ đó, các bệnh nhân được điều trị tốt nhất ngay tại chỗ, hạn chế việc chuyển tuyến, tiết kiệm chi phí và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Không chỉ mang lại lợi ích lớn cho người bệnh mà việc triển khai khám chữa bệnh từ xa với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội còn tạo điều kiện cho các y, bác sĩ tại các bệnh viện có thể học hỏi, nâng cao chuyên môn.

BS. Hoàng Quang Trung cảm kích: Trung bình mỗi buổi hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có từ 40 - 60 bác sĩ tham gia. Chúng tôi cho rằng đây là cơ hội tốt cho các bác sĩ của bệnh viện được trao đổi, thảo luận và học hỏi các kinh nghiệm, kiến thức từ các chuyên gia đầu ngành ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong việc chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân, từ đó tích lũy được cho bản thân những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm quý trong hành nghề.

Một cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa cũng đã được hưởng lợi rất lớn từ Đề án Khám chữa bệnh vùng sâu, vùng xa là Trung tâm Y tế huyện Tam Đường, Lai Châu.

Bệnh viện E đã kết nối hệ thống khám chữa bệnh từ xa với gần 80 cơ sở y tế, gồm 21 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, còn lại là hơn 54 bệnh viện tuyến huyện và trung tâm y tế tuyến huyện... Trong đó, có rất nhiều bệnh viện tuyến huyện vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn ở các địa phương trên toàn quốc và đặc biệt là 2 TTYT huyện Tam Đường và Than Uyên của tỉnh Lai Châu.

 hội chẩn trực tuyến hiệu quảNhờ sự hỗ trợ từ tuyến trên, TTYT Tam Đường, Lai Châu đã làm chủ được kỹ thuật mổ nội soi.

Thông qua Dự án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025, Bệnh viện E sẽ phối hợp với các bệnh viện, TTYT vệ tinh tiến hành: Hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh, chẩn đoán hình ảnh từ xa các phương pháp điều trị cho ca bệnh cụ thể với các cơ sở y tế; Chia sẻ hình ảnh Xquang, siêu âm, điện tim, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ...; Hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh, miễn dịch, huyết học - truyền máu, vi sinh, hóa sinh để phục vụ chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu và đào tạo; Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa các ca mổ cấp cứu... cho bệnh viện, TTYT tuyến dưới. TTYT Tam Đường được hội chẩn trực tuyến 1 ca nội soi tiêu hóa đang điều trị.

Các bác sĩ TTYT Tam Đường đã trình bày hồ sơ bệnh án, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán và hướng điều trị cho bệnh nhân; song song đó, truyền hình ảnh trực tiếp đang nội soi tiêu hóa cho bệnh nhân... Tại đầu cầu Bệnh viện E, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn, thảo luận cân nhắc kỹ để đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị tốt nhất cho người bệnh.

BS. Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Đường, Lai Châu cho biết: Hiệu quả của Đề án khám chữa bệnh từ xa đối với bệnh viện, đó là phía cán bộ y tế tuyến cơ sở, được hỗ trợ về chuyên môn, tự học và bổ sung trực tiếp, thường xuyên từ ca bệnh thực tế. Giúp bác sĩ tự tin hơn, tạo hài lòng của người bệnh. Trong cơ sở điều trị, thống nhất chẩn đoán và hướng điều trị, từ đó hạn chế chuyển tuyến và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Về phía bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, tiết kiệm chi phí đi lại cho người bệnh. Người bệnh được tư vấn, tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế tuyến trên, được chẩn đoán điều trị kịp thời giúp giảm thời gian điều trị, hạn chế các biến chứng...

Đề án khám, chữa bệnh từ xa bước đầu giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa như huyện Tam Đường không cần phải lên tuyến trên vẫn có thể được khám, chẩn đoán và điều trị bệnh bởi các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành. Qua đó, ngày càng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế.


Lê Hòa-Anh Hiếu
Ý kiến của bạn