Ngày 16/12, Viện Huyết học - Truyền máu TW đã tổ chức gặp mặt 200 người hiến máu hòa hợp phenotype tiêu biểu năm 2023. Có những người đã được Viện huy động với tần suất hiến máu tối đa 4 – 5 lần trong năm như anh Nguyễn Văn Giáp (ở Long Biên), anh Nguyễn Quang Hưng (ở Hoàng Mai), anh Nguyễn Trung Kiên (ở Hà Đông); hay rất nhiều người ở các tỉnh lân cận và huyện ngoại thành của Hà Nội không quản ngại việc di chuyển từ xa đến Viện để hiến máu mỗi khi có bệnh nhân cần.
Trong số 200 đại biểu tham dự buổi gặp mặt, có hơn 20 đại biểu là cán bộ, nhân viên của Viện, từ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên tiếp nhận máu, điều chế máu đến lái xe, hộ lý... Dù công việc hàng ngày rất bận rộn nhưng các những cán bộ, nhân viên y tế, người lao động của Viện vẫn dành thời gian hiến máu thường xuyên khi bệnh nhân cần...
Thông tin tại buổi lễ, ThS Lê Lâm, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TW cho biết, Hiệp hội truyền máu quốc tế đã công nhận có tới 43 hệ thống nhóm máu với 376 kháng nguyên hồng cầu khác nhau nhau đã được phát hiện.
TS.BS. Hoàng Thị Thanh Nga, Trưởng khoa Huyết thanh học nhóm máu, Viện Huyết học – Truyền máu TW cho biết thêm, để tìm được 2 cá thể có các kháng nguyên nhóm máu hoàn toàn giống nhau là rất khó. Nếu bệnh nhân phải truyền máu chắc chắn phải tiếp xúc với kháng nguyên "lạ" từ máu của người cho. Chính vì vậy, ở những bệnh nhân càng truyền máu nhiều lần thì khả năng tiếp xúc với kháng nguyên lạ càng nhiều và nguy cơ sinh kháng thể bất thường ở những bệnh nhân này càng cao.
"Theo nghiên cứu gần đây của Viện Huyết học – Truyền máu TW thì tỷ lệ sinh kháng thể bất thường ở bệnh nhân tan máu bẩm sinh tương đối cao, khoảng 10 - 11%" - TS Nga thông tin.
TS Nga nhấn mạnh, kháng thể bất thường chính là các kháng thể ngoài hệ nhóm máu ABO, có thể gây ra các tai biến truyền máu, như phản ứng tan máu cấp hoặc tan máu muộn nếu người bệnh không được truyền đơn vị máu hòa hợp. Chính vì vậy trong truyền máu, chỉ hòa hợp hệ nhóm máu ABO và Rh(D) là chưa đủ để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Khi đó, cần phải truyền máu hòa hợp cả các kháng nguyên của các hệ thống nhóm máu khác ngoài hệ ABO và Rh(D), hay còn gọi là truyền máu hòa hợp phenotype.
ThS Lê Lâm cho biết, Viện Huyết học - Truyền máu TW đã thực hiện tìm kiếm nguồn người hiến máu và truyền máu hòa hợp phenotype từ rất sớm. Năm 2007, triển khai tìm kiếm nguồn người hiến máu từ chính cán bộ, nhân viên của Viện, sau đó mở rộng thực hiện xét nghiệm trong cộng đồng người hiến máu và đạt được những kết quả vô cùng ý nghĩa.
"Từ chỗ có những người bệnh phải chờ máu nhiều năm, người bệnh phải tự bỏ chi phí để tìm người hiến máu phù hợp... đến nay việc truyền máu hòa hợp phenotype đã trở thành quy trình thường quy của Viện. Người bệnh nội trú không phải chờ máu, người bệnh ngoại trú còn có thể "đặt hàng" máu trước khi vào Viện"- ThS Lê Lâm nói.
Theo Phó Viện trưởng Lê Lâm, để có được hơn 2.600 đơn vị máu hòa hợp phenotype cho người bệnh trong năm 2023, bản thân những người hiến máu hòa hợp cũng phải nỗ lực rất nhiều để có thể hiến máu thường xuyên, mỗi lần Viện huy động đều sẵn sàng hỗ trợ kịp thời, trách nhiệm.
"Các anh chị em đã dành cho Viện và bệnh những tình cảm tốt đẹp, trân quý như người nhà. Không chỉ chia sẻ sự sống mà còn chia sẻ thời gian, công sức để giúp đỡ người bệnh và đồng hành cùng Viện trên hành trình "Vì sức khỏe dòng máu Việt""- ThS Lê Lâm bày tỏ.
Hiện Viện đang quản lý hơn 800 người bệnh cần truyền máu hòa hợp phenotype, chủ yếu là bệnh nhân tan máu bẩm sinh. Nếu mỗi tháng bệnh nhân truyền máu 1 lần thì Viện cần đến gần 10.000 đơn vị máu hòa hợp phenotype/năm.