Nhiều bệnh nhân được cứu sống nhờ nguồn hiến máu tự nguyện

24-06-2015 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - “Người dân rất sợ nhận máu của người không phải dòng họ nhà mình, người ta sợ con ma nhà khác nó vào nhà mình...” - lời kể của bác sĩ Nguyễn Văn Minh

“Người dân rất sợ nhận máu của người không phải dòng họ nhà mình, người ta sợ con ma nhà khác nó vào nhà mình...” - lời kể của bác sĩ Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) với chúng tôi ngày nào giờ đã trở thành ký ức rất xa. Sau Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu năm nay, chúng tôi được nghe những câu chuyện vui nơi đây với sự sống của người bệnh cần máu.

Đó là câu chuyện về bệnh nhân Thào Thị C. (bản Phì Xua A, xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông) có thai tuần thứ 12, băng huyết sau sẩy thai, nhập viện ngày cuối tháng 3/2015 trong tình trạng đau bụng dữ dội, thiếu máu nặng, da xanh, niêm mạc nhợt, thể trạng gầy yếu. Các chỉ số của bệnh nhân đều rất thấp: huyết áp 70/40mmHg, nhịp tim 25 lần/phút, huyết sắc tố là 71g/l (trong khi chỉ số của người bình thường là 120g/l).

Bệnh nhân cấp cứu được truyền máu từ nguồn hiến máu tự nguyện. Ảnh: TN

Trước tình hình như vậy, có thể đe dọa đến tính mạng do mất nhiều máu, các bác sĩ chỉ định truyền 2 đơn vị máu toàn phần nhóm O. Nhờ nhận thức của người dân về việc hiến máu và truyền máu ngày càng nâng cao, người nhà của bệnh nhân đã hiến 1 đơn vị máu. Đơn vị máu còn lại được huy động từ chị Trần Thị Yến - cán bộ Mặt trận Tổ quốc huyện, là thành viên Câu lạc bộ Hiến máu dự bị của huyện từ năm 2012. Chia sẻ về lần đầu tiên được hiến máu khẩn cấp, chị Yến cho biết: “Hôm đó, được bệnh viện gọi vào giữa trưa, lại sắp có cuộc họp nữa, nhưng tôi vẫn tranh thủ để kịp có mặt hiến máu. Mặc dù trước đó đã hiến máu 3 lần rồi theo các đợt do huyện tổ chức, nhưng được hiến máu khẩn cấp thế này, tôi cảm thấy sung sướng và hạnh phúc hơn với ý nghĩa việc làm của mình...”.

Một trường hợp tương tự vào tháng 5 vừa rồi là bệnh nhân Lò Thị D. (bản Suối Lư 2, xã Keo Lôm, Điện Biên Đông) có thai khoảng 20 tuần, băng huyết sau sẩy thai. Bệnh nhân thiếu máu rất nặng, huyết sắc tố chỉ đạt 53g/l. Ngay lập tức, người hiến máu dự bị được huy động là anh Nguyễn Văn Tùng - Đội Y tế dự phòng huyện, đây là lần hiến máu thứ 8 của anh Tùng. “Tôi tham gia hiến máu lần đầu tiên vào năm 2008. Khi huyện phát động đăng ký hiến máu dự bị, tôi không ngần ngại đăng ký ngay, chỉ mong lúc nào đó máu của mình có thể giúp ích được cho ai đó cần. Hiến máu và cứu được bệnh nhân, tôi thấy rất ý nghĩa; đó là động lực để tôi chia sẻ những giọt máu cứu người...”, chàng trai 25 tuổi chia sẻ về việc làm của mình.

Cả hai bệnh nhân sau khi được truyền máu, tình trạng sức khỏe đều ổn định nhờ vượt qua cơn nguy kịch. Có được kết quả này là nhờ phương châm “đưa hiến máu dự bị đến từng người dân” đã được các cấp lãnh đạo huyện Điện Biên Đông nỗ lực trong nhiều năm qua. Từ năm 2012, cùng với sự hỗ trợ của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, huyện vùng sâu, vùng xa này đã tích cực tuyên truyền về ý nghĩa của lực lượng hiến máu dự bị và tổ chức đăng ký, tuyển chọn những người đủ điều kiện sức khỏe tham gia lực lượng này. Sau 3 năm thành lập và duy trì, đến nay, số thành viên trong Câu lạc bộ Hiến máu dự bị của huyện đã có 76 thành viên. Hằng năm, người hiến máu dự bị đều được gặp mặt, khám sức khỏe, làm xét nghiệm máu định kỳ; để đảm bảo rằng máu của họ luôn an toàn, có thể sẵn sàng hiến máu bất cứ khi nào được yêu cầu.

Đồng chí Vàng A Hờ - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông vui mừng cho biết: “Với huyện vùng sâu vùng xa, nghèo khó, địa bàn chia cắt, khi cần máu có thể không có sẵn hoặc bệnh nhân không có điều kiện về tỉnh thì hiến máu dự bị rất thiết thực. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ cứu người, nhiệm vụ chính trị trên địa bàn huyện, nên sẽ nghiên cứu cách hiệu quả nhất để duy trì trong thời gian tới”. Nhờ quan điểm và cách làm đó, mà ngày 28/5 vừa qua, huyện đã tổ chức gặp mặt, tư vấn sức khỏe và xét nghiệm máu định kỳ cho người hiến máu dự bị của huyện.

Khẳng định về tính hiệu quả của việc xây dựng lực lượng hiến máu dự bị, GS.TS. Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: “Chúng tôi đã từng có niềm tin rằng đây là cách làm đúng hướng và thực tiễn đã minh chứng đúng như vậy. Lực lượng hiến máu dự bị thực chất, hiệu quả và bền vững ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành nguồn máu an toàn, kịp thời cho người bệnh cần máu trong trường hợp khẩn cấp”.

Nguyên Thảo

 

 


Ý kiến của bạn