Theo các chuyên gia y tế, nhiễm giun sán là một trong những bệnh nhiễm ký sinh trùng phổ biến nhất trên toàn thế giới. Ngày nay, khi đời sống được nâng cao, bệnh nhiễm ký sinh trùng tưởng như hiếm gặp, nhưng thực tế vẫn có những câu chuyện khiến nhiều người khó tin.
Như gần đây, một bệnh nhân nữ (29 tuổi) đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với thể trạng gầy yếu (32kg), cơ thể nhợt nhạt, yếu ớt, đi ngoài trên 20 lần/ngày, phân vàng lỏng, có khi phân đen… Kèm theo hội chứng thận hư, đái tháo đường type 2, bệnh nhân có biểu hiện sốc do xuất huyết tiêu hóa.
Trải qua nhiều lần khám, điều trị ở nhiều nơi, tốn kém khá nhiều tiền của nhưng căn nguyên của bệnh chưa được tìm ra, vì thế việc điều trị cũng dường như vô vọng.
Khi nhập viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ đã tiến hành truyền cấp tập khối hồng cầu, dùng thuốc cầm máu và PPIs để giải quyết tình trạng mất máu nặng cho bệnh nhân. Qua hình ảnh nội soi dạ dày, tình trạng bệnh của bệnh nhân khá phức tạp: Trong dạ dày có quá nhiều dịch cũ bẩn ứ đọng, phù nề và xung huyết mạnh ở dạ dày; loét và chảy máu nhiều ổ tá tràng; ruột non gần như không thể can thiệp được. Các bác sĩ đã tiến hành kẹp lại những vị trí đang chảy máu bằng hemoclip...
Nghi ngờ tình trạng bệnh của bệnh nhân có thể do nhiễm ký sinh trùng, các bác sĩ đã lấy mẫu ở tá tràng để sinh thiết… Gần 1 tuần sau, kết quả giải phẫu bệnh lý cho thấy có hình ảnh ấu trùng giun lươn. Ngoài ra kết quả sinh học phân tử cho thấy bệnh nhân còn nhiễm một loại virus cơ hội CMV (là virus thuộc họ Herpesviridae hoặc Herpesviruses).
Do ca bệnh này khá hiếm gặp, nên khó phát hiện và không được điều trị đúng đã dẫn đến tình trạng bệnh nêu trên. Rất may sau khi bác sĩ tìm ra căn nguyên, từ đây đã tìm ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân.
Hay như trường hợp của nam bệnh nhân (42 tuổi) trú tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái được phát hiện bị nhiễm bệnh giun rồng mới đây cũng là một ví dụ.
Theo đó, công việc hằng ngày của bệnh nhân là làm ruộng, thường xuyên đi rừng, hay ngủ lán rừng quế, từng ăn gỏi cá, tiết canh, các món tái... và ăn thịt chuột đồng, mấy năm nay không tẩy giun sán. Nguồn nước của gia đình là dùng nước giếng khoan và nước sinh hoạt thải ra ngoài suối cạnh nhà bệnh nhân.
Sau một giời gian thấy ngứa vùng cổ, nổi sẩn trên bề mặt da như mề đay, có những nốt ngoằn ngoèo nổi dưới da căng tức, tại vị trí vùng cổ trên xương đòn phải xuất hiện nốt sẩn u cục, bệnh nhân ngứa gãi và xuất hiện một đầu giun màu trắng, tự rút ra được đoạn giun khoảng 07 cm và bị đứt, tại vị trí sưng đỏ, ngứa và mưng mủ.
Bệnh nhân về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khám và điều trị. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm giun rồng. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, xuất hiện thêm 01 nốt sẩn ở mặt dưới 1/3 đùi dưới phải, kéo ra được đoạn giun khoảng 0,5cm… Sau 7 ngày điều trị bằng nội khoa và chích rạch lấy giun, bệnh nhân ổn định và được cho xuất viện.
Nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng tránh bệnh giun sán
Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, BSCK I Phạm Thị Việt Anh, Phó Trưởng khoa nội tiêu hóa – Bệnh viện 198 cho biết, Việt Nam nằm trong đới khí hậu nhiệt đới có gió mùa hoạt động quanh năm. Nhờ có khí hậu nóng ẩm nên thuận lợi cho sự phát triển giun sán, kèm theo đó là nguồn động thực vật phong phú ở môi trường sống góp phần giúp giun sán có nhiều ký chủ để lựa chọn hơn. Cộng với việc ý thức vệ sinh cá nhân và vệ sinh cộng đồng chưa tốt, đã tạo điều kiện cho mầm bệnh giun sán lan tràn rộng rãi.
Giun sán lây truyền qua tiếp xúc đất, qua trứng giun, và qua tiếp xúc phân người bị nhiễm giun. Giun trưởng thành sống trong ruột người và đẻ ra hàng ngàn quả trứng mỗi ngày. Ở những khu vực vệ sinh kém, những quả trứng này làm ô nhiễm đất, từ đó trứng vô tình được đưa vào cơ thể con người theo nhiều cách khác nhau.
Khi mắc bệnh giun sán, dấu hiệu sớm nhất sẽ xuất hiện tại hệ tiêu hóa gây nên rối loạn tiêu hóa như bị tiêu chảy hoặc táo bón, đau bụng, nôn ra giun sán hoặc đại tiện ra giun sán. Một số trường hợp nặng người bệnh sẽ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, nhược sắc… Bệnh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh khác phát triển như thiếu vitamin, sốt rét, kiết lỵ, lao phổi... do sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút.
BS. Phạm Thị Việt Anh cũng cho biết, khi bị nhiễm giun sán, thông thường bệnh nhân có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên trong những trường hợp nhiễm giun sán mà có những biến chứng nặng như tắc ruột, lồng ruột, viêm ruột thừa, thủng ruột, viêm phúc mạc, tắc ống dẫn mật, nhiễm trùng ống dẫn mật, viêm tụy tạng, xơ gan cổ trướng, u gan, áp-xe gan... thì cần phải được điều trị tại các cơ sở y tế.
"Tại khoa nội tiêu hóa bệnh viện 198, các bác sĩ thường gặp một số trường hợp nhiễm giun sán bị biến chứng áp-xe gan hay bệnh nhân nhiễm giun lươn. Những bệnh nhân này thường có chung một đặc điểm là sinh sống tại những nơi vùng núi, hay vùng sâu, vùng xa. Khi bệnh nhân bị nhiễm bệnh, đến khám tại bệnh viện thì tình trạng đã khá nặng. Biểu hiện là bị thiếu máu, thiếu dinh dưỡng trầm trọng, hoặc bị phù chân nên việc điều trị sẽ mất khá nhiều thời gian.
Để phòng ngừa bệnh giun sán, cần tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần ở trẻ em và người lớn. Sử dụng các loại thuốc tẩy giun sán theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ; Đảm bảo ăn chín, uống sôi, không nên ăn đồ tái, sống; Đi giày, dép, găng tay khi tiếp xúc với đất ẩm; Giữ môi trường sống xung quanh luôn sạch sẽ… Khi có các triệu chứng nhiễm giun sán cần tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời", BS. Phạm Thị Việt Anh khuyến cáo.
Mời bạn đọc xem tiếp video: "Kinh hoàng: Người đàn ông gãi ra giun sán":
Kinh Hoàng- Người Đàn Ông 42 Tuổi Gãi Ra Giun Chui Ở Dưới Da - SKĐS