Nhiều động vật, thực vật quý hiếm
Vườn quốc gia Chư Mom Ray nằm ở cực bắc Tây Nguyên (huyện Sa Thầy, Kon Tum) có diện tích 56.249,2 ha, là nơi bảo tồn hơn 100 loài cây quý hiếm, cấm khai thác. Dưới tán những cây gỗ này là 112 loài động vật được ghi trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới.
Ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray cho biết: "Đây là một trong 30 vườn quốc gia có sự đa dạng sinh học của Việt Nam. Bên cạnh việc bảo tồn, chúng tôi còn thường xuyên giải cứu các động vật quý do các đối tượng xấu đánh bẫy như khỉ, vượn... nuôi dưỡng, cứu hộ rồi thả về tự nhiên".
Trong số các "báu vật" ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray, đáng chú ý nhất là beo lửa, voọc chà vá (chân nâu, chân đen, chân xám), khỉ, vượn, diệc mặt đó… Những loài này hiện đang sống yên bình trong những cánh rừng của Vườn quốc gia Chư Mom Ray.
Theo Vườn quốc gia Chư Mom Ray, bên cạnh các loại khỉ (khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi dài, khỉ má vàng), vượn, vọoc... tại đây còn có 5 loài thuộc họ hươu nai, 5 loài trâu rừng, 17 loài thú ăn thịt quý hiếm.
Số thú ăn thịt ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray chiếm 62,2% tổng số loài thú ăn thịt của cả nước. Tại đây cũng ghi nhận đang sinh sống 290 loài chim thuộc 57 họ, 17 bộ. Trong đó 10 loài chim được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 8 loài được ghi trong Sách đỏ thế giới.
Lãnh đạo Vườn quốc gia Chư Mom Ray chia sẻ, mỗi loài động thực vật quý đều được xem là "báu vật" cần gìn giữ cho đời sau. Đặc biệt, có loài động vật gần như chỉ còn sống tốt ở vùng rừng này như vượn đen má vàng. Đây là loài vật tinh khôn, đặc hữu, đẹp và hiếm của quốc gia. Những con vượn này phải sinh trưởng một cách tự nhiên và được bảo vệ một cách nghiêm ngặt.
Bên cạnh nhiều loài động vật trong Sách đỏ, Vườn quốc gia Chư Mom Ray còn có những loài cây gỗ nổi tiếng Đông Nam Á như chò chỉ, tuế lá xẻ, trầm hương, cẩm lai, vù hương…
Lãnh đạo Vườn quốc gia Chư Mom Ray đánh giá, nhiều loài cây ở đây có giá trị cao về nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, trong rừng còn có hàng chục loài cây thuốc quý, có thể dùng để nghiên cứu, khai thác phục vụ chăm sóc sức khỏe con người. Những loài này đều tồn tại, phát triển ổn định trong hệ thực vật rừng.
"Tất cả loài cây gỗ, động vật, cây thuốc quý… đều được chúng tôi ngày đêm bảo vệ. Tuy nhiên, nhân lực, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ công việc bảo vệ này vẫn còn thiếu nên chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn và áp lực. Hy vọng các vấn đề này sẽ sớm được khắc phục"- ông Đào Xuân Thủy bộc bạch.