Nhiều bạn trẻ còn ngại ngùng, xấu hổ, nghĩ mua bao cao su là việc làm sai trái

29-09-2023 15:38 | Y tế
google news

SKĐS - Theo các chuyên gia, hiện kiến thức, thái độ và kỹ năng liên quan đến sức khỏe sinh sản của vị thành niên, thanh niên ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, còn nhiều rào cản khiến vị thành niên chưa tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.

Một nửa trường hợp có thai là mang thai ngoài ý muốn

Trong Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2022 do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) công bố cuối năm 2022 cho thấy, mỗi năm, gần một nửa số trường hợp mang thai trên thế giới, tương đương 121 triệu ca, là mang thai ngoài ý muốn.

Cụ thể, Báo cáo mang tính đột phá "Nhìn rõ những mảng tối: Các bằng chứng cho thấy cần phải hành động để ứng phó với cuộc khủng hoảng đang bị bỏ quên - Mang thai ngoài ý muốn" cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng nhân quyền này sẽ gây ra những hậu quả sâu sắc cho xã hội, phụ nữ và trẻ em gái cũng như y tế toàn cầu.

Hơn 60% số trường hợp mang thai ngoài ý muốn dẫn đến việc phá thai và ước tính khoảng 45% số ca phá thai là không an toàn, chiếm 5-13% số ca tử vong mẹ, tác động lớn đến khả năng đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của thế giới.

Nhiều bạn trẻ còn ngại ngùng, xấu hổ, nghĩ mua bao cao su là việc làm sai trái - Ảnh 1.

Hiện kiến thức, thái độ và kỹ năng liên quan đến sức khỏe sinh sản của vị thành niên ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Ảnh: P.V


Cũng theo nội dung Báo cáo, trên toàn cầu, ước tính có khoảng 257 triệu phụ nữ muốn tránh thai nhưng chưa sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, hiện đại, và theo các số liệu thu thập được, gần 1/4 số phụ nữ không thể từ chối quan hệ tình dục.

Một loạt các yếu tố quan trọng khác cũng góp phần dẫn tới mang thai ngoài ý muốn, bao gồm: Thiếu sự chăm sóc và thông tin về sức khỏe sinh sản và tình dục; các lựa chọn tránh thai không phù hợp với cơ thể hoặc hoàn cảnh của người phụ nữ; những chuẩn mực có hại và sự kỳ thị xung quanh việc phụ nữ kiểm soát vấn đề sinh sản và cơ thể của chính họ.

Tại Hội thảo "Giải quyết vấn đề mang thai ngoài ý muốn ở Việt Nam" do Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam tổ chức mới đây, các chuyên gia nhận định hiện kiến thức, thái độ và kỹ năng liên quan đến sức khỏe sinh sản của vị thành niên ở Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, theo kết quả "Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021" do Tổng cục Thống kê và UNICEF thực hiện cho thấy, chỉ có 17,4% có thể trả lời đúng câu hỏi về "thời điểm mà người phụ nữ có thể có thai". Chỉ có 25,9% thanh thiếu niên độ tuổi 15-24 biết được các bước chính xác của việc sử dụng bao cao su. Vị thành niên còn ngần ngại khi mua bao cao su, chủ yếu (76%) là do ngại ngùng và do sợ bị nhìn thấy hoặc nghĩ mình đang làm một việc gì đó sai trái.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong nỗ lực giảm số ca mang thai và phá thai tuổi vị thành niên nhưng các con số thu thập từ các bệnh viện còn rất đáng quan ngại. Tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), trong năm 2022, tổng số trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi) đến xin bỏ thai ngoài ý muốn là 708 trường hợp. Trong đó, 223 trường hợp có tuổi thai 16-22 tuần. Có 25 trường hợp phải nhập viện làm thủ thuật phá thai ngoại khoa.

Tại Bệnh viện Hùng Vương, năm 2021, số trẻ vị thành niên mang thai chiếm 0,74% trong tổng số lượt khám kế hoạch hóa gia đình tại cơ sở này. Đến năm 2022, tỷ lệ này giảm còn 0,59%.

Còn nhiều hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên

Theo các chuyên gia, hiện còn rất nhiều hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản, tình dục với giới trẻ như: Các dịch vụ sức khỏe, kể cả sức khỏe sinh sản thân thiện với vị thành niên mới được triển khai nhỏ lẻ ở hình thức mô hình thí điểm ở một số cơ sở, khu vực, chưa trở thành một chương trình có độ bao phủ rộng trên toàn quốc.

Theo một nghiên cứu, có đến 1/3 số thanh niên và vị thành niên được phỏng vấn trong điều tra cho rằng tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe sinh sản, tình dục không dễ dàng, đặc biệt là ở vùng nông thôn và các khu vực người dân tộc thiểu số sinh sống.

Bên cạnh đó, các dịch vụ sức khỏe sinh sản, tình dục có thể rất đắt, khó tiếp cận các dịch vụ chăm sóc khi cần; chưa cung cấp các dịch vụ thân thiện với thanh niên và vị thành niên; nhân viên y tế tư vấn năng lực còn hạn chế.

Đặc biệt, hiện vẫn còn rào cản là sự kỳ thị và phân biệt đối xử khi giới trẻ tìm kiếm dịch vụ sức khỏe sinh sản, tình dục khiến họ cảm thấy xấu hổ hoặc lo lắng khi tìm kiếm sự giúp đỡ…

Những hạn chế này có thể khiến việc tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản, tình dục trở nên khó khăn và phức tạp. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như mang thai ngoài ý muốn, bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Các bác sĩ cảnh báo, mang thai ở tuổi vị thành niên có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như: Sức khỏe kém, có thể gây ra các biến chứng nhiễm trùng, chảy máu, đau đớn, thậm chí tử vong.

Việc phá thai có thể gây ra nhiều căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, rối loạn tâm thần; phá thai có thể làm tăng nguy cơ vô sinh, sảy thai và sinh non ở những lần mang thai sau này…



Nguyễn Mai
Ý kiến của bạn