Nhiều băn khoăn về hai phương án nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

07-09-2022 10:35 | Xã hội

SKĐS - Hai phương án nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất đều gây ra những băn khoăn về tính hợp lý.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến các bộ ngành về hai phương án nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Theo đó:

  • Phương án một là người lao động nghỉ 7 ngày, từ 29 tháng Chạp năm Nhâm Dần tới hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão (20-26/1/2023).
  • Phương án hai là nghỉ 9 ngày, từ 30 tháng Chạp tới hết mùng 8 tháng Giêng (21-29/1/2023).

Hai phương án nghỉ Tết Âm lịch 2023 này đều bảo đảm "tổng số ngày nghỉ liên tục không quá 5 ngày theo quy định". Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất chọn phương án 7 ngày để tổng số ngày nghỉ liên tục không quá dài, hài hòa thời gian nghỉ trước và sau Tết. Bộ Nội vụ cũng nhất trí với phương án này. Sau khi tổng hợp các ý kiến, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ trình Thủ tướng xem xét quyết định.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra chưa đồng tình với cả hai phương án nghỉ Tết Quý Mão 2023 nói trên, bởi cho rằng đều có nhiều bất cập.

Những điểm bất hợp lý

Theo phương án một (nghỉ 7 ngày), người lao động sẽ nghỉ hết thứ Năm, thứ Sáu đi làm, rồi lại nghỉ cuối tuần. Đây là phương án được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ưu tiên đề xuất lựa chọn.

Tuy nhiên, phương án này cho thấy một nhược điểm rất lớn là khiến kỳ nghỉ bị cắt vụn, khi đi làm một ngày thứ sáu rồi lại nghỉ cuối tuần. Đây là điều rất bất hợp lý nếu xét theo thực tiễn làm việc của người lao động. Qua khảo sát, rất nhiều doanh nghiệp và người lao động không ủng hộ phương án này.

Nhiều băn khoăn về hai phương án nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 - Ảnh 1.

Hai phương án nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất đều có nhiều bất cập.

Ông Trần Văn Thành - Giám đốc Công ty vận tải Quảng Thành cho báo chí biết: "Với truyền thống người Việt, ngày mùng 1 đến mùng 3 Tết là thời gian dành cho gia đình. Nếu theo phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày, người lao động chỉ còn một hoặc hai ngày để vui chơi. Những người quê ở xa sẽ phải trở lại thành phố sớm để kịp lịch làm việc vào mùng 6. Đi làm một ngày rồi lại nghỉ hai ngày tiếp sẽ khiến kỳ nghỉ bị gián đoạn. Không nên cắt khúc kỳ nghỉ, hãy để nó kéo dài liên tục, tránh tâm lý "nhấp nhổm"".

Đồng tình với quan điểm trên, bà Trần Bảo Ngọc - Giám đốc Nhân sự Công ty InterLOG, doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics với hơn 200 lao động cho rằng, việc nghỉ gián đoạn theo phương án một sẽ khiến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cổ truyền của người lao động không được trọn vẹn. Doanh nghiệp khi đó có mở cửa hoạt động theo đúng lịch thì số người trở lại làm việc cũng không cao.

Với những lao động xa quê, số đông chắc chắn sẽ không ủng hộ phương án nghỉ Tết 7 ngày, bởi họ sẽ không có nhiều thời gian bên gia đình và sau Tết sẽ rất cập rập chỉ vì một ngày làm việc xen kẽ.

Chị Nguyễn Thùy Linh - quê ở Nghệ An, nhân viên một công ty dược ở Hà Nội cho biết, nếu phương án này được chọn thì chị và nhiều lao động khác sẽ chọn cách xin nghỉ phép nốt ngày thứ Sáu để kỳ nghỉ được liền mạch và kéo dài hơn.

Phương án hai (nghỉ 9 ngày) sẽ không có một ngày làm việc xen kẽ như phương án một, kỳ nghỉ liền mạch và kéo dài hơn. Tuy nhiên, phương án này có bất cập là chỉ có một ngày nghỉ trước Tết nên không thể hài hòa khoảng thời gian nghỉ trước và sau Tết.

Khi được hỏi về vấn đề này, nhiều người lao động cho rằng phải làm hết 29 Tết mới được nghỉ là điều rất bất hợp lý, việc chỉ có một ngày tất niên để chuẩn bị, mua sắm sẽ rất vội vã, khó có thể chu toàn cho một kỳ nghỉ quan trọng và ý nghĩa như Tết cổ truyền.

Cùng với đó, phương án nghỉ trước Tết một ngày như thế này sẽ làm gia tăng áp lực rất lớn cho giao thông, đi lại của người dân - vấn đề vốn đang rất nan giải mỗi dịp nghỉ Tết.

Nên tính thêm phương án hoán đổi ngày nghỉ

Trước việc cả hai phương án nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra đều tồn tại những bất cập, một số chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng nên tính tới phương án hoán đổi ngày nghỉ để giải quyết vấn đề, tạo thuận lợi nhất cho người dân.

Trao đổi với báo chí, PGS. Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội đề nghị áp dụng nghỉ hoán đổi ngày nghỉ để người lao động nghỉ Tết Âm lịch 2023 sớm hơn một ngày và đi làm bù vào mùng 7 Tết (thứ Bảy). Cụ thể, kỳ nghỉ sẽ kéo dài 8 ngày, từ 28 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng (19-26/1/2023). Người lao động đi làm trở lại vào mùng 6 Tết và làm bù thứ Bảy.

Ông Lộc cho rằng, lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2023 này cân đối được số ngày nghỉ trước và sau Tết, giảm áp lực giao thông cuối năm, người dân được tận hưởng không khí mua sắm Tết và có thời gian sắp xếp công việc để về nhà trước Tết sớm hơn. Phương án này bất lợi ở chỗ sẽ phải làm bù cuối tuần, song ông Lộc cho rằng "không phải là vấn đề lớn" bởi đã có năm áp dụng như vậy và hai ngày đi làm liên tiếp giúp người lao động vào guồng tốt hơn.

Nhiều băn khoăn về hai phương án nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 - Ảnh 2.

Nhiều ý kiến đề xuất phương án nghỉ Tết dài hơn, sớm hơn để người dân có thêm thời gian nghỉ ngơi, đồng thời giảm tải áp lực giao thông. Ảnh minh họa.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản góp ý về phương án nghỉ Tết 8 ngày, từ 28 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng (19-27/1/2023), đi làm trở lại vào mùng 6 và làm bù vào thứ Bảy (28/1/2023) để người lao động được về quê sớm.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: "Đề xuất này dựa trên nguyện vọng của đông đảo đoàn viên, người lao động mong muốn có thời gian nghỉ Tết dài hơn để về quê, giảm áp lực giao thông và có thời gian sắm Tết".

Với giải pháp hoán đổi ngày nghỉ, cơ quan chức năng cũng có thể tính tới phương án nghỉ thông luôn ngày thứ Sáu 27/1/2023 (tức mùng 6 tháng Giêng) và đi làm bù vào thứ Bảy 4/2/2023 (ngày 14 tháng Giêng). Đây là phương án đã được vận dụng từ lịch nghỉ Tết Quý Tỵ năm 2013, Tết Canh Dần năm 2010.

Nếu áp dụng phương án này, người lao động sẽ có 10 ngày nghỉ liên tục (từ 20-29/1/2023), sau đó làm việc liền mạch từ thứ Hai đến thứ Bảy tuần kế tiếp. Phương án này tạo thuận lợi cho người lao động xa quê có thêm thời gian bên gia đình, nhất là những đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 không thể về thăm nhà trong hai năm qua.

Theo một số chuyên gia, nghỉ Tết 10 ngày cũng góp phần kích cầu ngành dịch vụ và du lịch, giúp người dân có thêm nhiều thời gian du xuân khi nhiều cơ sở văn hóa thường tổ chức khai hội xuân vào khoảng mùng 6-8 Tết.

Tuy nhiên, phương án hoán đổi ngày nghỉ cũng có một vài bất cập như: kỳ nghỉ sẽ bị kéo dài hơn sau Tết, khi thực hiện quy định và thông báo về ngày nghỉ Tết cũng sẽ tạo ra một số khó khăn cho các cơ quan quản lý, nhất là các đối tượng không nghỉ cố định thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng thời gian nghỉ trước Tết lâu nay đang quá ngắn nên các phương án nghỉ Tết cần tính toán thêm đến vấn đề này.

PGS. Nguyễn Đức Lộc cho rằng, nên cho người lao động nghỉ Tết sớm hơn, từ 28 tháng Chạp như phương án ông đề xuất đã nêu ở trên.

"Người Việt luôn coi trọng thời gian trước giao thừa hơn là sau Tết. Càng sát ngày 30 tháng Chạp, lòng người sẽ càng xốn xang, mong ngóng khi chưa thể về nhà", ông Lộc nói.

Đại diện Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) đề nghị nghỉ thêm một ngày trước Tết (khoảng 28 tháng Chạp) để việc đi lại về quê của người dân giãn ra, giúp hàng không, bến xe được giảm tải, không bị áp lực tăng chuyến.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam kiến nghị nhà nước cho nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 liền mạch 9 ngày và nghỉ trước Tết sớm hơn để người dân có nhiều thời gian mua sắm, người xa quê kịp di chuyển về nhà, và người muốn đi chơi xa, du lịch nước ngoài cũng có thời gian sắp xếp.

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày sau đây: Tết Dương lịch: một ngày (1/1 hằng năm); Tết Âm lịch 5 ngày; một ngày dịp 30/4 và một ngày Quốc tế lao động 1/5; Quốc khánh 2 ngày (2/9 dương lịch và một ngày liền kề trước hoặc sau); Giỗ tổ Hùng Vương một ngày (10/3 âm lịch).

Thủ tướng quyết định cụ thể số ngày nghỉ Tết Âm lịch và dịp Quốc khánh căn cứ vào điều kiện thực tế từng năm.

Theo quy định, người lao động nếu làm thêm giờ, làm việc ban đêm vào dịp lễ, Tết sẽ được hưởng lương ít nhất 300%, chưa bao gồm tiền lương làm việc trong ngày. Lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ lễ hàng năm sẽ được nghỉ thêm một ngày Tết cổ truyền và ngày quốc khánh của nước họ.


Duy Minh
Ý kiến của bạn