Nhiều bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế cùng hiến máu cứu bệnh nhân nguy kịch
Giữa tháng 11/2023, thai phụ D.T.M.H. (SN 1990, trú xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cấp cứu trong tình trạng sốc mất máu, đau nhiều ở vùng bụng, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, vã mồ hôi... Trước đó, thai phụ đau nhiều từ đêm hôm trước đến sáng hôm sau nên lập tức được người nhà gọi xe đến bệnh viện.
Tại đây, sau khi thăm khám, hội chẩn, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị sốc giảm thể tích nặng vì mất máu nhiều do chửa ngoài tử cung bị vỡ.
Trước tình thế nguy cấp bệnh viện đã kích hoạt báo động đỏ, chỉ định mổ cấp cứu đồng thời huy động ngân hàng máu sống để phục vụ ca phẫu thuật.
Quá trình cấp cứu, phẫu thuật phát hiện khối thai nằm ở vòi trứng bên phải bị vỡ phun máu vào ổ bụng, ước tính lượng lượng máu bị mất khoảng 2.200 ml.
Nhờ sự có mặt hiến máu kịp thời của nhiều y, bác sĩ có nhóm máu phù hợp, bệnh nhân đã được truyền máu, ca phẫu thuật được thực hiện thành công.
Một trường hợp khác cũng may mắn được các bác sĩ, điều dưỡng kịp thời hiến máu cứu sống khỏi cơn nguy kịch là anh T.D.L (26 tuổi, trú tại Đồng Văn, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh).
Giữa tháng 5/2023, anh L bị tai nạn giao thông gây đa chấn thương bụng kín, đứt động mạch mạc treo, shock mất máu nguy kịch nên được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) cấp cứu.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành hồi sức tích cực, siêu âm tại giường, chọc kiểm tra ổ bụng và khám lâm sàng. Nhận định, anh L. bị chấn thương bụng kín phức tạp, shock mất máu rất nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong nếu không xử trí kịp thời.
Trước tình thế khẩn cấp, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên đã kích hoạt hệ thống báo động đỏ nội viện, hội chẩn cấp cứu liên chuyên khoa và chỉ định phẫu thuật cấp cứu xử trí tổn thương.
Tuy nhiên, do bệnh nhân mất máu quá nhiều, cần có máu truyền gấp trong khi nguồn máu dự trữ của trung tâm không đủ nhóm máu A nên trong lúc đợi nguồn máu từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh chuyển ra, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên đã huy động nguồn máu tại chỗ để kịp thời truyền cho bệnh nhân.
Ngay khi nhận được thông báo, một bác sĩ và điều dưỡng của Trung tâm đã có mặt hiến máu cứu bệnh nhân.
Theo đại diện Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên, vì tình trạng bệnh nhân diễn biến xấu nhanh, tinh thần lơ mơ và huyết áp tụt, nên kíp mổ liên khoa vừa hồi sức truyền máu, vừa mở bụng khẩn cấp.
Khi kiểm tra ổ bụng bệnh nhân, bác sĩ phát hiện có nhiều máu và kíp phẫu thuật đã hút ra 4000ml máu đỏ tươi lẫn máu cục. Trong khi đó, vết thương động mạch mạc treo tràng trên tương đương 5cm đang chảy máu, dập hồi tràng, rách mạc treo trên ruột.
Bệnh nhân nhanh chóng được khâu vết thương động mạch mạc treo tràng trên để tránh mất thêm máu, kết hợp truyền 4 đơn vị máu và 2 đơn vị huyết tương nhằm giữ huyết áp ổn định giúp các phẫu thuật viên có thời gian xử trí tốt tổn thương. Sau hơn 1 giờ phẫu thuật và hồi sức căng thẳng, bệnh nhân L. đã qua cơn nguy kịch.
Giám đốc bệnh viện vừa hiến máu vừa trực tiếp cấp cứu cho người bệnh
Ngày 24/5/2023, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang (Hà Giang) cho biết, các bác sĩ đơn vị này đã cấp cứu thành công một sản phụ gặp tai biến sản khoa nguy hiểm. Đáng chú ý, Giám đốc bệnh viện này vừa tham gia cấp cứu bệnh nhân vừa trực tiếp tham gia hiến máu cứu người.
Cụ thể, vào lúc 1 giờ 15 phút sáng ngày 23/5, kíp trực Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang tiếp nhận sản phụ H.T.T (31 tuổi, trú tại thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang) vào viện trong tình trạng sốc mất máu, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, vã mồ hôi, chân tay lạnh, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt.
Theo lời kể của gia đình, sản phụ có tiền sử thiếu máu huyết tán đã cắt mổ lách năm 2017, có thai lần 4 đã từng mổ lấy thai, lần này thai 32 tuần đã đẻ tại phòng khám, sau đẻ mất máu nhiều được chuyển đến viện cấp cứu.
Ngay sau khi nhập viện, sản phụ đã được kíp trực hội chẩn toàn viện và xử lý cấp cứu với chẩn đoán sốc mất máu do đờ tử cung không hồi phục, sản phụ nhanh chóng được chuyển phòng mổ mổ cấp cứu.
Vấn đề đặt ra lúc này là sản phụ nhóm máu B, trong khi gia đình đưa đi cấp cứu chỉ có 1 đơn vị máu không đủ để truyền cấp cứu, nếu không có đủ máu, sản phụ sẽ nguy kịch và khó qua khỏi.
Trước tình hình nguy cấp trên, TS.BS Phạm Mạnh Công, Giám đốc bệnh viện, lãnh đạo trực đã trực tiếp hiến máu để cứu sản phụ. Ngay sau đó, vị Giám đốc này đã nhanh chóng lên phòng mổ cùng kíp phẫu thuật cứu sống bệnh nhân.
Các chuyên gia nhận định, chính hành động nhanh chóng, kịp thời của kíp trực cùng với nghĩa cử cao đẹp hiến máu không ngần ngại của Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang đã giúp bệnh nhân vượt qua lằn ranh giới giữa sự sống và cái chết, có cơ hội trở về với gia đình.
BV Việt Tiệp thực hiện ca ghép thận thứ 3 cùng huyết thống.