Nhiệt tình và khoa học

22-10-2011 11:18 AM | Xã hội

Trước những bất cập của cuộc sống, không thiếu những con người và những việc làm đầy nhiệt tình những mong cải tạo và thay đổi được những bất cập ấy.

Trước những bất cập của cuộc sống, không thiếu những con người và những việc làm đầy nhiệt tình những mong cải tạo và thay đổi được những bất cập ấy. Điều này rất cần và đáng quý cho cuộc sống. Tuy nhiên, những cải tạo, thay đổi và những đề xuất chỉ từ nhiệt tình thôi chưa đủ mà cần hơn phải từ những căn cứ khoa học dựa trên thực tiễn, nếu không, chúng ta có thể thay bất cập này bằng bất cập khác lớn hơn, nghiêm trọng hơn.

Chuyện giao thông đô thị hiện nay đang nóng lên trong những mong muốn của toàn xã hội và rất nhiều giải pháp được đưa ra. Trước hết là chuyện phân làn đường cho xe 4 bánh và xe 2 bánh. Phân làn là quá đúng nhưng phân làn thế nào lại là điều đáng bàn. Ví dụ trên đường Xã Đàn của Hà Nội được chia làm 3 phần bằng nhau, hai làn cho xe ôtô và một làn cho xe máy. Riêng một làn cho ôtô đã quá rộng và hai làn đủ cho 3 xe ôtô có thể thoải mái “tam hành” . Trong khi đó, xe đạp, xe máy nhiều hơn ôtô rất nhiều lại chỉ… một nửa làn bởi la liệt ôtô đỗ trên cái làn xe hai bánh ấy chưa kể xe buýt tạt vào đón trả khách... Khi đường tắc, chắc chắn xe máy sẽ tràn sang làn ôtô vì sự bất cập này và rồi lại trách ý thức người dân mà chưa thấy ai trách ý thức khoa học của người, của cơ quan phân làn.

Để tránh ùn tắc, tắc nghẽn, có đề xuất thay đổi giờ làm, giờ học, giờ mở cửa các siêu thị cửa hàng nghe rất có lý vì lượng người tham gia giao thông được chia ra vào những giờ khác nhau, nước ngoài cũng đã thực hiện và nên học tập. Thế nhưng ở nước ngoài không giống ta, họ chỉ từ nhà đến cơ quan và về. Trẻ cũng đến trường và về bằng xe buýt đưa đón. Siêu thị giao hàng tận nhà, khách mua qua điện thoại, mạng internet. Phần lớn người tham gia giao thông tại các đô thị ở ta không chỉ đơn giản có một mục đích từ nhà đến công sở và sau đó về nhà. Đầu tiên là đưa con đến trường (với  các cháu mẫu giáo, tiểu học, 2 lớp đầu THCS), sau đó đến cơ quan, hết giờ làm việc lại đón con và đi chợ chuẩn bị bữa chiều. Nếu thay đổi thì ùn tắc không giải quyết được mà thời gian người ở ngoài đường sẽ nhiều hơn. Cơ quan làm việc 9 giờ chẳng hạn thì ông bố, bà mẹ vẫn phải dắt xe ra khỏi nhà lúc 7 giờ để đưa con đến trường, các cháu tan 4h30-5h chắc phải chơi ở trường, đứng đợi ở vỉa hè cả tiếng đồng hồ để chờ cha mẹ đến đón. Cửa hàng, siêu thị không mở vào giờ cao điểm thì người cần vẫn phải đến mua sắm và có thể “giờ cao điểm” sẽ dịch chuyển chứ không mất đi, thậm chí “giờ cao điểm” gây ùn tắc nhiều hơn!

Các cơ quan lệch giờ nhau thì khoảng trùng giờ làm việc ngắn hơn, khi các cơ quan liên hệ công tác, công dân giải quyết công việc cũng có ít thời gian hơn. Trong thời gian ngắn hơn ấy, người ta vẫn phải tham gia giao thông và liệu có tránh được ùn tắc?

Những giải pháp đưa ra tuy với mục đích tốt nhưng không dựa trên thực tế với những điều tra xã hội học, nghiên cứu khoa học có thể phản tác dụng.

Một mình ngành giao thông không thể lo được chuyện giao thông. Kể cả những giải pháp tình thế cũng thật khó khả thi. Liệu có khả thi không khi đường vẫn tắc trong khi xe vẫn nhập, vẫn lắp ráp, những khu nhà cao tầng vẫn tiếp tục chất lên trong nội đô? Vỉa hè, lòng đường có chỗ vẫn “được” lấy làm nơi trông giữ xe…?

Biện pháp lâu dài là giữ nguyên thành phố, không cần mở đường với giá “đắt nhất hành tinh” do đền bù giải tỏa. Chỉ cần di dời trường đại học, trường dạy nghề, một số bệnh viện, một số công sở ra ngoại thành. Lúc đó chắc chả cần cấm xe máy, rất nhiều người cũng sẽ đi xe buýt. Biện pháp trước mắt thiết nghĩ nên kiên quyết trả lại lòng đường cho phương tiện tham gia giao thông, trả vỉa hè cho người đi bộ và nghiên cứu toàn diện một cách khoa học những giao cắt đường đô thị, tập trung tìm biện pháp  giải quyết những điểm xung đột giao thông…
LÊ QUÝ

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH