Hà Nội

Nhiệt miệng và thuốc chữa

10-12-2013 08:26 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Tôi hay bị nhiệt miệng, đặc biệt là vào mùa đông. Nhiều khi có tới 3 - 4 nốt loét trong niêm mạc miệng, lưỡi và môi nên việc ăn uống của tôi rất khổ sở.

Tôi hay bị nhiệt miệng, đặc biệt là vào mùa đông. Nhiều khi có tới 3 - 4 nốt loét trong niêm mạc miệng, lưỡi và môi nên việc ăn uống của tôi rất khổ sở. Bệnh lại hay tái phát khiến tôi rất mệt mỏi. Xin hỏi có loại thuốc nào để chữa bệnh này? Tôi xin cảm ơn!

Nguyễn Thị Huyền (Hà Nội)

Nhiệt miệng là một bệnh thường gặp, có khoảng 20 - 40% dân số gặp ít nhất mắc 1 lần trong đời, nhiều người có thể bị tái phát nhiều đợt. Bệnh tuy không phải là bệnh nặng, nhưng nó gây ảnh hưởng khá nhiều tới đời sống sinh hoạt của người bệnh bởi nó khiến bệnh nhân ăn không ngon và giao tiếp cũng bị hạn chế do đau.


	Hình ảnh nhiệt miệng.

Hình ảnh nhiệt miệng.

Về điều trị, dù không có loại thuốc nào chữa khỏi hẳn bệnh này nhưng việc điều trị vẫn có thể giúp giảm bớt triệu chứng, giảm khả năng tái phát và kéo dài thời gian không bị bệnh. Có thể sử dụng một số thuốc sau đây:

Nitrate bạc bôi trực tiếp lên tổn thương có thể làm giảm đau ngay sau khi bôi và lành thương tổn trong vòng 3 - 5 ngày. Thuốc có thể gây cảm giác nóng miệng sau khi bôi nhưng lại làm mất đau hoàn toàn sau vài giờ.

Debacterol có tác dụng tương tự nitrate bạc, cảm giác đau hầu như giảm ngay và vết thương sẽ lành sau 3 - 5 ngày. Tuy nhiên, thuốc phải được bác sĩ chỉ định sau khi dùng một số thuốc thông thường khác mà bệnh không đỡ.

Kem bôi có chứa triamcinolone acetonide được dùng ngày 3 lần, tốt nhất là sau các bữa ăn chính và trước khi đi ngủ.

Amlexanox bôi ngày 4 lần, sau khi ăn và trước lúc ngủ. Chưa có nhiều bằng chứng về khả năng nhanh chóng làm giảm đau và lành loét của thuốc.

Dung dịch tetracyclin dùng súc miệng có thể giúp giảm đau và lành loét nhanh chóng. Tuy nhiên, thuốc không giúp ngăn ngừa tái phát. Khi dùng quá 5 ngày, thuốc có thể gây kích ứng và tạo điều kiện cho nấm phát triển.

Gel lidocain 2% bôi chỗ loét ngày 4 lần. Tránh nuốt thuốc sau khi bôi và không nên dùng quá 4 lần mỗi ngày để tránh độc tính.

Ngoài ra, có thể dùng bổ sung folic acid, sắt hoặc vitamin B12 nếu cơ thể người bệnh thiếu các chất này. Cần uống nhiều tháng để cải thiện tình trạng thiếu hụt.

Đối với một số trường hợp bệnh nặng, bác sĩ có thể xem xét đến việc dùng corticosteroid đường uống sau khi cân nhắc giữa lợi ích và tác hại. Còn một vài thuốc khác cũng được cân nhắc trong điều trị bệnh này, tuy nhiên, việc sử dụng lại phải được theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.

BS. Khanh Ngọc


Ý kiến của bạn