Nhiệt huyết và tầm nhìn chiến lược của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua lời PGS Nguyễn Trọng Phúc

23-07-2024 07:00 | Thời sự

SKĐS - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhấn mạnh, qua những vấn đề mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu đã toát lên một tầm nhìn chiến lược đối với sự phát triển của đất nước.

Nhận được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cũng như hàng triệu người dân Việt Nam, bạn bè quốc tế không khỏi tiếc thương. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm không bao giờ quên khi có thời gian từng làm việc với Tổng Bí thư.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc từng là thành viên trong Hội đồng Lý luận Trung ương và có thời gian làm việc cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi Tổng Bí thư là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý Luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng (từ tháng 11/2001 – tháng 8/2006). PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho hay, bản thân vô cùng ấn tượng với sự nhiệt huyết trong công việc của Tổng Bí thư.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhớ lại: "Ấn tượng lớn nhất của tôi là đồng chí Nguyễn Phú Trọng rất tâm huyết với công việc chung của Đảng, của đất nước. Lúc đó đồng chí vừa làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, vừa là Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phụ trách công tác tư tưởng lý luận của Đảng. Đồng chí luôn trao đổi với anh em là làm gì cũng phải toàn tâm toàn ý, đừng hời hợt, làm cho xong chuyện mà phải đi đến tận cùng của chân lý".

Nhiệt huyết và tầm nhìn chiến lược của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua lời PGS Nguyễn Trọng Phúc- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình (1/2/2018). Ảnh: TTXVN

Không chỉ thế, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc còn cảm nhận được sự lan tỏa, truyền cảm hứng của đồng chí Nguyễn Phú Trọng về công tác chuyên môn, công tác lý luận qua những phát biểu chỉ đạo tại các Hội nghị của Hội đồng Lý luận Trung ương.

"Qua những vấn đề mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra, bản thân tôi thấy toát lên một tầm nhìn chiến lược đối với sự phát triển của đất nước. Đặc biệt về nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn để làm sáng tỏ con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam. Những ý kiến của Tổng Bí thư đã được tổng kết, góp phần bổ sung vào Cương lĩnh tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.

Nhiệt huyết và tầm nhìn chiến lược của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua lời PGS Nguyễn Trọng Phúc- Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các Đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1 có buổi tiếp xúc cử tri 3 quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình (Hà Nội) trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV hồi tháng 10/2023. Ảnh: VOV

Chia sẻ thêm về con người của Tổng Bí thư, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng khẳng định: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người truyền lửa cho bản thân ông và các đồng nghiệp khác: "Tổng Bí thư là người có lý luận mang tầm chiến lược. Khi phát biểu về những vấn đề vĩ mô luôn gắn với thực tiễn cuộc sống, cắt nghĩa lý luận, soi chiếu với thực tiễn để xử lý, giải quyết các vấn đề đặt ra chứ không dừng lại ở lý luận chung chung".

Ông Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, sau này khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Chủ tịch Quốc hội, là Tổng Bí thư, qua những lần gặp gỡ, trò chuyện bản thân ông càng nhận thấy những điều trên rõ hơn.

Nhiệt huyết và tầm nhìn chiến lược của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua lời PGS Nguyễn Trọng Phúc- Ảnh 3.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc các buôn, thôn của xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, sáng 11/11/2018. Ảnh: TXVN.

Khẳng định lại một lần nữa, phong cách làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại ấn tượng sâu sắc với những người từng làm việc cũng như tiếp xúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nói: "Bản thân tôi cũng có nhiều nghiên cứu sâu về Bác Hồ và nhận thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã học tập rất nhiều phẩm chất, phong cách của Bác như làm việc khoa học, dân chủ, quyết đoán, luôn luôn quan tâm đến hiệu quả công việc. Dù Tổng Bí thư quyết đoán nhưng luôn lắng nghe cộng sự, đồng đội, đồng chí; lắng nghe cấp dưới, lắng nghe nhân dân. Tất cả phong cách, phẩm chất ấy là rất cần thiết ở một người lãnh đạo".

Để tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức Quốc tang.

Linh cữu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội.

Lễ viếng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội, bắt đầu từ 7h đến 22h ngày 25/7/2024 và từ 7h – 13h ngày 26/7/2024.

Lễ truy điệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h ngày 26/7/2024 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội.

Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, TP Hà Nội.

Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.

Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, TPHCM.

Trong 2 ngày Quốc tang (25/7/2024 và 26/7/2024), các cơ quan, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí công cộng.

Nhiều nơi trên cả nước treo cờ rủ sớm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú TrọngNhiều nơi trên cả nước treo cờ rủ sớm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

SKĐS - Theo Thông báo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra trong 2 ngày (25/7 và 26/7). Các cơ quan, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí công cộng.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn