Hà Nội

Nhiệt độ thời tiết xuống thấp, cảnh giác với nhồi máu cơ tim cấp

16-12-2020 15:25 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết:Khoa Tim mạch can thiệp bệnh viện vừa cứu sống 10 bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp .

Nhồi máu cơ tim là tình trạng khẩn cấp

2 ngày 9/12/2020 và 11/12/2020 liên tiếp 10 bệnh nhân nhồi máu cấp được đưa vào cấp cứu tại BVĐK Trung ương Cần Thơ.

Bệnh viện đã huy động cùng lúc 2 ê-kíp can thiệp mạch vành can thiệp cả 10 trường hợp nhồi máu cơ tim cấp. Ê kíp 1 do ThS.BS Trần Văn Triệu – Phó Khoa, phụ trách Khoa Tim mạch can thiệp; BS.CKI Nguyễn Huỳnh Minh Thông.

Ê kíp 2 do BS.CKI Nguyễn Văn Nhiệm, BS Dương Hoàng Mẫn. Cho đến ngày 16/12/2020 tất cả 10 bệnh nhân đều ổn định.

Các bác sĩ thực hiện can thiệp cấp cứu cho bệnh nhân

BS.CKII Phạm Thanh Phong – Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn kiêm Giám đốc Trung tâm tim mạch BVĐK Trung ương Cần Thơ cho biết: Nhồi máu cơ tim là tình trạng tắc hoàn toàn một hoặc nhiều nhánh động mạch vành - động mạch cung cấp máu nuôi tim một cách đột ngột, làm chết tế bào cơ tim.

Đây là một tình trạng khẩn cấp, người bệnh có thể tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời, những trường hợp may mắn sống sót thì nguy cơ suy tim trong tương lai cũng rất cao.

Nguyên tắc chung là tái lập dòng máu chảy trong đoạn động mạch vành bị tắc càng sớm càng tốt để cứu vãn tối đa phần cơ tim thoi thóp do thiếu máu nuôi dưỡng nằm xen lẫn với những vùng cơ tim đã chết vì hoại tử do thiếu máu.

Hình ảnh động mạch vành trước can thiệp

Nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh lý về tim gây nguy hiểm đến tính mạng, người bệnh mắc bệnh nên được điều trị càng sớm càng tốt. Kỹ thuật can thiệp mạch vành ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim có thể được coi là phương pháp hữu hiệu nhất hiện nay.

Mối liên hệ giữa nhiệt độ không khí và nhồi máu cơ tim đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu trên thế giới. Tại Anh, người ta nhận thấy cứ giảm 1oC nhiệt độ không khí sẽ làm tăng 2% nguy cơ bị nhồi máu cơ tim trong 28 ngày sau đó. Ở Canada, một trong những quốc gia lạnh nhất thế giới, các nhà khoa học đã nhận thấy giảm 10oC sẽ tăng 7% nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cấp.

Có liên quan đến nhiệt độ thời tiết?

Về mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5 mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch.

Đối với bệnh nhân có bệnh mạch vành, khi trời lạnh nhu cầu ôxy cho cơ tim tăng hơn vì thế cũng có nguy cơ xuất hiện dấu hiệu của các bệnh mạch vành như đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp...

Hình ảnh động mạch vành sau can thiệp

Có nhiều cơ chế để giải thích mối liên quan giữa trời lạnh và nhồi máu cơ tim. Trời lạnh sẽ làm tăng trị số huyết áp, dẫn đến tăng nguy cơ tim mạch.

Vào mùa lạnh, người dân cần được giữ ấm đầy đủ, đặc biệt người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành.

Cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy. Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh

Vì vậy, việc chú ý giữ gìn sức khỏe khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là khi trời lạnh, luôn được các bác sĩ khuyến cáo cho những bệnh nhân bị bệnh lí tim mạch trước đó. Người bệnh cần tuân thủ điều trị, hạn chế ra ngoài trời khi nhiệt độ quá thấp, giữ ấm đầy đủ, nhất là khi ngủ.

Đối với trẻ nhỏ mắc các bệnh tim bẩm sinh, thời tiết lạnh dễ làm bệnh tim nặng hơn, ngoài ra còn dễ khiến trẻ mắc các bệnh lý về hô hấp, như viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi.

Đối với các trẻ này, cần lưu ý giữ ấm cổ và cơ thể, quàng khăn, đeo khẩu trang và hạn chế ra ngoài trời lạnh, cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh, cần được thăm khám và điều trị tại các chuyên khoa về tim mạch

Hiện tại BVĐK Trung ương Cần Thơ trang bị 2 máy DSA (mạch số hóa xóa nền ), ê-kip can thiệp mạch vành được đào tạo chuyên sâu và triển khai can thiệp nhiều ê kíp cấp cứu cùng một lúc.

Việc cứu sống liên tục 10 bệnh nhân nhồi máu cơ tim đã khẳng định sự thuần thục và hiệu quả trong các kỹ thuật cấp cứu và can thiệp mạch vành của ê-kíp tim mạch can thiệp của bệnh viện và sự phối hợp nhiều chuyên khoa cấp cứu, hồi sức tích cực chống độc, nội tim mạch.


Phạm Phong
Ý kiến của bạn