Bình nóng lạnh là một trong những thiết bị điện không thể thiếu với nhiều gia đình, đặc biệt vào mùa đông của các tỉnh miền Bắc. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng bình nóng lạnh đúng cách. Việc sử dụng bình nóng lạnh không đúng cách gây mất an toàn và lãng phí nguồn điện. Thực tế cũng nghi nhận, trên thế giới đã xảy ra nhiều trường hợp bị giật điện, thậm chí tử vong khi tắm.
Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, nhà giáo Trần Trọng Thân - nguyên giảng viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định cho biết, bình nóng lạnh là một thiết bị điện rất cần thiết trong đời sống. Hầu hết gia đình nào cũng sử dụng thiết bị này bởi tính tiện lợi, đáp ứng nhu cầu của con người.
Bình nóng lạnh giúp tiết kiệm thời gian và công sức, tiện lợi và linh hoạt, tuy nhiên nếu sử dụng sai cách có thể gây nên những thiệt hại nặng nề về cả sức khỏe và kinh tế.
Theo thầy Thân, mỗi loại máy nước nóng lạnh thường được trang bị các chức năng khác nhau nhằm giúp tiết kiệm điện khi sử dụng. Các chức năng cần có trong các dòng máy nước nóng hiện đại như chức năng chống bỏng, chống giật, và công nghệ tiết kiệm điện.
Hệ thống chống giật có thể được tích hợp bên trong hoặc bên ngoài máy, và được kết nối với nguồn điện để tự động ngắt điện khi phát hiện rò rỉ hoặc xung điện.
"Khi lắp đặt bình nóng lạnh, cần chú ý tới dây nối tiếp đất. Đây là một bộ phận quan trọng giúp tránh rò rỉ điện từ bình và giảm nguy cơ giật điện. Trước khi sử dụng cần tắt nguồn điện để tránh việc không may bình nóng lạnh bị hở điện dẫn đến tai nạn đáng tiếc", thầy Thân hướng dẫn.
Thầy Thân cũng cho hay, không nên vặn công suất của bình nóng lạnh lên tối đa, chỉ nên để khoảng 80%. Việc vặn công suất tối đa có thể dẫn đến quá tải nguồn điện và ảnh hưởng tới nguồn nước sử dụng, rất dễ gây ra những sai lầm đáng tiếc.
Tuyệt đối không nên bật bình 24/24h vì sẽ khiến tuổi thọ của máy bị giảm và tăng lượng tiêu thụ điện. Khi cần mới bật sẽ hạn chế được nhiệt tổn thất qua vỏ bình.
Nên lắp bình ngay phía trên lavabo, không để đường ống nước nóng quá dài. Như vậy có thể dễ dàng điều chỉnh bộ ổn nhiệt và tiết kiệm tối đa nước nóng chờ khi rửa thường xuyên ở lavabo.
Nếu thấy bình rò rỉ nước, rò rỉ điện hoặc bị han gỉ phải dừng hoạt động ngay, sau đó gọi thợ bảo dưỡng sửa chữa thay thế kịp thời. Không tiếp tục sử dụng để tránh nguy cơ giật điện.
Ngoài ra, để tiết kiệm điện nên lắp bình nước nóng có dung tích phù hợp với từng gia đình. Gia đình có 2 người chỉ cần lắp bình nước nóng 15 lít, 4 người thì 30 lít… nhà đông người nên chọn loại bình có dung tích lớn hơn một chút so với tính toán.
"Còn một vấn đề mà nhiều gia đình thường bỏ qua, đó chính là việc bảo trì định kỳ bình nóng lạnh. Cần kiểm soát và bảo trì các bộ phận của bình để tránh hỏng sau thời gian sử dụng. Các phần bị hỏng có thể dẫn đến giảm hiệu suất hoạt động, hao mòn nhanh chóng và có thể gây nguy hiểm như hỏa hoạn, cháy nổ, điện giật…", thầy Trần Trọng Thân hướng dẫn.
Mời bạn đọc xem tiếp video: Cứu sống nam thanh niên bị điện giật khi đang câu cá, ngừng tim suốt 3 giờ đồng hồ.
Cứu sống nam thanh niên bị điện giật khi đang câu cá, ngừng tim suốt 3 giờ đồng hồ.