Nắng nóng là một cụm từ gần gũi, đơn giản, chỉ trạng thái của điều kiện khí hậu thời tiết. Thuật ngữ đầy đủ của nó là điều kiện khí hậu nóng hoặc chính xác hơn là điều kiện vi khí hậu nóng.
Nhắc tới điều kiện vi khí hậu nóng, người ta ám chỉ nhiệt độ môi trường. Nóng tức là nhiệt độ môi trường cao, lạnh tức là nhiệt độ môi trường thấp. Nhưng thế nào là cao, thế nào là thấp? Để có được khái niệm này, người ta đi từ nhiệt độ tối thuận cho cơ thể.
Qua nghiên cứu, người ta thấy, nhiệt độ môi trường tối thuận cho cơ thể làm việc là 20 - 250C. Khi đó, cơ thể cảm thấy thoải mái, lao động dễ chịu, hoạt động tối ưu mà không thấy hoặc có rất ít các rối loạn xảy ra. Khi nhiệt độ môi trường cao hơn 250C thì nhiệt độ môi trường đó bắt đầu rơi vào điều kiện thiếu chuẩn. Tuy nhiên, nó vẫn chưa gây ra cảm giác nóng bức.
Theo cách thức cơ thể thải nhiệt, một trong các biện pháp là phát xạ bức xạ nhiệt. Bức xạ nhiệt được phát xạ từ bất kỳ một cơ thể sống nào, trong đó có con người, phát ra ngoài môi trường, mang theo nó nhiệt năng. Phát xạ bức xạ nhiệt càng nhiều thì mức độ thải nhiệt càng tốt. Theo các con số đo đạc được trên da thì nhiệt độ trung bình da ước chừng khoảng 330C. Tức là nếu như nhiệt độ môi trường từ 330C trở xuống thì cơ thể còn có khả năng thải nhiệt ra ngoài theo con đường bức xạ, người ta không thấy có cảm giác nóng bức. Nhưng nếu nhiệt độ môi trường từ 330C trở lên, tính theo con số chẵn, từ 340C đến trên 400C thì khi đó, khả năng thải nhiệt theo con đường bức xạ bị bất hoạt, trái lại, cơ thể sẽ tiếp nhận thêm nhiệt độ từ môi trường. Lúc này chính thức được gọi là điều kiện vi khí hậu nóng. Lẽ tất nhiên, có nhiều loại nhiệt độ môi trường, nhưng chúng ta chỉ cần biết con số nhiệt độ thông thường là đủ.
Vậy là đã rõ, khi chúng ta nghe bản tin dự báo thời tiết của đài truyền hình, đài tiếng nói Việt Nam hoặc của cơ quan khí tượng thủy văn, thông báo nhiệt độ môi trường từ 340C trở lên thì hôm đó sẽ nóng. Chúng ta cần lưu ý, khi thông báo nhiệt độ môi trường, các cơ quan dự báo thời tiết thường thông báo 2 con số, nhiệt độ môi trường thấp nhất (về đêm) và nhiệt độ môi trường cao nhất (về trưa chiều). Chúng ta cần lưu ý con số cao nhất để dự đoán trước được sức nóng có thể phải chịu, mà về khoa học người ta gọi là gánh nặng nhiệt.
Khi nói tới điều kiện vi khí hậu, người ta phải đề cập đến 4 yếu tố quan trọng, chứ không chỉ đơn thuần là nhiệt độ môi trường. Bốn yếu tố đó là: nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió và bức xạ nhiệt. Bốn yếu tố này có tác động qua lại chặt chẽ, tương hỗ với nhau theo chiều hướng cùng làm tăng độ khó chịu của môi trường hoặc cùng làm giảm mức khắc nghiệt của môi trường. Trong bốn yếu tố này, nóng và ẩm hay song hành với nhau và đều làm tăng mức gánh nặng nhiệt cho cơ thể. Mối tương quan hết sức phức tạp, ví dụ như mỗi 10% độ ẩm tăng lên thì tương đương với tăng 1 độ C. Ở đây chúng ta chỉ đề cập tới vấn đề cơ bản: nhiệt độ môi trường càng cao, độ ẩm càng lớn thì gánh nặng nhiệt càng tai hại. Thật không may, nước chúng ta lại ở trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm, mưa nhiều, nên dù muốn hay không chúng ta đều phải gánh chịu hậu quả từ tác động kép nóng và ẩm này.
Khi hoạt động dưới nắng nóng , thân nhiệt sẽ tăng lên. Người ta gọi trạng thái đó là trạng thái tăng thân nhiệt. Tùy vào mức độ tăng thân nhiệt đến thế nào mà hội chứng bệnh lý xuất hiện khác nhau.
BS. PHÚC HƯNG (Học viện Quân y)
Mời xem tiếp bài 2: Cơ thể chịu nóng được đến đâu? ra ngày 23/7/2015