Nhiếp ảnh - Những cơn sốt kỳ quái, những kỹ nghệ tân kỳ

26-05-2011 11:14 | Văn hóa – Giải trí
google news

Trước những công nghệ mới và những cơn sốt chụp ảnh quái dị liên tục thay nhau lây lan trên mạng, nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam vẫn tiếp tục thành công với kỹ thuật truyền thống và những ý tưởng nhân văn truyền thống.

Trước những công nghệ mới và những cơn sốt chụp ảnh quái dị liên tục thay nhau lây lan trên mạng, nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam vẫn tiếp tục thành công với kỹ thuật truyền thống và những ý tưởng nhân văn truyền thống. Một số kỹ thuật hiện đại được các nghệ sĩ Việt Nam áp dụng tạo hiệu quả đặc biệt đã tạo nên một cảm hứng mới và một viễn cảnh mới cho sự cách tân nghệ thuật của nhiếp ảnh nước nhà.

Những cơn sốt chụp ảnh kỳ dị

Đời sống nhiếp ảnh thế giới hiện nay đang liên tục tạo ra những kiểu ảnh có sức lây lan, trở thành mốt toàn cầu thông qua mạng internet, như các cơn sốt chụp ảnh người bay, người bị vấp, người sắp nhảy, người giả cột điện, người nằm sấp trên đường, trên mái nhà, trên lưng thú vật và người đứng làm điệu bộ rót trà... Một cơn sốt mới có thể xuất phát từ ý tưởng muốn tạo các bức ảnh trái ngược với cơn sốt đang lây lan. Như cơn sốt chụp ảnh người nằm sấp được một người New Zealand là Paul Carran “phát minh” ra từ năm 2008 để thay thế mốt ảnh bay do cô gái người Tokyo Natsumi Hayashi sáng tạo ra. Hầu hết những cơn sốt chụp ảnh quái dị kiểu này đều đóng băng một tư thế vận động nào đó của con người, rồi thả trên mạng cho lây lan như một thứ mốt chơi của nhiếp ảnh nghiệp dư, ít mang tính nghệ thuật. Nhưng những bức ảnh ấn tượng chụp với kỹ thuật cao cũng có thể tạo ra cảm giác về thân phận bơ vơ đơn độc của con người trong không gian đô thị trống vắng, như thể họ đang lầm lụi cô đơn trong khát vọng bay lên, hay bị bỏ rơi, bị thờ ơ khi vấp ngã, bị biến dạng chết cứng trong một tư thế đơn điệu như rót trà, hay bị đồ vật hóa đứng như cột điện vô hồn trong không gian.

 Mốt chụp ảnh người nằm sấp lan truyền qua mạng.

 Những kỹ thuật tạo hiệu ứng đặc biệt

Kỹ thuật nhiếp ảnh cũng phát triển các tính năng hỗ trợ để người chụp tạo ra những chuỗi hình ảnh liên tiếp kể về một hành vi hay một không gian rộng lớn. Như công nghệ gương trong cho phép các máy ảnh có tốc độ chụp liên tiếp tới 10 khung hình/giây. Công nghệ này chụp ảnh 3 chiều màn ảnh rộng (3D panorama) giúp người chụp lia máy chụp ảnh toàn cảnh, máy sẽ tự động nối các ảnh vào nhau để tạo một ảnh toàn cảnh lớn ôm trùm cả một thành phố với hình ảnh có độ sâu thực thụ.

Và để phục vụ nhu cầu ghi hình động, người ta cũng đã tạo ra những máy ảnh du lịch nhỏ gọn có khả năng quay video độ phân giải rất cao, thậm chí có thể dùng để quay những bộ phim truyền hình có chất lượng cao hơn cả hình ảnh quay trên băng Betaccam, có hiệu ứng bất ngờ và ấn tượng gần với hình ảnh phim nhựa quay bằng máy quay phim Red-one, một máy quay cao cấp nhất mà Holywood thường sử dụng để quay các phim bom tấn. Đạo diễn Mỹ Greg Yaitanes đã tiết lộ rằng đoạn cuối của series phim truyền hình House của ông được quay hoàn toàn bằng một chiếc máy ảnh. Đó chính là Canon 5D Mark II.

Nhiếp ảnh Việt trước ngưỡng cửa đổi mới

Với những chiếc máy ảnh truyền thống, các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam vẫn tiếp tục giành giải thưởng cao trong các cuộc thi ảnh quốc tế lớn. Trong 2 năm (từ 3/2009 đến 3/2011), nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Văn, phóng viên báo Lao Động đã đoạt 29 giải ảnh quốc tế, là tác giả Việt Nam duy nhất đoạt giải trong  một số cuộc thi uy tín như Px3 (Paris, Pháp), Master Cup (Anh), IPA (Mỹ)… trong đó có giải nhất (First prize) của Giải thưởng Liên hoan nhiếp ảnh toàn cầu - Anh. Nhờ những ý tưởng độc đáo, táo bạo, những bức ảnh chụp bằng kỹ thuật truyền thống của Việt Văn đã vượt lên hàng trăm ngàn bức ảnh từ hàng trăm nước gửi dự thi, trong đó có rất nhiều bức ảnh sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất.

Việc áp dụng các công nghệ mới vào sáng tác trong giới chụp ảnh chuyên nghiệp Việt Nam hầu như rất ít ỏi. Nổi bật nhất là việc nghệ sĩ Dương Vi Khoa cùng cộng sự Nguyễn Huy Trung Dũng đã ghép 1.000 tấm hình chụp từ trên cao trong 2 tiếng đồng hồ bằng kỹ nghệ chụp ảnh 3 chiều màn ảnh rộng để tạo ra một bức ảnh toàn cảnh Hà Nội hiện lên rõ nét và rực rỡ, rõ đến từng chi tiết của thành phố, khi phóng to, người xem còn có thể thấy được cả biển số xe trên đường. Nếu in ở độ phân giải 72 dpi, bức ảnh này sẽ có diện tích khoảng 780m2.

Tháng 4/2011, nghệ sĩ thị giác Nguyễn Quang Tuyến, một Việt kiều Mỹ, đã gây sửng sốt cho người xem khi tổ chức triển lãm hình ảnh về nước tại Trung tâm triển lãm Viêt Art 42 Yết Kiêu. Các hình ảnh chụp cận cảnh nước  và  video clip nghệ thuật quay dòng nước trong bằng máy ảnh kỹ thuật số đã hiện lên như những hình ảnh trừu tượng thật tinh khiết, long lanh, mạnh mẽ và ấn tượng. Không ai có thể nghĩ rằng nhân vật kỳ ảo dữ dội trong các hình ảnh đó chỉ là nước trong và ánh sáng, chụp trực tiếp không hề qua xử lý photoshop.  

 Diệu Yến


Ý kiến của bạn