Hà Nội

Nhiếp ảnh gia Việt Văn: Chụp ảnh bằng trái tim và cả cái đầu

16-07-2016 14:59 | Xã hội
google news

SKĐS - Cho đến nay, Việt Văn (Báo Lao động) vẫn là nhà báo giữ kỷ lục về số các giải thưởng ảnh quốc tế và là nhiếp ảnh gia có trong tay nhiều nhất các giải thưởng quốc tế danh giá.

Cho đến nay, Việt Văn (Báo Lao động) vẫn là nhà báo giữ kỷ lục về số các giải thưởng ảnh quốc tế và là nhiếp ảnh gia có trong tay nhiều nhất các giải thưởng quốc tế danh giá. Với những tác phẩm mang tính triết học, tính thông tin và tính nghệ thuật, những năm gần đây, liên tục thấy tên anh được xướng lên trong các giải thưởng do các chuyên gia (nhiếp ảnh gia, curator - giám tuyển, nhà phê bình...) tên tuổi của thế giới “cầm cân nẩy mực”. Cái tên Việt Văn ít nhiều đã trở thành một niềm tự hào của báo giới, khi thể hiện của tài năng và niềm đam mê với nhiếp ảnh. Cuộc trò chuyện với Việt Văn hy vọng sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều hơn những câu chuyện về anh.

Nhà nhiếp ảnh Việt Văn.

PV: Sở hữu một bộ sưu tập giải thưởng quốc tế đáng tự hào, anh khiến tôi hình dung về một người có năng khiếu trời cho từ rất nhỏ?

Việt Văn: Tôi bắt đầu chụp ảnh vào khoảng 1998-1999, và đến năm 2000, tôi tham dự cuộc thi đầu tiên của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Với bức ảnh Niềm tin chiến thắng, tôi đã giành giải Ba. Cũng năm đó, bức ảnh Chung một niềm tin của tôi thắng giải châu Á - Thái Bình Dương (ACCU). Đến năm 2005, tôi “liều” tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên “Hai giờ và một ngày”, do Viện Goethe tài trợ. Đến lúc này tôi mới bắt đầu được “biết đến”.

PV: Nhưng chỉ một năm sau, cái tên Việt Văn đã nổi như cồn từ “Đạo và đời” - triển lãm ảnh đầu tiên ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc sống của các nhà sư và cũng là triển lãm đương đại có tính sắp đặt, mang đậm màu sắc tôn giáo. Anh hẳn còn nhớ về ký ức này?

Việt Văn: Tôi nhớ triển lãm có rất đông nhà sư đến thưởng ngoạn, trong đó có nhà sư Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương và ông xúc động đánh giá cao ý tưởng và cách thức thể hiện của triển lãm khi viết vào sổ cảm tưởng. Vì muốn có một không gian triển lãm tạo cho người xem cảm giác như đang vào một ngôi chùa, nên tôi có kết hợp sắp đặt một chút với những bức ảnh được đính trên nền vải màu vàng (áo cà sa), tên từng bộ ảnh (Vô lượng nghĩa, Cõi nhân gian, Thiền môn, Tập đế...) là chữ nâu, bên những bông hoa sen và lá bồ đề, cùng tiếng kinh kệ phát trong phòng... Riêng bộ ảnh mang tên Bất diệt là những bức ảnh về bảo tháp, tôi thuê một họa sĩ làm những mô hình bảo tháp bằng bìa và đính ảnh lên trên đó, để tạo sự mới mẻ cho người xem.Và triển lãm được công chúng cùng truyền thông đón nhận nhiệt thành... Năm 2008, “Đạo và đời” phần hai được triển lãm ở Huế trong khuôn khổ Festival Huế và nằm ngay ở Trung tâm Phật giáo (Liễu quán). Các nhà sư ở Huế vốn rất kỹ tính nhưng rất mừng là họ thừa nhận bộ ảnh thể hiện được tinh thần giáo lý nhà Phật. Kết thúc triển lãm, tôi tặng lại bộ ảnh cho trung tâm để họ giữ treo trong thư viện Phật giáo.

PV: Thật ngạc nhiên khi niềm đam mê của anh trải ra ở những đề tài có vẻ rất đối lập nhau. Anh có phải phân thân khi vừa thể hiện những bức ảnh nghiêm túc về tôn giáo, chính trị, vừa phá cách với những bức ảnh sex?

Việt Văn: 3 chủ đề chính tôi theo đuổi là tôn giáo, chính trị và sex. Nhưng tôi không thấy có gì là đối lập nhau, mà ngược lại, 3 đề tài bổ trợ nhau, cho phép tôi thực hiện nhiều dự án cùng một lúc và không bị đơn điệu trong thể hiện.

Tôn giáo có vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc sống ngày nay. Sức hấp dẫn của tôn giáo nằm ở niềm tin, hướng về cái thiện. Tôi đã chụp rất nhiều bức ảnh về cuộc sống các nhà sư, khi họ có hành vi đạo trong không gian đời và hành vi đời trong không gian đạo. Về chính trị, bộ ảnh Tướng trận thời bình nói về những số phận của vị tướng trong đời thường sau khi trở về từ cuộc chiến. Nhiều câu chuyện các vị tướng kể làm tôi xúc động về tình đồng đội, về những ám ảnh chiến tranh, và tôi cố gắng thể hiện những bức ảnh vừa là một cá nhân - con người cụ thể, vừa mang tính biểu tượng của một thế hệ. Bàn tay màu thuốc súng, tấm huân chương mờ ảo sau chiếc kính lúp, một góc nhìn từ dưới lên tạo cho vị tướng như một tượng đài, hay một cắt cúp táo bạo chỉ thấy dáng hình vị tướng bên nghĩa trang...

Mảng đề tài về sex, tôi chú ý đến những chi tiết gợi lên cảm xúc về ký ức, về tình yêu về cảm giác của sự tồn tại... và cả sự nhận biết nhân dạng của mỗi cá nhân ở một thời điểm cụ thể. Sex chỉ là cái vỏ để nói về bên trong của con người. Có những  bức ảnh sex của tôi hơi trừu tượng... Tôi không chú trọng mẫu đẹp về số đo, mà đẹp về hình khối dù có thể khắc khổ. Một bờ lưng vững chãi như một trái núi lại diễn tả sự cô đơn, khát vọng về tình yêu. Một mái tóc dài tung bay trên đồi cát, một gương mặt nhìn từ dưới lên... có khi là những ký ức rõ nét nhất trong cuộc đời mỗi người khi đắm chìm trong sex...

Một tác phẩm ghi lại khoảnh khắc đời thường của các nhà sư.

PV: Ở những mảng đề tài khác biệt như nước với lửa như thế, đòi hỏi những cảm xúc hoàn toàn trái ngược nhau, anh đều khẳng định được mình bằng các giải thưởng quốc tế danh giá. Tại sao vậy?

Việt Văn: Có lẽ vì những tác phẩm của tôi đã kết nối được với người xem bằng cảm xúc thật, bằng một ý tứ nào đó vượt ra ngoài tính thẩm mỹ thuần túy hay câu chuyện quá cá nhân. Tham dự nhiều giải thưởng quốc tế, tôi hiểu rằng, tác phẩm phải mang tính khái quát, về cách cảm cách nghĩ, mới chạm tới số đông công chúng quốc tế, còn nếu chỉ là những vấn đề riêng của Việt Nam sẽ không tới được. Về tôn giáo, đạo Phật có nhiều nhánh nhưng đều hướng về cội nguồn chung. Những bức ảnh về tôn giáo là những cá nhân, nhưng lại đại diện cho một niềm tin. Hay bộ ảnh về tướng trận, trong chiến tranh, các vị tướng rất oai phong, lẫy lừng, nhưng trong đời thường, họ cũng như mọi người, có một đời sống tình cảm sâu nặng. Khi chiến tranh kết thúc, hầu như các vị tướng trận, đều có những suy tư và ám ảnh về chiến tranh. Ám ảnh về tình đồng đội, ám ảnh vì mình đã may mắn và hạnh phúc trở về trong khi rất nhiều người đã hy sinh. Nỗi ám ảnh về chiến tranh là tâm lý chung của các vị tướng trận, không riêng ở Việt Nam...

PV: Bộ ảnh Tướng thời bình của anh rất ấn tượng với nhiều sắc thái về các vị tướng và đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế. Anh mất bao lâu cho bộ ảnh này và những khó khăn nào anh đã gặp phải khi thực hiện bộ ảnh?

Việt Văn: Năm 2009, sau khi chụp ảnh cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi chợt nảy ra ý nghĩ là tại sao mình không làm một bộ ảnh về cuộc sống đời thường của những vị tướng trận. Thế là tôi bắt tay vào thực hiện với tiêu chí nhân vật phải là các vị tướng trực tiếp tham gia trận mạc, có nhiều đóng góp, không có scandal và thuộc nhiều binh chủng khác nhau của quân đội. Với bộ ảnh này tôi đã được tiếp cận nhiều vị tướng lừng danh như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, các Trung tướng Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Đức Soát, Phạm Xuân Thệ, Nguyễn Quốc Thước, các Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Đức Huy... Cuối 2009, tôi đã có một triển lãm ảnh về 6 vị tướng và năm 2014 là triển lãm 12 vị tướng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện bộ ảnh, tôi cũng gặp không ít khó khăn. Có vị tướng từ chối vì không thích xuất hiện trước công chúng, có vị tướng nghĩ việc chụp ảnh rất đơn giản, chỉ 30 phút là xong; có vị tướng khi tôi đang thực hiện dở thì bị bệnh nên đành phải bỏ. Và hầu hết các vị tướng không thích chụp những bức ảnh đời thường, mà đều thích sự chỉn chu, nghiêm trang với quân phục chỉnh tề.

Tôi phải mất rất nhiều thời gian để tiếp cận các vị tướng và chỉ khi có sự đồng cảm và cùng hợp tác của các vị tướng, tôi mới có được những bức ảnh tốt. Bộ ảnh tả được quá khứ chiến trận đã trở thành một phần cuộc sống của các vị tướng, khi quá khứ và hiện tại đan xen, in hằn trong cách nghĩ, cách cư xử và thậm chí trong cả cách sinh hoạt như gấp chăn màn cũng theo điều lệ quân ngũ.

PV: Những thành công hẳn cũng để lại cho anh nhiều kinh nghiệm làm nghề?

Việt Văn: Hãy lắng nghe tiếng nói bên trong của chính mình, chụp ảnh bằng trái tim và cả cái đầu. Đừng bao giờ coi trọng bức ảnh của mình hơn nhân vật. Đừng quá quan trọng hóa công việc của mình. Xét đến cùng, nghệ thuật phải đem lại cho mình niềm vui, nếu thấy mệt mỏi thì phải tạm dừng để nạp năng lượng...

PV: Cảm ơn anh!

Nhà nhiếp ảnh Trần Việt Văn đã có 9 triển lãm cá nhân, nhiều triển lãm trong nước và quốc tế, xuất bản 4 cuốn sách, đoạt gần 60 giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế. Là nhà nhiếp ảnh Việt Nam duy nhất được Win-Initiative (New York, Mỹ) sưu tập ảnh, cũng là nhiếp ảnh gia Việt Nam duy nhất và đầu tiên 7 năm liên tiếp đoạt giải cuộc thi ảnh hàng đầu châu Âu: Px3- Paris (Pháp), 7 năm liền đoạt giải IPA (Mỹ),3 năm giải International Color Awards (Los Angeles- Mỹ), 3 năm giải nhiếp ảnh hàng năm CH Czech, 4 năm giải ảnh toàn cầu Pollux Annual Awards (Anh), 2 lần giải MIFA (Rusian, Nga), Bằng danh dự của Arts show photography (Mỹ), 3 lần vào chung kết, 2 bằng danh dự cuộc thi sáng tạo quốc tế London (LICC- Anh)...

Nhiều tác phẩm được xuất bản trong các tạp chí nhiếp ảnh uy tín như Wink Magazine (Mỹ), Art Photo Magazine (CH Czech), Dodho Magazine (Tây Ban Nha), 43mm Magazine, Eros Magazine (New Zealand), Camera Obscura Journa (Mỹ), Privatephotoreview.com (Pháp), Blur Magazine (Croatica)... Được tạp chí Actu Photo (Paris, Pháp) và Talent house (Mỹ) phỏng vấn cá nhân.

Tháng 6/2016, Việt Văn giành giải Nhất Liên hoan ảnh Photometria (Hy Lạp) với tác phẩm Phòng ngủ của tướng Huy và ngày 1/7, anh lại giành Huy chương Bạc tại cuộc thi ảnh hàng đầu châu Âu PX3 (Paris - Pháp) với bức Lễ cầu an.


Thanh Hằng (thực hiện)
Ý kiến của bạn