(SKDS) - Trong Lễ trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật vừa qua, nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành đã vinh dự đón nhận giải thưởng cao quý này từ tay Chủ tịch nước. Giải thưởng được trao cho cụm tác phẩmTừ ngục tối thắng lợi trở về của ông gồm 4 bức: Thoát khỏi ngục tù; Nghẹn ngào đón mừng các chiến sĩ thắng lợi trở về; Hạnh phúc của những người chiến thắng; Những bước đi đầu tiên trên vùng giải phóng.
![]() Ông Chu Chí Thành |
Trở lại thời kỳ 1968 đến 1969, Chu Chí Thành có hai đợt đi công tác vào vùng giới tuyến quân sự tạm thời Vĩnh Linh khoảng 500 cây số chỉ đi bằng… xe đạp. Lần đầu vào tuyến lửa, từng chết hụt vì bom rải thảm của B52 ở xã Vĩnh Thủy khi mà chỗ anh vừa đứng chụp ảnh vài phút sau đã là hố bom. Chính những ngày này, Chu Chí Thành đã có dịp được thử lửa ở vùng chiến sự ác liệt, để đến năm 1972, anh càng có dịp phát huy kinh nghiệm trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không của đợt đánh phá dã man bằng pháo đài bay B52 Mỹ vào Thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng.
![]() Thoát khỏi ngục tù. Ảnh: Chu Chí Thành |
Sau này, Chu Chí Thành phụ trách biên tập ảnh TTXVN, Ủy viên Ban chấp hành, Phó Tổng thư ký kiêm Chủ tịch hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Ủy viên Hội đồng lý luận văn học nghệ thuật Trung ương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam khóa VI nhiệm kỳ 2005 – 2009, từng được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú về những đóng góp cho Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, tước hiệu ES. VAPA và danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú danh dự của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế, tước hiệu Hon – FIAP.
Trực tiếp làm công tác quản lý, có giai đoạn kiêm Giám đốc xưởng in TTXVN, ông đã tạo thuận lợi và ưu ái cho các nhiếp ảnh gia, làm “bà đỡ” cho nhiều cuốn sách ảnh được in ra từ đây. Như bị cuốn hút vào công việc quản lý và sự vụ, mãi tận năm 2007, nhân kỷ niệm 35 năm ngày chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” và hướng tới kỷ niệm 35 năm ngày ký hiệp định Paris, nhà báo nhiếp ảnh Chu Chí Thành mới có dịp tổ chức triển lãm trên một trăm tấm ảnh được phóng và chọn lựa từ kho phim ông chụp thời chiến tranh tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam ở Hà Nội mang tên gọi “Những thời khắc không thể quên” và tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP. Hồ Chí Minh. Sau đó được xuất bản thành cuốn sách ảnh có tên gọi “Ký ức chiến tranh” có thêm chương kết “phóng viên thời chiến” in nguyên bản những lá thư của cha mẹ, người thân, bạn bè, và kể lại những kỷ niệm sâu sắc – đã đi cùng tác giả suốt mấy chục năm qua, càng làm tăng thêm độ sinh động của cuốn sách.
![]() Hạnh phúc của những người chiến thắng. Ảnh: Chu Chí Thành |
1973 là năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam được các bên tham chiến ký kết, đến nay - 2012, cũng đồng thời là tuổi của bức ảnh “Từ ngục tối thắng lợi trở về”. Vậy là sau ngót nghét trên dưới 40 năm đồng hành cùng thời gian, những bức ảnh mang nặng ký ức chiến tranh đã đi đến đích giá trị tôn vinh. Ngày 27/04/2012, Chủ tịch nước đã ký quyết định tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành về cụm tác phẩm nhiếp ảnh “Từ ngục tối thắng lợi trở về” gồm 4 bức: Thoát khỏi ngục tù; Nghẹn ngào đón mừng các chiến sĩ thắng lợi trở về; Hạnh phúc của những người chiến thắng; Những bước đi đầu tiên trên vùng giải phóng xuất sắc, có giá trị cao về văn học, nghệ thuật, ca ngợi đất nước, nhân dân, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Nguyễn Ngọc Phan