Theo thông tin mới đây của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp: trong 10 năm (từ 2003 - 2013), các cơ quan kiểm tra văn bản cả nước đã tiếp nhận, kiểm tra hơn 1,7 triệu văn bản, phát hiện hơn 50 nghìn văn bản sai trái và đã xử lý ở các mức độ khác nhau. Trong đó, Cục Kiểm tra văn bản đã tiếp nhận, kiểm tra hơn 27 nghìn văn bản, phát hiện hơn 4,8 nghìn văn bản sai trái (tức khoảng 18%) và đã xử lý. Thực tế này cho thấy cần nâng cao chất lượng soạn thảo văn bản pháp lý trong quản lý nhà nước.
Những năm gần đây, nhiều văn bản quy định pháp luật vừa ra đời đã bị hủy bỏ, gây phản ứng trong dư luận, vì tính "bất khả thi" của các văn bản này. Vì sao có nhiều văn bản như vậy được ban hành để rồi hủy bỏ, điều nguy hiểm hơn là tình trạng trên sẽ khiến cho người dân giảm niềm tin vào cơ quan công quyền và dẫn đến chuyện nhờn luật.
Gần đây nhất là quy định cấm người dân chụp ảnh CSGT khi đang làm nhiệm vụ (Văn bản số 1042/C67-P3). Quy định này bị hủy bỏ ngay sau vài ngày ban hành bởi nó quá vô lý, vì trong thời đại công nghệ thông tin đang phát triển nhanh như vũ bão này mà lại cấm người dân chụp ảnh, thật là lạ!
Tại Thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 4/7, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước 01/01/1945 sẽ thuộc đối tượng ưu tiên khi dự thi đại học.
Còn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc linh cữu người từ trần được quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không được để cửa có lắp ô kính trên nắp quan tài. Đây là việc dùng biện pháp hành chính để cấm đoán hành vi văn hóa mang tính truyền thống rất riêng tư của mỗi người, chưa kể một quy định mà khi nghe đến không thể nhịn cười, đó là cấm cô giáo mặc váy...
Nhiều quy định được ban hành thấy rõ ràng sự yếu kém trong quản lý chất lượng sản phẩm, đó là quy định: Cấm người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm giả. Vấn đề là Cảnh sát giao thông dựa vào tiêu chuẩn nào để mà nhận định đó là mũ giả, trong khi mũ giả được làm như thật, người mua không thể nào phân biệt được đâu là mũ giả.
Câu chuyện trên giống như việc người nông dân sẽ bị xử phạt nếu mua nhầm phân bón giả? Tại sao các ngành chức năng không phạt những nơi sản xuất phân bón giả để bảo vệ nhà nông mà lại "đè" người mua, người bị hại ra phạt. Thực tế thì hỏi thử người nông dân xem có ai cố tình mua phân bón giả để bón cho lúa nhà mình không?
Việc ban hành các quy định xử phạt như trên khiến cho người dân lâm vào cái thế là đã bị lừa rồi mà còn bị nộp tiền phạt nữa. Vô hình trung là người dân đã phải nộp phạt thay cho người sản xuất hàng giả và nộp thay luôn cho cơ quan quản lý thị trường để cho hàng giả bán tràn lan, đánh lừa người tiêu dùng.
Trần Lâm