Hà Nội

Nhiễm vi khuẩn H.Pylori - cần điều trị đúng để tránh kháng kháng sinh

15-11-2022 14:55 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Vi khuẩn H.Pylori đã được xác định là nguyên nhân hàng đầu gây loét dạ dày tá tràng và biến chứng ung thư dạ dày. Tình trạng kháng kháng sinh của H.Pylori ngày càng gia tăng, do đó, các nhà khoa học luôn tìm tòi những phương pháp điều trị nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.

1.Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ nhiễm vi khuẩn H.Pylori cao trên thế giới

Nhiễm khuẩn H.Pylori (Helicobacter pylori) là một trong những nhiễm khuẩn phổ biến nhất ở người, chiếm trên 50% dân số thế giới. Việt Nam là quốc gia có tần suất nhiễm H.Pylori và các bệnh do H.Pylori khá cao (trên 70% dân số), đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Hiện nay nhiễm khuẩn H.Pylori được xem là một bệnh nhiễm trùng ngay cả khi chưa gây triệu chứng và biến chứng.

Hiện có tới 80% người nhiễm vi khuẩn H.Pylori không có triệu chứng cũng như không có biến chứng; thậm chí, trong suốt cả cuộc đời của một người có nhiễm H.Pylori mà không điều trị. Tuy nhiên, có khoảng 10 - 20% có khả năng bị loét dạ dày tá tràng và 1 - 2% có khả năng bị ung thư dạ dày.

Phương pháp điều trị vi khuẩn HP mới - Ảnh 1.

Vi khuẩn H.Pylori có trong dạ dày nhưng không phải ai cũng cần điều trị.

2. Vì sao cần phải có đồng thuận mới trong điều trị vi khuẩn H.Pylori?

Không phải tất cả những người nhiễm vi khuẩn H.Pylori đều gây bệnh ở đường tiêu hóa, do đó không phải cứ nhiễm H.Pylori là cần phải điều trị. Tuy nhiên, vấn đề xét nghiệm, điều trị hiện nay diễn ra khá tràn lan, lạm dụng kháng sinh. Vì thế cần điều trị diệt H.Pylori đúng chỉ định để hạn chế tình trạng lãng phí tài chính, nguy hiểm hơn là vi khuẩn đề kháng kháng sinh chéo từ người này sang người khác, dẫn tới tình trạng khi cần điều trị diệt vi khuẩn H.Pylori thì kháng sinh không còn hiệu quả.

Năm 2012, Hội khoa học tiêu hóa Việt Nam đã có bản đồng thuận đầu tiên về xử trí nhiễm H.Pylori. Trong bảng đồng thuận này, các khuyến cáo tập trung vào việc chẩn đoán và xây dựng phác đồ điều trị H.Pylori tại các cơ sở y tế đã thực sự giúp ích cho công tác khám chữa bệnh lâm sàng.

Tại Hội nghị tiêu hóa toàn quốc năm 2022, GS.TS.Mai Hồng Bàng - GĐ Bệnh viện TWQĐ 108, Chủ tịch Hội tiêu hóa Việt Nam cho biết: Trong 10 năm qua đã có nhiều thay đổi về mặt y học chứng cứ trong lĩnh vực nghiên cứu về H.Pylori và các bệnh do vi khuẩn này gây ra. Đồng thời đã có những thay đổi rất lớn về các chiến lược điều trị nhằm đối phó với tình trạng kháng kháng sinh của H.Pylori ngày càng gia tăng nhanh chóng và phức tạp.

Vì vậy, Hội khoa học tiêu hóa Việt Nam đã cập nhật lại đồng thuận lần thứ 2, năm 2022, nhằm hướng dẫn cho công tác phòng bệnh và khám chữa bệnh. Bên cạnh việc sửa chữa và cập nhật các khuyến cáo về chẩn đoán và diệt trừ H.Pylori trước đây, đồng thuận này còn bổ sung thêm các khuyến cáo về vấn đề theo dõi sau diệt trừ H.Pylori cũng như phòng ngừa lây nhiễm và tái nhiễm H.Pylori trong cộng đồng.

Theo đó, bản cập nhật đồng thuận năm 2022, Hội khoa học tiêu hóa Việt Nam đưa ra một số khuyến cáo mới:

  • Chỉ định và lựa chọn xét nghiệm chẩn đoán.
  • Chiến lược điều trị.
  • Kiểm tra hiệu quả diệt trừ H.Pylori sau điều trị.
  • Các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm và theo dõi sau điều trị.

3. Khi nào cần xét nghiệm chẩn đoán nhiễm vi khuẩn H.Pylori?

Theo bản đồng thuận năm 2022, các khuyến cáo chỉ định và lựa chọn xét nghiệm chẩn đoán nhiễm H.Pylori chỉ nên làm khi có ý định diệt trừ vi khuẩn.

Các xét nghiệm chẩn đoán nhiễm H.Pylori được chỉ định trong các trường hợp:

  • Loét dạ dày tá tràng.
  • Tiền sử loét dạ dày tá tràng nhưng chưa từng được xét nghiệm để chẩn đoán tình trạng nhiễm H.Pylori.
  • Khó tiêu.
  • Có tổn thương tiền ung thư dạ dày trên mô bệnh học (viêm dạ dày mạn teo, dị sản ruột hoặc loạn sản dạ dày).
  • Sau can thiệp nội soi điều trị ung thư dạ dày sớm.
  • MALT lymphoma độ thấp.
  • Có cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị ung thư dạ dày.
  • Mới bắt đầu sử dụng và dự kiến điều trị lâu dài với các thuốc thuộc nhóm kháng viêm không steroid.
  • Cần điều trị aspirin liều thấp lâu dài.
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản cần điều trị duy trì kéo dài bằng nhóm thuốc ức chế bơm proton.
  • Thiếu máu thiếu sắt không giải thích được nguyên nhân.
  • Ban xuất huyết tiểu cầu vô căn.
  • Bệnh nhân mong muốn được điều trị nhưng không thuộc các nhóm chỉ định kể trên, dù đã được bác sĩ tư vấn kỹ là việc diệt trừ H.Pylori chưa thực sự cần thiết.

4. Điều trị diệt trừ H.Pylori bằng thuốc như thế nào?

Vào những năm 1990-2000, vi khuẩn H.Pylori rất nhạy cảm với kháng sinh nên dễ tiêu diệt, chỉ 2 trong 3 kháng sinh: Amocixillin, clarithromycin và metronidazol có thể cho hiệu quả diệt trên 90% thậm chí là > 95% với 7 ngày điều trị.

Nhưng hiện nay tình hình kháng kháng sinh tại Việt Nam rất cao: Amocixillin 24,9%, clarithromycin 34,1% (có nghiên cứu là 85,5%), metronidazole 69,4% (có nghiên cứu là 95,5%), levofloxacin 27,9%, tetraxycline 17,9%; đồng thời kháng nhiều loại kháng sinh trung bình là 47,4%. Do đó việc điều trị diệt H.Pylori đang trở nên khó khăn. Vì vậy, cần có chỉ định đúng, cân nhắc kỹ, đúng chỉ định. Nghĩa là chỉ diệt H.Pylori khi cần thiết và không nên lạm dụng.

Vì thế, theo bản đồng thuận năm 2022, một phác đồ diệt trừ vi khuẩn H.Pylori được đánh giá là có hiệu quả và được khuyến cáo chỉ khi đạt tỉ lệ diệt trừ thành công tối thiểu là 80%. Theo đó cần lưu ý các vấn đề:

- Tình trạng kháng clarithromycin và metronidazole nguyên phát rất cao. Kháng amoxicillin và levofloxacin nguyên phát đang có chiều hướng gia tăng. Kháng tetracycline ở mức thấp và ổn định.

- Thời gian tối ưu sử dụng thuốc diệt trừ H.Pylori của tất cả các phác đồ là 14 ngày, không sử dụng thuốc ngắn hơn 10 ngày.

- Bệnh nhân không tuân thủ điều trị là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến diệt trừ H.Pylori thất bại. Do đó bác sĩ cần dành thời gian tư vấn cũng như giải thích kỹ về cách sử dụng thuốc, các tác dụng phụ của thuốc… Từ đó có thể giúp tăng tỉ lệ tuân thủ điều trị và diệt trừ vi khuẩn H.Pylori thành công.

- Bệnh nhân không hút thuốc lá và không uống rượu bia trong thời gian điều trị vi khuẩn H.Pylori để tránh làm giảm hiệu quả của phác đồ.

- Sử dụng thuốc ức chế bài tiết acid tốt là một trong các yếu tố then chốt quyết định hiệu quả của phác đồ điều trị vi khuẩn H.Pylori.

Các phác đồ sử dụng thuốc cụ thể lần đầu như sau:

- Ưu tiên hàng đầu là sử dụng thuốc ức chế bơm proton (PPI) + tetracycline + metronidazole + bismuth (PTMB).

- Phác đồ thay thế, có thể sử dụng: PPI + amoxicillin + levofloxacin + bismuth (PALB)

Lưu ý, không sử dụng phác đồ bộ 3 thuốc chứa clarithromycin, do tỉ lệ điều trị thất bại cao và làm gia tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh.

Phương pháp điều trị vi khuẩn HP mới - Ảnh 3.

Cần đề phòng lây nhiễm vi khuẩn HP qua đường ăn uống trong gia đình.

Đến nay, điều trị vi khuẩn H.Pylori vẫn là vấn đề phức tạp và có thể thất bại ở lần đầu, cần điều trị tiếp lần 2. Phác đồ điều trị lần 2 bác sĩ chuyên khoa nội tiêu hóa sẽ cân nhắc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bản đồng thuận mới.

Khi bệnh nhân đã tuân thủ dùng thuốc tốt với phác đồ diệt H.Pylori thích hợp nhưng vẫn không diệt trừ thành công, nên tạm dừng điều trị một thời gian. Đồng thời bác sĩ cần tư vấn kỹ cho bệnh nhân về lợi ích, nguy cơ và kế hoạch theo dõi phù hợp cho đến khi có phác đồ diệt trừ H.Pylori mới và hiệu quả.

Đối với bệnh nhân đã diệt trừ thành công H.Pylori, vẫn cần làm xét nghiệm kiểm tra định kỳ. Do vi khuẩn H.Pylori có khả năng lây truyền từ người sang người, đặc biệt là giữa các thành viên trong gia đình, nên cần hướng dẫn các biện pháp ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.

Mời độc giả xem thêm video:

Bộ Y tế cảnh báo dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát vào tháng 11,12 | SKĐS

Thu Hà
Ý kiến của bạn