Nhiều cha mẹ bàng hoàng khi con mình nhỏ tuổi cũng nhiễm HP. Vậy, người nhiễm HP có cần phải điều trị ngay không?
Người nhà nhiễm vi khuẩn HP, trẻ em dễ bị lây bệnh
Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa khảo sát 258 gia đình với 696 nhân khẩu từ tháng 10/2017 đến tháng 8/2018 cho thấy trong đó mỗi gia đình có ít nhất một người bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) gây bệnh dạ dày hoặc đến bệnh viện khám các bệnh liên quan đường tiêu hóa. Kết quả được công bố hôm 26/5 cho thấy khi trong nhà có người nhiễm HP thì đến 87% thành viên gia đình bị lây nhiễm. Các chuyên gia cho rằng trẻ em có nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP, đặc biệt trong gia đình có người thân mắc HP. Nguyên nhân là thói quen sinh hoạt chung, dùng chung chén, đũa bát, bàn chải đánh răng trong gia đình, mẹ mớm thức ăn bón cho con, công tác vệ sinh và tầm soát bệnh chưa được chú trọng.
Hình ảnh minh họa về vi khuẩn HP gây bệnh cho dạ dày như thế nào.
Xét nghiệm vi khuẩn HP dương tính có nguy hiểm không?
Vi khuẩn HP là vi khuẩn sống trong lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Để làm suy yếu lớp nhầy bảo vệ dạ dày, vi khuẩn HP đã tiết ra chất kích thích dạ dày sản sinh nhiều axit hơn, đồng thời tạo nên một số độc tố làm tổn thương các tế bào nằm bên dưới lớp nhầy. Sự tác động này khiến cho niêm mạc dạ dày dễ dàng bị ăn mòn bởi chất acid có trong dịch tiêu hóa của dạ dày, từ đó gây ra tình trạng viêm loét dạ dày - tá tràng.
Vi khuẩn HP là một yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư dạ dày. Còn việc nhiễm vi khuẩn HP sẽ chuyển sang ung thư dạ dày hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như cơ địa của từng người, chế độ ăn uống và độc tính của vi khuẩn. Cũng giống như việc hút thuốc và uống rượu sẽ làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, đặc biệt đối với các ung thư phần trên dạ dày gần thực quản. Theo các số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ ung thư dạ dày tăng gấp đôi ở người hút thuốc lá, tỷ lệ này cũng tăng rõ rệt ở những người trên 50 tuổi.
Vi khuẩn HP được Tổ chức Ung thư Quốc tế xem như là thủ phạm số một gây ra ung thư dạ dày và khuyến cáo rằng không bị nhiễm HP sẽ làm giảm ung thư dạ dày. Cần phải khẳng định rằng vi khuẩn HP là một trong các nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày, chứ không phải cứ có vi khuẩn HP là bị ung thư dạ dày.
Triệu chứng khi nhiễm vi khuẩn HP như thế nào?
Đa số những người bị nhiễm vi khuẩn HP thường không có bất kỳ biểu hiện triệu chứng nào. Chỉ có khoảng 15% tiến triển thành loét dạ dày tá tràng, ung thư. Nhưng trong bệnh loét dạ dày tá tràng có tới 60-95% trường hợp nhiễm HP và trong ung thư có tới 80% bị nhiễm. Thông thường, bệnh nhân phát hiện ra vi khuẩn này khi đi khám, xét nghiệm các bệnh về dạ dày, tá tràng. Tuy nhiên, sau một thời gian xâm nhập và cư trú tại vùng dạ dày, HP có thể làm tổn thương các lớp nhầy giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày. Chính vì vậy, lượng acid trong lòng dạ dày sẽ tấn công và ăn mòn tạo ra vết loét trên thành dạ dày. Nếu vết loét tiến triển nặng, có thể bệnh nhân bị ăn thủng hết thành dạ dày. Bên cạnh đó, theo nhiều nghiên cứu cho thấy, có ít nhất 90% các ca bệnh ung thư dạ dày liên quan tới nhiễm khuẩn HP. Tuy nhiên, nếu tình cờ phát hiện mình bị nhiễm HP chúng ta cũng đừng quá hoang mang mà cần phải nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ, để có hướng dẫn cụ thể.
Cách phòng ngừa vi khuẩn HP
Để phòng ngừa nhiễm vi khuẩn HP, cần vệ sinh, phòng dịch nơi sinh sống, vệ sinh nguồn nước, thực phẩm, nơi ở, rửa tay sạch sẽ khi ăn uống. Khi có dấu hiệu về bệnh dạ dày cần đến các cơ sở y tế để khám, kiểm tra vi khuẩn HP điều trị kịp thời, tránh lây nhiễm ra các thành viên trong gia đình.
Nếu trong gia đình có người mắc bệnh dạ dày do vi khuẩn HP, nên tiến hành cách ly, không dùng chung đồ ăn. Thực hiện vệ sinh các nhân bằng cách rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Những người bị bệnh viêm loét dạ dày cần: Ăn uống khoa học, không nên ăn quá no, cũng không nên để đói quá. Tập thể dục thường xuyên. Tránh căng thẳng. Ngủ đủ giấc. Tránh ăn quá nóng, quá lạnh, tránh ăn các loại đồ ăn khó tiêu hoặc quá cứng cũng như những thực phẩm có độ acid quá cao,... Tránh rượu bia.
Tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị đau dạ dày do vi khuẩn HP theo chỉ định của bác sĩ để tránh tình trạng HP kháng kháng sinh.
Không phải tất cả các trường hợp nhiễm vi khuẩn HP đều phải điều trị, việc có cần điều trị HP hay không nên để bác sĩ chuyên ngành tiêu hóa khám, tư vấn và quyết định để tránh những tốn kém không đáng có.