1.Tại sao trẻ sơ sinh dễ bị nhiễm trùng?
Nhiễm trùng sơ sinh là tình trạng nhiễm trùng ở trẻ mới sinh, từ lúc trẻ vừa chào đời cho đến khi trẻ được 28 ngày tuổi. Đây là tình trạng hay gặp ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân là do hệ thống miễn dịch của cơ thể trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh, nhất là ở trẻ sinh non.
Nguồn lây nhiễm có thể qua da, rốn, đường hô hấp, tiêu hóa… Nguồn lây bệnh cho trẻ có thể từ mẹ, người chăm sóc trẻ hay từ môi trường xung quanh trẻ.
Những bệnh lý nhiễm trùng thường gặp như: Nhiễm trùng da, nhiễm trùng rốn, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm ruột, viêm màng não…
Nguyên nhân do da trẻ sơ sinh còn mỏng, chức năng bảo vệ chưa tốt. Ngoài ra, còn do sức đề kháng trẻ sơ sinh kém, sự thiếu hiểu biết của gia đình khi chăm sóc trẻ không đúng cách, gây tổn thương cho trẻ.
2. Nguyên nhân gây nhiễm trùng sơ sinh
Có nhiều nguyên nhân gây nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh, trẻ có thể bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus trong bào thai, lúc sinh hoặc sau khi sinh. Đa số nhiễm vi khuẩn là do trẻ hít hoặc nuốt phải vi khuẩn sống trong đường sinh dục của mẹ khi đi qua trong lúc sinh. Sau đó vi khuẩn hoặc virus đi vào phổi hoặc vào máu của trẻ.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm virus. Một số loại virus như Herpes hay thủy đậu có thể gây ra bệnh nặng ở trẻ sơ sinh, nhất là ở trẻ sinh non. Virus có thể đi vào máu của trẻ sơ sinh khi trẻ còn trong bụng người mẹ bị nhiễm virus này hoặc nhiễm sau sinh nếu tiếp xúc với người mắc bệnh.
3. Cách nhận biết nhiễm trùng sơ sinh
Tùy thuộc từng loại nhiễm trùng sẽ có triệu chứng khác nhau. Thông thường trẻ có một giai đoạn ngắn quấy khóc hoặc bú kém. Tuy nhiên, nên nghi ngờ trẻ bị nhiễm trùng nếu những triệu chứng này tiếp diễn hoặc trẻ có những triệu chứng sau:
- Trẻ ngủ mê mệt hoặc quấy khóc nhiều hơn bình thường.
- Thở nhanh (trên 60 lần/phút), có rối loạn nhịp thở (thở không đều, có lúc ngưng thở...)
- Da môi nhợt nhạt, tím quanh môi.
- Sốt hoặc hạ thân nhiệt.
- Sưng mắt, mắt chảy ghèn vàng.
- Bú kém.
- Nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Khi có một trong những triệu chứng trên hoặc thấy trẻ có biểu hiện bất thường, nên đưa trẻ đi khám. Ngoài việc hỏi triệu chứng, khám lâm sàng, bác sĩ có thể cho con bạn làm các xét nghiệm máu hoặc nước tiểu; chụp Xquang; siêu âm; chọc dò tủy sống (dùng kim để lấy dịch tủy sống ở vùng thắt lưng).
4. Điều trị nhiễm trùng sơ sinh
Điều trị sẽ tùy thuộc vào tình trạng nhiễm trùng của trẻ. Đa số nhiễm trùng sơ sinh cần được điều trị bằng kháng sinh. Nếu nhiễm trùng của trẻ không quá nặng, trẻ sẽ được nằm chung với mẹ và tiêm thuốc hằng ngày. Nếu trẻ không bú được hoặc bú kém, cần phải thở oxy, trẻ sẽ được điều trị ở phòng chăm sóc sơ sinh đặc biệt ( thở oxy, truyền dịch hoặc đặt ống thông dạ dày cho ăn...).
Thời gian điều trị cũng tùy theo tình trạng bệnh của trẻ và đáp ứng với điều trị. Bác sĩ sẽ là người giải thích cho bạn về cách chăm sóc trẻ khi xuất viện và hẹn trẻ đến tái khám.
5. Làm thế nào để hạn chế bệnh lý nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh?
Trẻ cần có chế độ dinh dưỡng tốt để tăng sức đề kháng, hạn chế tiếp xúc tác nhân gây bệnh và chăm sóc, vệ sinh trẻ thật tốt là cách để hạn chế bệnh nhiễm trùng cho trẻ.
- Nuôi con bằng sữa mẹ
Trẻ sơ sinh tốt nhất nên được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Người mẹ phải ăn uống khoa học để sữa mẹ đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Sữa mẹ ngoài cung cấp chất dinh dưỡng còn chứa các kháng thể giúp trẻ giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc nguồn lây nhiễm trùng
+ Bà mẹ và người chăm sóc trẻ phải vệ sinh sạch sẽ, cần tắm rửa mỗi ngày, không nên kiêng cữ và rửa tay thường xuyên trước khi tiếp xúc trẻ.
+ Khi cha mẹ, người chăm sóc trẻ bị sốt, ho, cảm cúm hay các bệnh nhiễm trùng khác không nên trực tiếp chăm sóc trẻ, vì sẽ có nguy cơ lây bệnh cho trẻ. Nếu buộc phải chăm sóc vì không có người thay thế, cần mang khẩu trang, rửa tay đúng cách khi chăm sóc trẻ.
+ Hạn chế người vào thăm trẻ cũng là cách hạn chế nguồn lây bệnh.
+ Các dụng cụ cần tiệt khuẩn bằng cách luộc nước sôi hay hấp trước khi cho trẻ dùng như ly, muỗng, bình sữa. Các đồ dùng cho trẻ như khăn, quần áo, chăn, gối phải sạch sẽ và nên thay thường xuyên.
+ Phòng trẻ ở phải thoáng mát, sạch sẽ, ít ồn ào, ánh sáng vừa phải.
- Chăm sóc vệ sinh trẻ mỗi ngày
+ Chăm sóc da: Trẻ cần tắm rửa mỗi ngày để làm sạch da, hạn chế nhiễm trùng và giúp trẻ thoải mái. Không nên ủ ấm trẻ quá mức, không nằm than, không phơi nắng trẻ mà nên bổ sung Vitamin D uống mỗi ngày. Chú ý thay tã thường xuyên để hạn chế tình trạng hăm da vùng mang tã.
+ Chăm sóc rốn: Rốn khi chưa rụng và sau rụng còn tiết dịch, phải chăm sóc đúng cách mỗi ngày bằng nước muối sinh lý để hạn chế nhiễm trùng. Rốn chưa rụng cần để thoáng, không băng rốn và quấn tã dưới rốn. Không tự ý bôi chất lạ vào rốn trước khi hỏi ý kiến của bác sĩ.
+ Chăm sóc mắt: Mắt trẻ sơ sinh sau khi sinh có thể tiết ít ghèn do phản ứng với thuốc nhỏ mắt phòng ngừa nhiễm trùng mắt sau sinh. Cần rửa mắt trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9% và lau mắt trẻ bằng bông vô trùng.
Một số trẻ tiết ghèn hay chảy nước mắt sống kéo dài, có thể trẻ bị tắc lệ đạo bẩm sinh. Trẻ cần rửa mắt với nước muối sinh lý mỗi ngày để làm sạch. Không tự ý dùng thuốc hay nhỏ mắt bằng chất lạ trước khi hỏi ý kiến bác sĩ.
Trẻ sơ sinh dễ bị viêm kết mạc sau khi sinh, do các tác nhân như lậu, tụ cầu, Chlamydia… Do đó, khi mắt trẻ sưng đỏ hay có ghèn mủ nhiều phải đưa trẻ đi khám ngay để được điều trị.
Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:
Mối nguy hại khi trẻ em xem tivi quá nhiều và cách khắc phục