1. Tổng quan nhiễm trùng tiểu ở trẻ
Nhiễm trùng tiểu là một bệnh lý khá thường gặp ở trẻ em, đứng hàng thứ ba sau bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và tiêu hóa. Ước tính có khoảng 1% số trẻ trai và 3% số trẻ gái dưới 11 tuổi bị ít nhất một đợt nhiễm trùng tiểu.
Tỷ lệ mắc nhiễm trùng tiểu thay đổi tùy theo lứa tuổi, giới và chủng tộc, với khoảng 8,4% trẻ gái và 1,7% trẻ trai có ít nhất một đợt nhiễm trùng tiểu cho đến 7 tuổi. Nhiễm trùng tiểu có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, từ thể nhiễm khuẩn niệu không triệu chứng đến các trường hợp nặng có bệnh cảnh nhiễm trùng huyết.
2. Nguyên nhân nhiễm trùng tiểu ở trẻ
Tác nhân gây bệnh có nhiều, theo các nghiên cứu cho thấy khoảng 80 - 90% các trường hợp nhiễm trùng tiểu lần đầu là do E.Coli. Cơ địa dị dạng tiết niệu hay bị nhiễm trùng tiểu do Klebsiella, Proteus, Staphylococcus Saprophyticus, nấm và cả những loại vi trùng có độc lực thấp với đường tiết niệu như Enterococci, Pseudomonas, Staphylococcus Aureus Epidermidis, Haemophilus Influenzae, Streptococci nhóm B.
Các vi trùng này thường trú quanh lỗ tiểu và có khuynh hướng đi ngược dòng lên trên gây ra nhiễm trùng tiểu. Hiện tượng này càng rõ và nặng nề hơn khi có trào ngược bàng quang niệu quản.
Chủng E.Coli gây nhiễm trùng tiểu là chủng gây bệnh ở hệ niệu, chủng này có độc lực cao và có các lông mao bám vào niêm mạc đường tiểu. Sau khi bám vào niêm mạc, vi trùng sẽ kích hoạt chuỗi phản ứng viêm gây phóng thích các Interleukine 6, 8 và thu hút các đại thực bào đến mô viêm để loại bỏ vi trùng.
3.Triệu chứng nhiễm trùng tiểu ở trẻ
Tùy từng trẻ có các biểu hiện khác nhau, phân chia thành 2 nhóm.
- Trẻ trên 3 tuổi:
Đối với những triệu chứng ở trẻ trên 3 tuổi thì triệu chứng nhiễm trùng tiểu sẽ giống người lớn với biểu hiện bị đau khi đi tiểu. Đi tiểu lắt nhắt, nhiều lần hơn bình thường. Tiểu són trong quần, tiểu dầm vào ban đêm. Cảm giác mệt mỏi, không khỏe trong người. Mất cảm giác ngon miệng, biếng ăn, sốt cao. Đau vùng bụng dưới hay đau vùng hông lưng.
- Trẻ dưới 3 tuổi:
Những triệu chứng ở trẻ dưới 3 tuổi trong đó trẻ nhỏ hay sơ sinh có triệu chứng rất thầm lặng và không điển hình. Các bé không kêu than hay nêu lên sự khó chịu liên quan đến đường tiểu và bạn cũng khó theo dõi được việc trẻ đi tiểu lắt nhắt nhiều lần hơn bình thường (do trẻ thường được quấn tã và bình thường thì số lần đi tiểu của trẻ cũng đã rất nhiều). Các bé thường biểu hiện qua các dấu hiệu gián tiếp như sốt, bứt rứt, khó chịu, quấy khóc. Đối với trẻ càng nhỏ thì bệnh có thể biểu hiện nặng hơn do tình trạng nhiễm trùng huyết (vi trùng xâm nhập vào máu và lan nhanh khắp cơ thể).
4. Chẩn đoán nhiễm trùng tiểu ở trẻ
Sau khi nghi ngờ các bác sĩ sẽ có xét nghiệm nước tiểu và siêu âm bụng. Cận lâm sàng khác các bác sĩ sẽ tổng phân tích tế bào máu, CRP, cấy máu: Khi có nghi ngờ nhiễm trùng huyết. Chụp bàng quang - niệu quản ngược dòng (VCUG) có bất thường trên siêu âm hệ niệu, nhiễm trùng tiểu có sốt kèm không do E. Coli hoặc có tăng huyết áp hoặc chậm tăng trưởng.
5. Điều trị nhiễm trùng tiểu ở trẻ
Nguyên tắc điều trị là điều trị nhiễm trùng, điều trị dị tật tiết niệu nếu có và điều trị phòng ngừa. Cụ thể lựa chọn kháng sinh: Nhắm tới nhóm vi khuẩn thường gặp là E. Coli và tùy thuộc vào tình hình đề kháng kháng sinh.
Cần nhớ rằng phải luôn thực hiện nghiêm chỉnh y lệnh dùng thuốc của bác sĩ. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu bạn cho trẻ uống kháng sinh liều thấp trong một thời gian dài để phòng ngừa nhiễm trùng tiểu. Trường hợp này được chỉ định cho những trẻ còn mang bỉm, thường xuyên bị nhiễm trùng tái phát hay dị dạng đường tiết niệu. Tuy nhiên. cần biết rằng trẻ vẫn có thể bị nhiễm trùng tiểu ngay khi đang sử dụng kháng sinh liều thấp dự phòng.
6. Phòng bệnh nhiễm trùng tiểu
Nếu trẻ đã bị nhiễm trùng tiểu một lần sẽ có nguy cơ nhiễm trùng tiểu tái phát sau đó, đặc biệt là bé gái. Sau đây là những hướng dẫn đơn giản giúp bạn phòng ngừa nhiễm trùng tiểu cho trẻ: Dạy cho bé gái biết phải rửa từ phía trước ra phía sau sau khi đi vệ sinh. Khuyến khích trẻ uống đầy đủ nước, đi vệ sinh thường xuyên.
Nên nhớ nhiễm trùng tiểu là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là bé gái. Uống kháng sinh đầy đủ và lấy nước tiểu xét nghiệm đúng cách rất quan trọng cho việc điều trị thành công. Nếu trẻ có biểu hiện lừ đừ, sốt cao hay mệt mỏi cần đi khám bác sĩ ngay. Nhiễm trùng tiểu có thể là biểu hiện của một bệnh lý lây truyền qua đường tình dục.
Mời độc giả xem thêm video:
Mối nguy hại khi trẻ em xem tivi quá nhiều và cách khắc phục