Nhiễm trùng huyết do liên cầu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

21-09-2024 11:57 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Streptococcus suis (liên cầu lợn) là một trong những tác nhân gây bệnh ở lợn ... và có thể gây bệnh cho người. Người nhiễm liên cầu khuẩn biểu hiện bằng nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm phổi. Ở nước ta, từ năm 2003 đã có nhiều bệnh nhân nhiễm trùng huyết do liên cầu S. suis được phát hiện.

1. Nguyên nhân nhiễm trùng huyết do liên cầu

Nhiễm trùng huyết do liên cầu là một bệnh lý nhiễm khuẩn toàn thân do có sự xâm nhập liên tiếp vào máu của vi khuẩn gây bệnh và độc tố của vi khuẩn.

Bệnh nhiễm trùng huyết do liên cầu thường diễn biến nặng và không có chiều hướng tự khỏi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Nhiễm trùng huyết do liên cầu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Streptococcus suis (liên cầu lợn) là một trong những tác nhân gây nhiễm khuẩn huyết do liên cầu.

Nguyên nhân chính gây nhiễm trùng huyết do liên cầu là do vi khuẩn Gram dương Streptococcus suis xâm nhập cơ thể bằng cách:

- Nhiễm trực tiếp vào máu.

- Mắc từ các ổ nhiễm khuẩn ở các mô tế bào, cơ quan như mô mềm, da, cơ, xương khớp, tiêu hóa, hô hấp...

2. Triệu chứng nhiễm trùng huyết do liên cầu

Các dấu hiệu lâm sàng của nhiễm trùng huyết:

  • Sốt cao;
  • Rét run;
  • Biến đổi tình trạng toàn thân;
  • Nhịp tim nhanh;
  • Lách to;
  • Tăng bạch cầu đa nhân;

Phối hợp một số biểu hiện nổi bật của một nhiễm trùng huyết do liên cầu:

Nhiễm trùng huyết do liên cầu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Hình ảnh nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn với các ban tím đen trên da.

Dấu hiệu da:

  • Phát ban kiểu tinh hồng nhiệt.

  • Ban xuất huyết chấm hoặc mảng, đôi khi lan rộng ra phát ban nổi phỏng.

Các dấu hiệu về khớp:

  • Đau khớp;
  • Viêm khớp thanh dịch, hoặc mủ;
  • Tổn thương đặc biệt các khớp lớn.

Trường hợp nặng:

  • Thường có thể có xuất huyết dưới da;
  • Ban xuất huyết hoại tử lan rộng ở mặt, ngực, chân, tay;
  • Hoại tử đầu chi;
  • Rối loạn chức năng đông máu.

Bệnh có thể đưa đến sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và tử vong.

Vì vậy, khi có các dấu hiệu nặng cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa gần  nhất để được xử lý kịp thời. Vì tình trạng bệnh cần điều trị trong suốt thời gian dài và có thể để lại di chứng nặng nề, có thể tái phát.

3. Phương pháp điều trị nhiễm trùng huyết do liên cầu

Mục tiêu của việc điều trị bệnh nhiễm trùng huyết do liên cầu :

  • Tiêu diệt mầm  bệnh.
  • Điều chỉnh các rối loạn do nhiễm khuẩn huyết gây ra.
  • Nâng cao sức đề kháng cho người bệnh.

Quá trình điều trị bao gồm cả việc điều trị triệt để nguyên nhân và theo dõi người bệnh để từ đó phát hiện được các biểu hiện nghiêm trọng của bệnh như:

  • Sốc;
  • Suy thận;
  • Rối loạn đông máu;
  • Suy đa tạng… từ đó có thể xử lý nhanh chóng, kịp thời.

Điều trị các nguyên nhân bằng cách:

Sử dụng kháng sinh theo đúng phác đồ điều trị:

Nguyên tắc điều trị của liên khuẩn cầu lợn là dùng kháng sinh sớm, thích hợp, đủ liều…

Hầu hết S. suis nuôi cấy được còn nhạy cảm với các kháng sinh thông thường như penicillin G, ceftriaxone... Do đó, có thể dùng các kháng sinh này để điều trị. 

Các trường hợp cấy máu hoặc dịch não tủy âm tính nhưng có thể chọn một trong những loại kháng sinh kể trên. Thời gian điều trị  duy trì trong khoảng từ 2 - 3 tuần.

Bên cạnh đó cần thực hiện các điều trị hỗ trợ như:

Chống viêm bằng corticoid.

Cân bằng nước, kiềm toan.

4. Phòng bệnh nhiễm trùng huyết do liên cầu

Nhiễm trùng huyết do liên cầu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 3.

Tuyệt đối không ăn tiết canh để phòng tránh nhiễm trùng huyết do liên cầu.

Để phòng bệnh hiệu quả, các bác sĩ khuyến cáo:

Đảm bảo vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm

  • Ăn chín, uống sôi. Khi ăn cần nấu chín thịt lợn là điều quan trọng nhất. 
  • Không ăn lợn chết;
  • Không ăn các món ăn tái từ thịt lợn (như nem chua, nem chạo…), đặc biệt là tiết canh lợn.
  • Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, như xuất huyết hoặc phù nề.

Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân

  • Sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn;
  • Thường xuyên rửa tay với xà phòng;
  • Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.
  • Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn ốm, chết;
  • Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như: sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh... cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.


BS. Nguyễn Hằng Chi
Ý kiến của bạn