Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em

09-10-2018 10:00 | Bệnh thường gặp
google news

Dr Nguyễn Thị Quỳnh Hương

1. Nhiễm trùng đường tiểu (NTĐT) là gì?

NTĐT xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu, nhân lên và gây viêm. Vi khuẩn thường đến từ ruột và phân đi vào qua niệu đạo.
Đường tiết niệu gồm bể thận, các niệu quản (dẫn nước tiểu đi từ thận đến bàng quang) và bàng quang nơi đựng nước tiểu. Vi khuẩn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiết niệu. NTĐT gồm viêm thận bể thận nếu nó gây tổn thương tại thận và viêm bàng quang nếu nó gây tổn thương ở bàng quang. Viêm thận bể thận là một tình trạng nghiêm trọng ở trẻ em và có thể dẫn đến sẹo thận, tăng huyết áp và có thể gây ra suy thận giai đoạn cuối sau này.

2.Yếu tố nguy cơ của NTĐT là gì?

NTĐT phổ biến hơn ở trẻ gái vì niệu đạo của trẻ gái (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể) ngắn hơn và gần hậu môn hơn trẻ trai, do đó vi khuẩn dễ dàng đi vào niệu đạo hơn. Có những yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc NTĐT ở con bạn, chẳng hạn như

· Bất thường giải phẫu trong đường tiết niệu (ví dụ tắc nghẽn ở đâu đó dọc theo niệu quản),

· Hội chứng mất khả năng thải nước tiểu - trẻ em nhịn tiểu mặc dù trẻ đang buồn tiểu,

· Dòng chảy ngược bất thường của nước tiểu từ bàng quang lên niệu quản về phía thận cũng được gọi là luồng trào ngược bàng quang niệu quản,

· Táo bón, có thể gây ép lên bàng quang, ngăn chặn bàng quang tống hết nước tiểu,

· Bàng quang mất khả năng tống nước tiểu (bàng quang mất kiểm soát),

· Thói quen vệ sinh và vệ sinh kém.

3. Nguyên nhân gây NTĐT là gì?

Vi trùng phổ biến nhất nhất gây NTĐT là hệ vi khuẩn tự nhiên trong ruột như E.Coli, Klebsiella, Pseudomonas aeruginosa và Enterococci.

4. Khi nào nghi ngờ con bạn bị nhiễm trùng tiểu?

Ở tất cả trẻ sơ sinh và trẻ em, sốt không rõ nguyên nhân> 38,5oC đều nghi ngờ bị NTĐT.

Các dấu hiệu và triệu chứng của NTĐT thay đổi theo các nhóm tuổi khác nhau. Ở trẻ lớn, các triệu chứng tương đối dễ phát hiện. Con các bạn có thể cảm thấy đau ở bụng dưới hoặc lưng và tiểu dắt, tiểu buốt. Đôi khi đứa trẻ chỉ có thể bị sốt, mệt mỏi, nôn mửa và tiểu máu hoặc nước tiểu có mùi hôi.

Với trẻ nhỏ, nó có thể phức tạp hơn một chút vì các triệu chứng không rõ ràng. Ở trẻ> 3 tháng, các dấu hiệu phổ biến nhất là sốt. Cũng có thể có đau bụng, nôn mửa và ăn kém. Trong trường hợp hiếm hơn, có thể có dấu hiệu thờ ơ, khó chịu, chậm tăng cân và tiểu máu.

Ở những trẻ rất nhỏ <3 tháng, các triệu chứng thường gặp nhất là sốt, nôn mửa, lờ đờ và khó chịu. Ăn kém và chậm tăng cân có thể xảy ra nhưng ít thường xuyên hơn và trong những trường hợp hiếm hoi có thể có tiểu máu và vàng da.

5. NTĐT có nguy hiểm cho con bạn không?

NTĐT dễ điều trị, nhưng điều quan trọng là chẩn đoán và điều trị sớm. NTĐT không được chẩn đoán và điều trị kịp thời hoặc tái phát có thể dẫn đến tổn thương thận như sẹo thận (15%), tăng huyết áp (38%) và nguy cơ mắc bệnh thận giai đoạn cuối.

6. Làm sao chẩn đoán NTĐT?

Bác sĩ nhi khoa của bạn sẽ đặt câu hỏi, khám và lấy mẫu nước tiểu cho các xét nghiệm như soi cặn nước tiểu , nuôi cấy nước tiểu tìm vi khuẩn.

Đôi khi bác sĩ nhi khoa của bạn có thể yêu cầu các xét nghiệm bổ sung để xác định nguyên nhân nhiễm trùng và ngăn ngừa tái phát.

7.Điều trị NTĐT như thế nào?

Nhiễm trùng đường tiểu đa số được điều trị bằng thuốc kháng sinh đường uống. Sau khi kết thúc quá trình điều trị theo quy định, bác sĩ có thể lặp lại các xét nghiệm nước tiểu để xác nhận rằng nhiễm trùng đã hoàn toàn khỏi. Điều này là quan trọng để ngăn ngừa tái phát và lan rộng.

Cần dùng cho con bạn thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ nhi khoa và cho con bạn uống đủ liều kháng sinh mà bác sĩ đã kê toa. Quan sát trẻ và thói quen tắm rửa và vệ sinh của trẻ, tình trạng của trẻ sẽ cải thiện sau 48 giờ. Để giúp thải vi khuẩn tốt hơn, hãy khuyến khích trẻ uống nhiều nước. Tốt hơn là pha với nước cam hoặc chanh vì nó sẽ làm cho nước tiểu có tính axit cao hơn không thích hợp cho vi khuẩn phát triển.

Với nhiễm trùng đường tiểu nặng thì điều trị thế nào?
Trẻ em bị nhiễm trùng nặng hơn có thể cần thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch (truyền qua tĩnh mạch trực tiếp vào dòng máu) và yêu cầu nhập viện.
Đó là các trẻ bị NTĐT có nhiễm trùng ở thận (viêm thận bể thận) có một trong các đặc điểm sau:

· Trẻ bị sốt cao, trẻ rất mệt,

· Thường gặp trẻ dưới 3 tháng tuổi,

· Trẻ bú không tốt, không thể nuốt thuốc và / hoặc bị rối loạn tiêu hóa,

· Vi khuẩn gây NTĐT kháng kháng sinh đường uống,

· Vi khuẩn đã lan vào máu (gọi là nhiễm khuẩn huyết),

· Trẻ không cải thiện sau 48 giờ điều trị bằng kháng sinh đường uống,
· Trẻ bị luồng trào ngược bàng quang niệu quản nặng.

8. NTĐT có thể ngăn ngừa được không?

NTĐT rất phổ biến và không thể ngăn chặn hoàn toàn. Tuy nhiên, có một số biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ con bạn bị bệnh:

• Cố gắng cho con bú sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời. Điều này sẽ mang lại lợi ích tổng thể cho sự phát triển của hệ miễn dịch và giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu,

• Khuyến khích con bạn uống nhiều nước. Điều này giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu và cũng làm giảm nguy cơ táo bón,
• Khuyến khích con bạn sử dụng nhà vệ sinh ngay khi bé cần đi tiểu và không được "nhịn tiểu". Nhịn tiểu sẽ làm cho vi khuẩn phát triển dễ dàng hơn,
• Dạy trẻ gái thói quen tắm rửa và lau chùi từ trước ra sau. Điều này giảm thiểu nguy cơ vi khuẩn lây lan từ hậu môn và xâm nhập vào niệu đạo,
• Cung cấp cho con bạn đồ lót bằng vải bông và tránh vật liệu tổng hợp. Vật liệu tổng hợp thúc đẩy một môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn phát triển,

• Ở trẻ sơ sinh và trẻ chập chững biết đi, thay tã thường xuyên để ngăn vi khuẩn phát triển,

• Bác sĩ nhi khoa có thể đề nghị các biện pháp khác để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu như điều trị hẹp bao quy đầu ở trẻ em trai hoặc dính môi bé ở trẻ em gái.

Dr Nguyễn Thị Quỳnh Hương

khoa Nhi và Sơ sinh- Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội


Ý kiến của bạn