Hỏi: Nghe nói người cao tuổi nếu bị nhiễm trùng tiểu thì triệu chứng không rõ và hay bị chẩn đoán lầm phải không? Cần phải xét nghiệm nào để xác định bệnh?
(Lê Công Vinh - Hậu Giang)
Trả lời: Ở người cao tuổi có thể gặp cả nhiễm trùng tiểu trên (viêm thận bể thận, áp-xe quanh thận, áp-xe thận) và nhiễm trùng tiểu dưới (viêm bàng quang, viêm tiền liệt tuyến, viêm niệu đạo). Do đặc điểm ở người lớn tuổi hay gặp các rối loạn về tâm thần (sa sút trí tuệ) và tiểu không kiểm soát được nên nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn các nhóm tuổi trẻ hơn.
Thật ra, về mặt lâm sàng rất khó phân biệt nhiễm trùng tiểu trên hay dưới ở người cao tuổi, đôi khi không có biểu hiện lâm sàng nào đặc trưng cả. Biểu hiện lâm sàng thường gặp là sốt, đặc biệt lạnh run nên xem xét đến khả năng bị nhiễm trùng huyết. Một số trường hợp người cao tuổi lại bị hạ thân nhiệt. Có thể không sốt cao mà chỉ là nóng và ớn lạnh, đôi khi do sa sút trí tuệ nên không nhận biết được đang bị sốt. Trong trường hợp nhiễm trùng nặng có thể gây ra nhịp tim nhanh, thở nhanh và giảm số lượng nước tiểu. Thậm chí một số trường hợp có thể làm cho rối loạn tâm thần trầm trọng thêm. Ở nam giới có thể gặp tiểu gắt, tiểu buốt. Nếu là viêm tiền liệt tuyến ở nam thì có triệu chứng sốt, lạnh run, đau lưng và tầng sinh môn, dấu hiệu tắc nghẽn đường tiểu dưới, khám sẽ phát hiện tuyến tiền liệt sưng, đau. Có thể gặp tiểu ra nước tiểu lợn cợn hoặc có mủ dù không có triệu chứng gì khác.
Khi nghi ngờ bị nhiễm trùng đường tiết niệu dù vị trí nào cũng sẽ được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm nước tiểu. Tất nhiên, mẫu nước tiểu phải được lấy cho đúng, lấy nước tiểu giữa dòng sau khi vệ sinh lỗ niệu đạo ngoài và đựng bằng lọ vô khuẩn của cơ sở y tế. Soi nước tiểu trực tiếp để đếm số lượng bạch cầu và tìm sự hiện diện của vi khuẩn. Sau đó là cấy nước tiểu, nếu có trên 100.000 khúm vi khuẩn trong một mililit nước tiểu thì xem như bị nhiễm trùng, có thể định danh vi khuẩn gây bệnh và làm kháng sinh đồ để điều trị chính xác. Ngoài ra, người ta có thể xét nghiệm máu để thấy được sự tăng của bạch cầu trong nhiễm trùng, chụp X-quang hệ niệu, siêu âm hệ niệu…
BS.CKII. ĐẶNG MINH TRÍ