Nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới dễ nhầm với bệnh lây truyền qua đường tình dục

16-04-2025 06:45 | Giới tính
google news

SKĐS - Mặc dù nam giới ít bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) hơn phụ nữ nhưng đây cũng có thể là mối quan tâm đáng kể về sức khỏe, đặc biệt là khi không được điều trị.

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) thường được coi là tình trạng chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ nhưng nam giới cũng có thể mắc phải. Điều này có thể chỉ ra các vấn đề tiềm ẩn, bao gồm cả nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI). 

Việc hiểu các triệu chứng, nguyên nhân và mối liên hệ tiềm ẩn với STI là rất quan trọng để phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các nhiễm trùng đường tiết niệu.

1. Nhận biết các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới

Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu, dẫn đến tình trạng viêm và khó chịu. Các triệu chứng có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng nhưng thường bao gồm:

  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu;
  • Thường xuyên buồn tiểu, ngay cả khi chỉ đi tiểu ít;
  • Nước tiểu đục, sẫm màu hoặc có mùi hôi;
  • Máu trong nước tiểu;
  • Đau hoặc khó chịu ở vùng bụng dưới hoặc háng;
  • Sốt hoặc ớn lạnh ở những trường hợp nghiêm trọng hơn...

Nam giới gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng nói trên nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời, vì nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng như viêm thận.

Nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới dễ nhầm với bệnh lây truyền qua đường tình dục- Ảnh 1.

Nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng như viêm thận.

2. Nguyên nhân phổ biến gây nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới

Một số yếu tố có thể góp phần gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới. Bao gồm:

Nhiễm trùng do vi khuẩn: Phần lớn nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới là do vi khuẩn gây ra, đặc biệt là Escherichia coli (E.coli), thường trú ngụ trong ruột. Khi vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo và di chuyển lên đường tiết niệu, chúng có thể sinh sôi, dẫn đến nhiễm trùng.

Phì đại tuyến tiền liệt: Tuyến tiền liệt to (phì đại lành tính tuyến tiền liệt) có thể cản trở dòng nước tiểu, khiến vi khuẩn dễ tích tụ trong bàng quang hơn. Tình trạng này phổ biến hơn ở nam giới lớn tuổi và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát.

Bất thường đường tiết niệu: Các vấn đề về cấu trúc trong đường tiết niệu, chẳng hạn như sỏi thận hoặc hẹp niệu đạo, có thể dẫn đến tình trạng bàng quang không được làm rỗng hoàn toàn, tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Sử dụng ống thông: Nam giới cần đặt ống thông tiểu do tình trạng bệnh lý có thể có nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn. Ống thông tiểu tạo ra con đường trực tiếp để vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống tiết niệu.

3. Mối liên hệ giữa nhiễm trùng đường tiết niệu và bệnh lây truyền qua đường tình dục

TS. Vincent Chia, Thành viên Hiệp hội sức khỏe nam giới, Bác sĩ gia đình được công nhận tại Singapore cho biết: Tuy nhiễm trùng đường tiết niệu và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) là những tình trạng khác nhau nhưng chúng có một số triệu chứng giống nhau, chẳng hạn như đi tiểu đau, tiểu gấp. Điều này đôi khi có thể dẫn đến chẩn đoán sai hoặc nhầm lẫn. Một số STI cũng có thể góp phần gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu, ví dụ:

Chlamydia và bệnh lậu

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn này có thể lây nhiễm niệu đạo, gây viêm niệu đạo, giống với các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu không được điều trị, các bệnh nhiễm trùng này có thể dẫn đến các biến chứng khác, chẳng hạn như viêm mào tinh hoàn (viêm tinh hoàn) hoặc viêm tuyến tiền liệt.

Nhiễm trùng Mycoplasma và Ureaplasma

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục ít được nhắc đến hơn, chẳng hạn như Mycoplasma genitalium và Ureaplasma urealyticum, có thể gây ra tình trạng khó chịu dai dẳng khi đi tiểu. Những bệnh nhiễm trùng này không phải lúc nào cũng xuất hiện trong các xét nghiệm nhiễm trùng đường tiết niệu tiêu chuẩn và thường đòi hỏi phải sàng lọc chuyên khoa.

Nhiễm Herpes sinh dục

Herpes sinh dục, do virus Herpes simplex gây ra, có thể dẫn đến các vết loét đau và kích ứng xung quanh vùng sinh dục và tiết niệu. Mặc dù không gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn, tình trạng viêm có thể dẫn đến cảm giác khó chịu tương tự khi đi tiểu.

TS. Vincent Chia lưu ý, nam giới có triệu chứng gợi ý mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu nên đi khám chuyên khoa sớm nếu đang hoạt động tình dục hoặc đã quan hệ tình dục không an toàn. Phát hiện sớm các nhiễm trùng đường tiết niệu có thể ngăn ngừa biến chứng và đảm bảo điều trị thích hợp.

Nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới dễ nhầm với bệnh lây truyền qua đường tình dục- Ảnh 2.

Nam giới có triệu chứng gợi ý mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu nên đi khám chuyên khoa sớm.

4. Cách phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu

Thực hành vệ sinh tốt

Vệ sinh đúng cách, bao gồm rửa vùng sinh dục thường xuyên và đi tiểu sau khi quan hệ tình dục có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn. Duy trì đủ nước và tránh uống quá nhiều caffeine hoặc rượu cũng có thể hỗ trợ sức khỏe đường tiết niệu.

Thực hành tình dục an toàn

Sử dụng bao cao su và duy trì mối quan hệ chung thủy với bạn tình đã được xét nghiệm có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu. Kiểm tra sức khỏe định kỳ với bác sĩ nam khoa có thể giúp phát hiện và giải quyết bất kỳ bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn nào trước khi chúng gây ra biến chứng.

Các triệu chứng chính của bệnh Chlamydia ở phụ nữCác triệu chứng chính của bệnh Chlamydia ở phụ nữ

SKĐS - Chlamydia là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) phổ biến do nhiễm vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra. Phụ nữ chủ yếu nhiễm Chlamydia khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng với chồng/ đối tác bị nhiễm trùng.

Xem thêm video:

Tổng hợp các bệnh tình dục nguy hiểm nhất hiện nay.



Thiên Châu
Ý kiến của bạn