Nhiễm trùng đường tiết niệu do quan hệ tình dục, khi nào cần đến gặp bác sĩ?

04-06-2022 10:16 | Hỏi đáp phòng the
google news

SKĐS - Một trong những ảnh hưởng của nhiễm trùng đường tiết niệu đối với đời sống tình dục là nó cản trở quan hệ tình dục. Bệnh gây khó chịu và cảm giác đau đớn khi giao hợp. Vậy cần làm gì khi có dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu?

1. Ai dễ có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu?

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai và liên quan đến đường tiết niệu dưới (bao gồm bàng quang và niệu đạo), đường tiết niệu trên (thận và niệu quản) hoặc cả hai.

Vi khuẩn như E. coli có thể dễ dàng xâm nhập vào đường tiết niệu thông qua niệu đạo nằm gần bộ phận sinh dục ở cả nam và nữ. Sau đó, nó có thể đi lên niệu đạo và vào bàng quang, nơi nhiễm trùng có thể phát triển. Nếu có liên quan đến thận, nó sẽ trở thành một tình trạng nghiêm trọng được gọi là viêm thận bể thận cần được điều trị sớm.

Phụ nữ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn nam giới với nhiễm trùng đường dưới chiếm phần lớn gây khó khăn trong quan hệ tình dục, đặc biệt là viêm bàng quang.

Viêm bàng quang trong tuần trăng mật là một thuật ngữ dùng để mô tả nhiễm trùng đường tiết niệu sau khi quan hệ tình dục. Tình trạng này xảy ra phổ biến nhất ở phụ nữ trẻ hoạt động tình dục. Phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu thường xuyên hơn vì niệu đạo của họ ngắn hơn, khiến vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang dễ dàng hơn.

Cách đơn giản để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu do quan hệ tình dục - Ảnh 2.

Phụ nữ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu vì niệu đạo ngắn hơn nam giới, khiến vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang dễ hơn.

Các yếu tố nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm:

  • Viêm âm đạo do vi khuẩn khi mang thai
  • Đại tiện không tự chủ
  • Phì đại tuyến tiền liệt
  • Sỏi tiết niệu
  • Dị tật bẩm sinh đường tiết niệu
  • Sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài
  • Mở rộng tuyến tiền liệt
  • Tắc nghẽn niệu đạo
  • Ung thư đường tiết niệu
  • Bệnh đái tháo đường
  • Béo phì
  • Bệnh viêm vùng chậu
  • Sa khung chậu
  • Mang thai
  • Tiền mãn kinh và sau mãn kinh
  • Tiền sử nhiễm trùng tiểu nặng trước đó
  • Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục
  • Tiểu không tự chủ
  • Các vấn đề về hệ thống miễn dịch…

2. Ảnh hưởng của nhiễm trùng đường tiết niệu đến đời sống tình dục

Theo TS.BS. Nguyễn Minh Tuấn, Phó Trưởng khoa Thận tiết niệu và lọc máu Bệnh viện E, một trong những ảnh hưởng của nhiễm trùng đường tiết niệu đối với đời sống tình dục là nó cản trở quan hệ tình dục. Tuy nó ảnh hưởng nhiều hơn đối với nữ giới, nhưng nam giới bị nhiễm trùng đường tiết niệu cũng cảm thấy rất khó chịu, điều này làm ảnh hưởng đến quan hệ thân mật với bạn tình.

Đối với nữ giới bị nhiễm trùng đường tiết niệu, điển hình là viêm bàng quang cấp biểu hiện đái máu, kèm theo đi tiểu buốt dắt, đau tức hạ vị, do niệu đạo của họ ngắn hơn, khiến vi khuẩn dễ dàng đi đến bàng quang.

Phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu thực sự gây khó khăn khi quan hệ tình dục, đặc biệt gây đau nhiều khi giao hợp.

Đối với nam giới, mặc dù nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu thấp hơn ở nữ giới do niệu đạo dài hơn và xuất tinh giúp rửa sạch vi khuẩn. Tuy nhiên, nguy cơ ở nam giới có thể cao hơn khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn.

Một số vi khuẩn có thể xâm nhập vào niệu đạo của dương vật khi quan hệ qua đường hậu môn, gây ra viêm niệu đạo và trong một số trường hợp gây nhiễm trùng đường tiết niệu.

Cách đơn giản để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu do quan hệ tình dục - Ảnh 4.

Nhiễm trùng đường tiết niệu khiến phụ nữ bị đau nhiều khi giao hợp.

3. Dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng đường tiết niệu cần đi khám

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường có thể được nhận biết bằng các triệu chứng sau:

  • Cảm giác muốn đi tiểu dai dẳng
  • Tiểu gấp (cảm giác cần giải tỏa ngay lập tức)
  • Tiểu dắt, tăng tần suất đi tiểu, thường chỉ với một lượng nhỏ nước tiểu
  • Tiểu đêm
  • Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Nước tiểu đục
  • Nước tiểu có mùi hôi
  • Tiểu ra máu
  • Bí tiểu
  • Đau ở trung tâm vùng bụng dưới, ngay trên xương mu
  • Đau mạn sườn (đau ảnh hưởng đến thận, ở hai bên lưng dưới của cơ thể)
  • Tiết dịch âm đạo không mùi ở phụ nữ
  • Tiết dịch từ dương vật
  • Tiểu không kiểm soát
  • Sốt hoặc ớn lạnh
  • Khó chịu
  • Buồn nôn hoặc nôn…

4. Người bệnh cần phải làm gì?

TS.BS. Nguyễn Minh Tuấn cho biết, khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng đường tiết niệu, người bệnh nên đi khám chuyên khoa, làm xét nghiệm nước tiểu và các xét nghiệm khác để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp.

Thông thường cần phải dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Người bệnh cần lưu ý tuân theo đúng chỉ định, không được ngừng thuốc khi không có ý kiến của bác sĩ.

Người bệnh nên uống nhiều nước để làm loãng nước tiểu và giúp đi tiểu thường xuyên hơn. Nhờ đó cho phép loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu một cách dễ dàng. Hạn chế đồ uống có đường hoặc chứa caffein có thể gây mất nước.

Lưu ý không nên quan hệ tình dục cho đến khi điều trị dứt điểm nhiễm trùng đường tiết niệu vì nó có thể gây kích ứng thêm các mô đã bị viêm và đưa vi khuẩn mới vào đường tiết niệu. Điều này có thể làm tăng nguy cơ tái phát bệnh và làm chậm thời gian hồi phục.

Cách đơn giản để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu do quan hệ tình dục - Ảnh 5.

Uống nhiều nước giúp ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.

5. Cách đơn giản để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu do quan hệ tình dục

- Giữ vệ sinh tốt: Vệ sinh sạch sẽ âm hộ, dương vật, quy đầu. Mặc quần lót bằng vải cotton và thay hằng ngày hoặc thường xuyên hơn khi ra nhiều mồ hôi.

- Đi tiểu ngay trước và sau khi quan hệ tình dục.

- Quan hệ tình dục an toàn. Hạn chế quan hệ tình dục qua đường hậu môn, tốt nhất nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn để tránh lây nhiễm. Tránh chuyển từ quan hệ tình dục qua đường hậu môn sang quan hệ tình dục qua đường âm đạo mà không mang bao cao su mới vào trước.

- Uống nhiều nước giúp loại bỏ vi khuẩn trong đường tiết niệu.

- Không nên nhịn tiểu.

- Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng đường tiết niệu cần đi khám và điều trị sớm. Chỉ nên quan hệ tình dục lại khi đã điều trị dứt điểm để tránh tái phát.

Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục có ngăn được nhiễm trùng tiết niệu?Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục có ngăn được nhiễm trùng tiết niệu?

SKĐS - Quan hệ tình dục không trực tiếp gây nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs), nhưng nó có thể làm tăng khả năng nhiễm khuẩn. Đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục có thể làm giảm nguy cơ này.

Xem thêm video đang được quan tâm

Những đối tượng nào là nhóm nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ?


Đức Anh
Ý kiến của bạn