Phụ nữ là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh này nhiều nhất. Dưới đây là một số điều cơ bản phụ nữ nên biết về nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI).
Khi nào đi khám bác sĩ
UTI có biểu hiện đặc trưng là thường xuyên mót tiểu và cảm giác đau buốt mỗi khi đi tiểu.
Trong khi phần lớn phụ nữ thấy tiểu đau, thì một số người chỉ cảm thấy đau vùng chậu mơ hồ hoặc có thể bị sốt.
Nếu thấy những biểu hiện này, bạn cần đi khám bác sĩ để ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan sang các bộ phận khác của đường tiết niệu như thận. Mặc dù nhiều thuốc không kê đơn có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn nhưng chỉ các thuốc kháng sinh mới có thể chữa khỏi nhiễm trùng.
Bác sĩ có thể lấy mẫu nước tiểu làm xét nghiệm nhanh. Đôi khi những vấn đề khác như nhiễm nấm men cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự nhiễm trùng đường tiết niệu vì vậy cần xét nghiệm để biết chính xác nguyên nhân. Nếu xét nghiệm dương tính, bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh.
UTI cần phải điều trị kịp thời nhất là khi bạn đang mang thai. Nếu không điều trị, dù bệnh là nhẹ thì cũng có thể gây chuyển dạ sớm.
Các biện pháp giảm đau tạm thời
Nếu chưa có điều kiện đi khám bệnh ngay, bạn cần uống nhiều nước. Điều này có thể khiến bạn đi tiểu nhiều hơn, nhờ vậy sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, nước sẽ làm loãng nước tiểu, giảm đau buốt.
Các loại thuốc không kê đơn như AZO, hoạt động giống như một chất khử trùng cho bàng quang có thể giảm bớt khó chịu. Các thuốc giảm đau như ibrporfen có thể giảm triệu chứng.
UTI có thể tái phát
Có thể đây là lần đầu tiên bạn bị UTI nhưng không có gì đảm bảo bạn sẽ không bị lại. Tái phát UTI là khá phổ biến. Nguyên nhân có thể là do bạn không uống kháng sinh đầy đủ, khiến cho vi khuẩn nhân lên và gây tái nhiễm trùng. Vì vậy cần uống thuốc đầy đủ theo đơn ngay cả khi bạn cảm thấy khá hơn.
Phụ nữ cũng thường có nguy cơ tái phát vì họ có niệu đạo ngắn hơn so với nam giới, làm cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và đến bàng quang.
Quan hệ tình dục có thể là nguyên nhân
UTI không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhưng quan hệ tình dục có thể gây bệnh. Vì đường niệu đạo nằm ngay gần âm đạo, vi khuẩn trong âm đạo có thể di chuyển vào niệu đạo và bàng quang.
Để giúp giảm nguy cơ nhiễm UTI, hãy đi tiểu ngay trước và sau khi “yêu” để loại bỏ vi khuẩn khỏi niệu đạo.
Các biện pháp tránh thai cũng có thể là nguyên nhân
Chất diệt tinh trùng, bao cao su, màng ngăn là những phương pháp tránh thai tốt. Nhưng chúng có thể gây kích thích da vùng âm đạo và niệu đạo khiến cho vi khuẩn dễ xâm nhập hơn. Màng ngăn có thể làm giảm lưu thông nước tiểu vì vậy khó làm sạch bàng quang hoàn toàn, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi.
Nếu bạn đang bị nhiễm trùng tái phát, việc tiểu tiện ngay sau khi “yêu” không có tác dụng, bạn có thể đổi loại bao cao su. Tốt nhất là cần tư vấn bác sĩ về các phương pháp tránh thai.
Nước ép nam việt quất có thể có lợi
Mặc dù nam việt quất không thể điều trị được nhiễm trùng nhưng uống nước ép nam việt quất có thể duy trì độ ẩm nói chung và có lợi cho sức khỏe đường tiết niệu. Nguyên nhân có thể là do nước ép nam việt quất cản trở vi khuẩn bám vào thành bàng quang.
UTI không chỉ là vấn đề của phụ nữ trẻ
Phụ nữ trẻ trong độ tuổi hoạt động tình dục rất dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu, nhưng phụ nữ lớn tuổi cũng có nguy cơ. Vì hàm lượng hormon giảm trong thời kỳ mãn kinh, làn da của bạn, thậm chí là vùng da âm đạo và niệu đạo cũng thay đổi, thậm chí là mỏng đi, do vậy dễ gây nhiễm trùng hơn.
BS Tuyết Mai
Theo Health.com