Hà Nội

Nhiễm sán xơ mít từ món ăn tái sống

06-06-2015 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Bệnh sán xơ mít (sán giống xơ quả mít) còn gọi là bệnh sán dây. Sán dây trưởng thành hoặc ấu trùng sán dây ký sinh trong cơ thể người.

Nhiều người có thói quen ăn các món ăn tái, sống như gỏi cá, nem chua, nem chạo, rau sống,... rất có nguy cơ mắc các bệnh giun sán trong đó có sán xơ mít vì những món này thường không được nấu chín hoàn toàn nên ấu trùng sán vẫn còn tồn tại.

Sán xơ mít và đường lây truyền

Bệnh sán xơ mít (sán giống xơ quả mít) còn gọi là bệnh sán dây. Sán dây trưởng thành hoặc ấu trùng sán dây ký sinh trong cơ thể người. Có hai loại sán dây lợn và sán dây bò. Bệnh có đặc điểm diễn biến kéo dài và nhiều biến chứng rất nguy hiểm do khó phát hiện. Mặt khác việc điều trị tẩy sán gặp khó khăn vì đầu sán bám chắc và sống rất dai. Theo nghiên cứu ở nước ta tỷ lệ nhiễm sán dây đường ruột chiếm 0,5 - 12%, trong đó sán dây bò chiếm 70 - 80%, sán dây lợn chiếm 10 - 20%, tỷ lệ nhiễm ấu trùng sán lợn 5 - 7%.

Chu kỳ sinh phát triển của sán dây bò

Sán dây trưởng thành sống ở ruột non của người, thời gian ủ bệnh khoảng 8-10 tuần. Đối với bệnh sán dây trưởng thành, khi người ăn phải thịt lợn, bò (hoặc trâu, lạc đà, cừu, dê, ngựa, thỏ, chó, mèo) có ấu trùng sán chưa chết, môi trường ruột non thích hợp cho ấu trùng phát triển, sau 3 tháng con sán trưởng thành hoàn toàn. Sau khoảng 10 tuần, sán trưởng thành sống trong ruột non của người, những đốt sán già tự rụng theo phân bài tiết ra ngoài.

Đối với ấu trùng sán dây lợn sống ký sinh ở trong tổ chức của một số động vật như: lợn, lợn rừng, trâu, bò, lạc đà, cừu, dê, ngựa, thỏ, chó, mèo. Thời gian ủ bệnh ấu trùng sán dây lợn khoảng 9-10 tuần. Khi người ăn phải trứng sán dây lợn (do không giữ vệ sinh ăn uống nhiễm phải trứng sán dây hoặc phân tươi có trứng sán dây) thường chỉ với lượng nhỏ, chúng vào trong dạ dày, ấu trùng được nở. Nhưng người bị bệnh sán trưởng thành trong ruột, thì trứng sán ở đốt sán già trào ngược lên dạ dày, nở ra lượng ấu trùng lớn. Ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa, di chuyển đến da, cơ, mắt, hoặc não. Hiếm gặp bệnh ấu trùng sán dây bò.

Bác sĩ Minh Ngọc

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Điều trị sán xơ mít cho người nhiễm khỏi bệnh không khó nhưng muốn diệt tận gốc tránh các nguy cơ tái nhiễm thì rất khó khăn. Do tồn tại lâu trong môi trường, cách duy nhất diệt hiệu quả các ấu trùng là cả gia đình người nhiễm bệnh phải tiệt trùng các đồ dùng sinh hoạt như quần áo, cốc tách, bát... bằng nước đun sôi.

Sau khi tẩy sán mà 3 tháng sau không thấy đốt sán bò ra ngoài hậu môn mới là điều trị thành công. Vì trên thực tế rất nhiều người bệnh áp dụng bài thuốc theo mách bảo hoặc không thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sĩ phải sống chung với con sán nhiều năm. Vì vậy, khi bị nhiễm sán xơ mít cần đến cơ sở y tế để được tư vấn điều trị.

 

 


Ý kiến của bạn