Hà Nội

Nhiễm sán lợn: Hậu quả của thói quen sinh hoạt mất vệ sinh

25-03-2019 06:41 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Liên quan tới những ồn ào đầy lo ngại của cộng đồng thời gian vừa qua về nhiễm sán lợn, phóng viên báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Nguyễn Văn Đề - nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng - Trường đại học Y Hà Nội.

GS.TS. Nguyễn Văn Đề.

GS.TS. Nguyễn Văn Đề.

PV: Thưa GS, có thông tin rằng xét nghiệm máu cho kết quả dương tính với sán lợn vẫn không chắc chắn là nhiễm bệnh. GS có thể giải thích rõ về điều này được không ạ? Như vậy, việc các phụ huynh đem con đi xét nghiệm như hiện nay có thực sự cần thiết?

GS.TS. Nguyễn Văn Đề: Trước hết cần nói rõ rằng, kết quả xét nghiệm máu dương tính chỉ cho thấy có kháng thể chống sán lợn trong huyết thanh, nghĩa là người đó từng phơi nhiễm với ấu trùng sán lợn. Dương tính thật còn như vậy thì nói gì đến dương tính giả. Mà trong xét nghiệm, vẫn có những trường hợp dương tính giả. Vì thế, dù lo lắng cũng không thể vội vàng, xét nghiệm ồ ạt được bởi khi đó, sai số là khó tránh khỏi. Hơn nữa, có kết quả xét nghiệm máu sàng lọc dương tính, còn phải làm thêm các chẩn đoán cận lâm sàng khác nữa. Nếu người ăn phải thịt lợn gạo (chứa ấu trùng sán) sẽ mắc bệnh sán dây trưởng thành - do ấu trùng sán khi vào trong ruột người sẽ phát triển thành sán và ký sinh trong ruột. Khi đó phải chờ từ 2-3 tháng để xét nghiệm phân xem có đốt sán hay không mới biết có nhiễm sán hay không để điều trị. Vì thế, trong thời gian này, việc các phụ huynh nên làm không phải là đem con đi xét nghiệm cho tốn kém, mất thời gian, gây tình trạng quá tải ở bệnh viện mà bình tĩnh chờ các cơ quan chức năng về lấy mẫu đem đi xét nghiệm sàng lọc.

PV: Vậy khi nào thì người nhiễm sán lợn cần phải điều trị và việc điều trị có khó khăn gì không, thưa GS?

GS.TS. Nguyễn Văn Đề: Điều trị bệnh sán không khó nhưng cần phân biệt bệnh ấu trùng sán lợn hay bệnh sán lợn trưởng thành. Bệnh sán trưởng thành ở ruột thường là do người bệnh ăn phải thịt lợn sống hay chưa chín có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày, ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành có thể ký sinh trong ruột non nhiều năm. Bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt như đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Chủ yếu là người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài, đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, 2 đầu sán phẳng (cần phân biệt với giun kim tròn và có đầu đuôi nhọn), một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân (mặc dầu sán dây không đẻ trứng). Nếu bị bệnh sán trưởng thành, người bệnh sẽ được dùng thuốc tẩy sán praziquantel uống liều duy nhất, tùy theo cân nặng (15-20mg/kg cân nặng), sau đó tái khám. Một số bệnh nhân nhiễm sán dây lợn trưởng thành có hiện tượng đốt sán khi rụng có thể theo phản ứng của nhu động ruột và ngược lên dạ dày, lúc đó, dưới tác dụng của dịch dạ dày, đốt sán vỡ ra giải phóng hàng nghìn trứng và trứng nở ấu trùng rồi theo máu đến ký sinh ở cơ và não, đôi khi tới mắt và một số nơi khác (đây là bệnh ấu trùng sán lợn tự nhiễm). Như vậy, bệnh ấu trùng sán lợn là do người ăn phải trứng sán dây lợn có trong thức ăn hay tự nhiễm như đã nói ở trên. Sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán dây lợn, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt... Trường hợp này là nhiễm từ môi trường bên ngoài vào cơ thể nên ít ấu trùng ở các mô. Trong trường hợp người bệnh có sán trưởng thành trong ruột và bị nhiễm ấu trùng sán lợn theo cơ chế tự nhiễm thì số lượng ấu trùng sẽ rất lớn (ở Việt Nam có bệnh nhân nhiễm tới 300 ấu trùng trong não và 300 ấu trùng dưới da). Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau. Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1 - 2cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết; nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, co giật, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội; nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù. Thường khi có các triệu chứng trên, người bệnh đi khám, được chẩn đoán và điều trị trong vài tháng. Thuốc điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn là praziquantel và albendazole. Những người có ấu trùng sán lợn ở não và  biểu hiện lâm sàng nặng cần được điều trị tại bệnh viện.

PV: Nói như vậy có nghĩa là nhiễm sán lợn không chỉ do ăn thịt lợn gạo? GS có lời khuyên nào cho bạn đọc để phòng ngừa căn bệnh này?

GS.TS. Nguyễn Văn Đề: Đúng thế! Có thể nhiễm sán lợn từ những thói quen sinh hoạt không hợp vệ sinh. Nhiễm sán lợn do ăn thịt lợn gạo sống hoặc nấu chưa chín chỉ nguy hiểm với những trường hợp có nhiễm ấu trùng sán lợn theo cơ chế tự nhiễm, còn nhiễm ấu trùng sán lợn do ăn hay nuốt phải trứng sán dây lợn có trong thực phẩm bẩn như rau sống rửa chưa sạch, uống nước chưa đun sôi... thường phổ biến hơn trong cộng đồng. Ở Việt Nam, số bệnh nhân mắc sán lợn trong cộng đồng không phải hiếm, nhất là khi việc chăn nuôi, canh tác, thói quen sinh hoạt còn nhiều hạn chế. Bản đồ dịch tễ cho thấy có 55 tỉnh mắc sán dây lợn, trong đó nam giới chiếm 70%, đa số bệnh nhân mang nang sán dưới cơ kèm theo nang sán trong não (sự tương đồng tới 98%). Ấu trùng sán dây lợn ký sinh có thể ảnh hưởng tới các bệnh lý như động kinh, nói ngọng, liệt làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ người bệnh. Để phòng bệnh sán lợn/ấu trùng sán lợn, mọi người cần thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch sẽ. Không nên ăn thịt lợn sống, chưa nấu chín và các loại rau sống không đảm bảo vệ sinh. Cần sử dụng hố xí hợp vệ sinh, quản lý phân thật tốt để không truyền bệnh ra môi trường. Không nuôi lợn thả rông. Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị sớm, không phóng uế bừa bãi. Mà không chỉ có bệnh sán lợn, nhiều bệnh truyền nhiễm khác thủ phạm có thể bắt nguồn từ những thói quen sinh hoạt không hợp vệ sinh nói trên. Và phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh.

PV: Xin cảm ơn GS!


Lê Minh Thúy (thực hiện)
Ý kiến của bạn