Theo thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, bệnh nhân là L.T.T. (28 tuổi, trú tại TP. Cẩm Phả) đến khám bệnh trong tình trạng bị đau bụng, ngứa hậu môn, đại tiện phân lỏng ra sán, đôi khi sán tự ra đường hậu môn.
Khai thác tiền sử, bệnh nhân có thói quen ăn bún bò tái kèm rau sống khoảng 3-4 lần/ tháng. Các bác sĩ tại đây đã chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm sán dây bò, chỉ định dùng thuốc đặc trị sán theo phác đồ.
Sau 1 ngày theo dõi, chị T. tiếp tục đại tiện ra một đốt sán dây khoảng 3-4cm. Hiện nay tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
BSCKI Trần Quốc Tuấn – Phó Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy chia sẻ, khi ăn thịt có nang ấu trùng sán dây bò chưa được nấu chín, còn tái hoặc sống, nang ấu trùng sẽ vào đi vào ruột. Từ đó ấu trùng sẽ thoát ra khỏi nang, đầu lộn ra ngoài, nhờ giác hút, sán bám vào niêm mạc ruột thường ở phần trên hỗng tràng. Các sán sẽ hút các chất bổ dưỡng và phát triển.
Bác sĩ Tuấn cũng cho biết thêm, nang ấu trùng có thể tồn tại lâu vì thân sán có khả năng đề kháng với các men tiêu protein có trong ruột non. Sán dây bò chiếm thức ăn làm suy yếu cơ thể, làm tổn thương tại ruột, gây rối loạn tiêu hóa.
Sán dây bò sẽ gây ra một số triệu chứng cho bệnh nhân như đau bụng, ăn không ngon, sụt cân hoặc chóng mặt, đau đầu, thiếu máu hoặc thậm chí là hạ huyết áp... Đặc biệt đốt sán chui ra khỏi hậu môn bò ra ngoài.
Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, BSCKI Phạm Thị Việt Anh, Phó Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 19-8 cho hay: "Việt Nam là một nước có khí hậu nhiệt đới, do vậy thuận lợi cho kí sinh trùng trong đó có giun sán phát triển. Một số biểu hiện bệnh nhân mắc giun sán bao gồm sốt kéo dài, đau bụng, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, một số bệnh nhân bị ngừa ngoài da. Có trường hợp nhiễm giun sán phải điều trị tại bệnh viện như gây nên tình trạng áp xe gan, hay giun lươn có những biến chứng. Tình trạng nhiễm giun sán không được điều trị bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng thiếu máu, thậm chí tắc ruột, do vậy nên phát hiện kịp thời và xử lý sớm".